Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đối phó với nạn khủng bố doanh nghiệp, đòi nợ nhân viên

LS. Nguyễn Thùy Dung - LS. Lê Trọng Thêm(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Phải thừa nhận rằng “chiêu” gọi điện thoại, nhắn tin đến giám đốc, cấp quản lý và những người khác… do bên cho vay tiêu dùng sử dụng để đòi nợ nhân viên của công ty đã phát huy hiệu quả trong thực tế. Phần lớn nhân viên vay tiền sẽ phải bằng mọi cách thu xếp tiền để trả nợ tránh bị mất việc, bị xấu hổ, bị mang tiếng vì nợ nần đến mức bị “dí nợ” đến cùng. Đây là thực trạng đáng báo động trong vài năm gần đây.

Rất nhiều chủ doanh nghiệp cảm thấy bực mình, tức giận khi bị khủng bố bằng điện thoại. Một ngày đã bao việc đau đầu, mà chủ doanh nghiệp vẫn phải xử lý những việc tào lao, không liên quan đến mình và công ty. T

hậm chí, công ty cho vay nợ còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh bình thường của công ty bằng việc gọi vào số tổng đài giao dịch của mình. Không những vậy, nhân viên thu hồi nợ còn gọi cho đối tác của công ty để xuyên tạc sự thật, gây phiền hà, nói xấu gây ảnh hưởng uy tín. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về tính pháp lý của hành vi đòi nợ kể trên.

Công ty không có nghĩa vụ trả nợ thay nhân viên

Sở dĩ bên cho vay nợ có được thông tin về doanh nghiệp mà nhân viên đang làm việc là trong phần lớn hồ sơ cho vay, bên cho vay yêu cầu người vay phải xin xác nhận nơi công tác hoặc phải khai thông tin về người chủ sử dụng lao động hiện tại. Do vậy, khi cần gây sức ép cho người vay, họ đã chọn cách khủng bố điện thoại đến doanh nghiệp.

Mặc dù nhân viên là người lao động chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của công ty trong quan hệ lao động (điều 6.1.a BLLĐ) nhưng không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp là người cùng chịu nghĩa vụ trong một giao dịch vay nợ độc lập của cá nhân.

Trong trường hợp những người vay tiền cố tình không trả nợ thì chủ nợ có thể khởi kiện để giải quyết tranh chấp. Đây là hành động văn minh và được pháp luật cho phép.

Theo quy định tại điều 3.5 BLDS về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì cá nhân người lao động phải tự chịu trách nhiệm về nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản vay tiêu dùng cá nhân.

Tương tự, theo điều 87.2 BLDS, công ty không phải chịu trách nhiệm thay cho người lao động đối với nghĩa vụ do người lao động xác lập, thực hiện không nhân danh công ty. Còn điều 597 BLDS quy định, công ty chỉ phải bồi thường thiệt do người lao động gây ra khi thực hiện nhiệm vụ được công ty giao.

Do vậy, trên cơ sở pháp luật hiện hành, chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng công ty không hề có bất kỳ nghĩa vụ nào đối với người lao động khi họ đi vay tiền để tiêu xài cho mục đích cá nhân.

Công ty phải làm gì để đối phó tình trạng khủng bố đòi nợ?

Về mặt kỹ thuật, nhiều người bị quấy rầy sẽ lựa chọn việc không nhận các cuộc gọi đến từ các số lạ hay chặn các số điện thoại đã từng gọi khủng bố đòi nợ. Tuy nhiên, biện pháp này không triệt tiêu việc bị làm phiền bởi vì hệ thống thu hồi nợ qua điện thoại có hàng tá số điện thoại mới, thậm chí có cả tổng đài tự động để tự gọi và phát ra yêu cầu trả nợ.

Đối với những người kinh doanh, mỗi số điện thoại mới có thể là một cơ hội kinh doanh tiềm năng. Do vậy, về mặt lâu dài giải pháp không nhấc máy đối với số lạ không phải là giải pháp tốt.

Về mặt pháp lý, việc phản đối, đôi co, giải thích và tranh luận với bên gọi điện đòi nợ rằng “chúng tôi không liên quan đến khoản vay và không chịu trách nhiệm trả nợ” sẽ không ý nghĩa gì với kẻ gọi điện khủng bố đòi nợ. Bởi vì trước khi thực hiện hành vi này họ hiểu rất rõ về tính pháp lý của giao dịch cho vay tiêu dùng cá nhân này.

Mục đích của cuộc gọi là nhằm khủng bố tinh thần, gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến công việc của người nghe. Để từ đó, người nghe muốn chấm dứt khủng bố phải gây áp lực lại nhân viên vay tiền tìm cách trả nợ. Khi đạt được mục đích đòi nợ, việc khủng bố điện thoại này cũng kết thúc.

Phần lớn lãnh đạo công ty đều muốn chấm dứt tệ nạn thu hồi nợ kiểu này bằng con đường pháp lý bởi họ tin rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng khi các số điện thoại khủng bố này được tạo ra từ các phần mềm thông qua phương thức cuộc gọi IP không thể xác định đích danh người gọi bằng thông tin đăng ký nhà mạng viễn thông. Chưa kể, có rất nhiều app (ứng dụng trên điện thoại) cho vay tiền với giá trị nhỏ, người vay tiền còn không biết bên cho vay là ai thì công ty cũng không thể làm gì.

Đối với trường hợp, bên cho vay là ngân hàng, công ty cho vay tiêu dùng có thông tin, địa chỉ rõ ràng, doanh nghiệp có thể (i) trước tiên là ghi nhận lại bằng chứng quấy rối, vu khống, xúc phạm thông qua việc ghi âm lại cuộc hội thoại; (ii) lập vi bằng đối với các tin nhắn SMS hay các ứng dụng chat; (iii) mời bên cho vay đến trụ sở doanh nghiệp làm việc cùng nhân viên vay nợ để giải quyết.

Trên cơ sở các bằng chứng được xác lập về hành vi khủng bố qua điện thoại, tùy theo các thông tin và ngôn từ vu khống, xúc phạm, đe dọa… doanh nghiệp có thể tố cáo hành vi khủng bố này đến cơ quan cảnh sát điều tra về trật tự xã hội để xử lý.

Một biện pháp phòng ngừa khác mà các doanh nghiệp có thể thực hiện là không nên xác nhận công tác cho người lao động với mục đích vay tiền từ tổ chức tín dụng không uy tín. Đồng thời yêu cầu người lao động của mình phải cam kết tránh cho công ty bất kỳ sự phiền hà, quấy rối từ bất kỳ bên cho vay nợ nào.

Trong trường người lao động vi phạm công ty có cân nhắc xem xét xử lý kỷ luật trong trường nội quy lao động có quy định. Chính sách này có thể khiến người lao động phải nhận thức về nghĩa vụ bảo vệ lợi ích và danh tiếng của công ty.

Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước

Xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức sử dụng công nghệ cao phạm tội là việc làm không hề dễ dàng. Để xử lý dứt điểm và nghiêm trị “trùm cuối” là cá nhân chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đòi hỏi cơ quan điều tra phải mất rất nhiều thời gian thu thập chứng cứ. Do vây, các cá nhân và doanh nghiệm bị ảnh hưởng cần hỗ trợ cơ quan điều tra thu thập thông tin về hành vi vi phạm pháp luật này.

Một tín hiệu đáng mừng là vào ngày 20-11 vừa qua, lực lượng công an TPHCM đã bắt tạm giam 13 người thuộc một công ty tài chính có trụ sở ở quận 1, TPHCM về hành vi vu khống quy định tại điều 156 Bộ luật hình sự.

Những cá nhân này đã thực hiện hành vi dùng điện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa; cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang và ảnh đồi trụy; thông báo truy tìm người trốn nợ, vu khống là lừa đảo rồi gửi cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền; đăng lên Zalo, Facebook… nhằm gây sức ép buộc người vay phải trả nợ. Nhân viên đòi nợ thành công sẽ được hưởng 30% số tiền, nên “nhiệt tình khủng bố, vu khống” người vay (theo Vnexpress.net).

Thông tin này đã gây dựng niềm tin đối với xã hội về sự quyết tâm đẩy lùi tệ nạn khủng bố đòi nợ. Đồng thời cũng là thông điệp cứng rắn, mạnh mẽ và kịp thời đối với các bên cho vay cần phải chấm dứt ngay cách thu hồi công nợ trái pháp luật này. Trong trường hợp những người vay tiền cố tình không trả nợ thì chủ nợ có thể khởi kiện để giải quyết tranh chấp. Đây là hành động văn minh và được pháp luật cho phép.

(*) Công ty Luật LTT & Lawyers

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới