Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đổi mới chính phủ: Cần xác định lại luật gốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đổi mới chính phủ: Cần xác định lại luật gốc

Tư Giang thực hiện

Ông Lê Viết Thái.

(TBKTSG) – Gần đây, một nghiên cứu về đổi mới chính phủ đã được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phác thảo. Ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế Kinh tế, phụ trách nghiên cứu này trao đổi với TBKTSG về những phát hiện bước đầu.

Ông Lê Viết Thái: Điểm qua tất cả những bước đột phá trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, thì có thể nói chúng đều gắn bó với những quyết định thu hẹp phạm vi, vai trò của Nhà nước. Công cuộc cải cách ở Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi cần phải có những nội dung khác so với các nước khác, nhất là phải xác định những khuyết tật của Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho cơ chế thị trường vận hành tốt.

TBKTSG: Bắt đầu từ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, ông phát hiện ra điều gì trong nghiên cứu?

– Chúng tôi tìm hiểu thực tế ở các bộ. Mỗi bộ đều có nghị định về chức năng, nhiệm vụ, và cơ cấu tổ chức. Chỉ riêng điều về chức năng, nhiệm vụ của 19 bộ, trừ các bộ công an, quốc phòng, và ngoại giao đã cỡ hơn 100 trang giấy.

Từ một gạch đầu dòng trong nghị định ấy, về phần mình bộ trưởng lại ký quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của các vụ. Rồi các vụ lại lại soạt thảo tiếp cho các phòng, ban. Tức là từ mỗi gạch đầu dòng bé bé của ông bộ trưởng, hay vụ trưởng lại nở ra hàng chục đầu việc khác nhau. Tóm lại, chúng tôi ước tính cỡ vài chục vạn đầu việc mà Nhà nước phải làm chỉ ở riêng cấp bộ, ngành.

Tôi nói thật, không thể nào đủ thời gian để xác định xem có làm được tất cả các việc đấy không.

TBKTSG: Vậy, khi các bộ có nhiều chức năng, nhiệm vụ thì ảnh hưởng của hiện tượng đó đến đời sống kinh tế, xã hội như thế nào?

– Hiện tại nhiều bộ còn duy trì một số nhiệm vụ không cần thiết đối với công việc quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Các loại giấy phép kinh doanh, giấy phép con là minh chứng điển hình cho nhận định về những nhiệm vụ không những không cần thiết mà còn làm cản trở quá trình phát triển. Ngoài ra, hầu hết các bộ đều có chức năng “đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực liên quan” và chức năng “hoạch định chính sách”. Điều này dễ dàng dẫn đến hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hoặc phân biệt “con đẻ, con nuôi”, làm méo mó quan hệ thị trường.

Do không phân định rõ chức năng hoạch định chính sách, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ nên cơ cấu tổ chức các bộ cũng không rõ ràng. Khi các bộ trở nên ôm đồm thì Nhà nước buộc phải tiêu phí quá nhiều nguồn lực vào những mục tiêu mà một nhà nước thông thường không nhất thiết phải thực hiện. Điển hình nhất là hiện tượng “xin-cho” giữa cấp dưới và cấp trên, hay việc Nhà nước “bỏ quên” nhiều nhiệm vụ, hay “nới lỏng” chức năng giám sát dẫn đến những vụ tham nhũng, hay đã ra những “quyền lực đặc biệt” cho một số cơ quan công quyền và một số công chức. Đây là nguyên nhân quan trọng và cơ bản nhất cho sự tồn tại một nhà nước cồng kềnh, hiệu lực yếu, hiệu quả thấp.

TBKTSG: Những điều ông nói tương đối hiển nhiên. Vậy sao lại khó cải thiện đến thế?

– Chúng tôi rà soát thì thấy rằng, có rất nhiều việc các bộ không cần làm, nhưng vẫn phải ghi lại trong các nghị định về chức năng, nhiệm vụ, và tổ chức của bộ đó. Người ta cho rằng, những việc đó phải ghi ra trong nghị định vì chúng gắn với Luật Tổ chức chính phủ. Luật nêu Chính phủ phải làm việc này, việc nọ, và vì thế phải có một bộ gánh nhiệm vụ đó. Việc sửa đổi những nội dung này trong Luật Tổ chức chính phủ hoàn toàn không đơn giản bởi chúng đã được quy định trong Hiến pháp.

Chính vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp lần này là cơ hội xác định lại vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước nói chung trong quá trình phát triển. Trên nền tảng đó sẽ thiết kế bộ máy của Chính phủ dễ dàng hơn. Lúc ấy, việc tách/hợp bộ này, bộ kia sẽ dựa trên nền tảng khoa học, chứ không cảm tính.

Bên cạnh đó, việc giảm chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan công quyền cũng đồng thời có nghĩa giảm quyền lực của họ đối với xã hội. Điều này không phải lúc nào cũng được sự chấp thuận dễ dàng của những cơ quan và công chức trong bộ máy công quyền.

TBKTSG: Về tổng thể, vị trí của Chính phủ được thể chế hóa như thế nào?

– Theo điều 100 Hiến pháp 1992, “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thế nhưng, thực tế cho thấy, còn nhiều vấn đề cần làm rõ để việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường được thông suốt. Trước hết, đó là hai vế nói trên về vị trí của Chính phủ: vừa là “cơ quan chấp hành của Quốc hội”, lại vừa là “cơ quan hành chính nhà nước cao nhất”. Cần xem lại định nghĩa này, để khẳng định rõ: Thế nào là cơ quan chấp hành của Quốc hội? Tại sao Chính phủ lại là cơ quan chấp hành của Quốc hội (tức cơ quan lập pháp)?

Hiến pháp 1992 được xây dựng trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi nền kinh tế, vai trò và nhiệm vụ của Chính phủ khi đó đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội khác hẳn so với yêu cầu thực hiện nay, đặc biệt là những vấn đề quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội.

Những suy nghĩ trên sẽ dẫn đến việc phải sửa đổi nhiều điều trong Hiến pháp 1992, nhất là việc xác định cho rõ vị trí và mối quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về kinh tế và xã hội.

TBKTSG: Tham những là một trong những vấn nạn hiện nay. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

– Sự tồn tại tương đối nhiều những chức năng, nhiệm vụ không cần thiết dẫn đến việc xuất hiện những “giấy phép” và quyền lực bất hợp lý của các cơ quan công quyền, sự thiếu rõ ràng, minh bạch trong quy trình, thủ tục hành chính là những nguyên nhân quan trọng đối với hiện tượng tham nhũng hiện nay.

Bên cạnh đó, tham nhũng cũng là hệ quả của việc cơ quan công quyền thường chỉ gần với nguồn lực tài chính là ngân sách, nhưng bây giờ lại xuất hiện nguồn lực có giá trị cao hơn nhiều là đất đai, tài nguyên. Việc được phép “ban phát” tài chính, đất đai, được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất (một yếu tố quan trọng tạo ra giá trị gia tăng cho đất) là những yếu tố tạo cơ hội xuất hiện tham nhũng nhiều nhất hiện nay.

TBKTSG: Ông nhìn nhận như thế nào về tác động của đổi mới vai trò nhà nước, của Chính phủ, chẳng hạn, với nỗ lực ổn kinh tế vĩ mô hiện nay?

– Để ổn định kinh tế vĩ mô, một lý do quan trọng là phải giảm chi tiêu công, giảm chi ngân sách. Hiện nay cứ cắt dự án này, dự án kia cũng như là ngứa đâu gãi đấy. Bây giờ tôi giảm hẳn chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong một số lĩnh vực, thì không còn lý do để tồn tại một số dự án liên quan. Hơn nữa, khi muốn ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn, thì kinh tế phải khỏe và doanh nghiệp phải khỏe. Anh thử nhìn khu vực doanh nghiệp nhà nước, khó tìm ra doanh nghiệp khỏe.

Suy cho cùng thì Nhà nước không nên đầu tư vào tất cả những lĩnh vực mang tính thương mại. Một khi Nhà nước sử dụng tiền thuế của dân thì không được phép đưa vào những lĩnh vực chịu rủi ro, mà đã bỏ vào kinh doanh là chịu rủi ro. Chưa nói đến hiệu quả hay không hiệu quả, nhưng riêng về nguyên lý thì không nên làm việc đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới