Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đối thoại giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp vận tải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đối thoại giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp vận tải

Ban Mai

Hiện gần như 100% doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Dù cuối tháng 8-2010 cuộc đối thoại của Bộ Giao thông Vận tải và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải mới diễn ra, nhưng các doanh nghiệp trong ngành vận tải đã “chuẩn bị” những bức xúc, khó khăn gặp phải trong quá trình kinh doanh hiện nay phát sinh từ những quy định của ngành. Với cuộc đối thoại này, Hiệp hội Vận tải TPHCM hy vọng sẽ được bộ giải quyết rốt ráo, gỡ bỏ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP, thời hạn cho các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô là trước ngày 1-7-2010. Thế nhưng đến ngày 24-6-2010, Bộ Giao thông Vận tải mới ban hành mẫu để xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô (theo Thông tư số 14).

Theo ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TPHCM, hiện gần như 100% các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container vẫn chưa được cấp loại giấy phép này. Điều 19 Nghị định 91/2009/NĐ – CP quy định về hồ sơ cấp giấy phép. Trong đó điểm d quy định: “Bản sao hợp lệ văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải”. Điều này rất khó thực hiện, vì thực tế hiện nay phần lớn người trực tiếp điều hành doanh nghiệp vận tải đều không đủ điều kiện theo luật định. Ông Trung cho rằng, quy định này là quá gấp, không có thời hạn cho doanh nghiệp chuẩn bị, và kiến nghị lộ trình để thực hiện quy định này tối thiểu là ba năm.

Ngoài ra điều 48 của Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT quy định tài xế phải mang theo hợp đồng vận tải cho mỗi chuyến xe là điều rất khó thực hiện. Theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TPHCM, các chủ xe vận tải nhỏ chủ yếu ký kết hợp đồng bằng miệng, phù hợp với quy định về hình thức của hợp đồng vận chuyển được quy định tại khoản 1 điều 536 của Bộ luật Dân sự. Mỗi ngày nhà kinh doanh vận tải có thể vận chuyển hàng hóa cho nhiều chủ hàng, ở nhiều địa phương khác nhau, với thời gian và quãng đường khác nhau. Thường, đối với khách hàng truyền thống, các bên chỉ ký kết một bản hợp đồng nguyên tắc để thực hiện trong một thời gian dài, chỉ khi có biến động lớn về giá cả, khối lượng hàng hóa, mới ký kết hợp đồng cụ thể.

Ngoài ra, giá cả trong hợp đồng vận chuyển là thông tin bí mật của mỗi doanh nghiệp, do vậy doanh nghiệp không muốn đưa hợp đồng cho tài xế để tránh bị cạnh tranh. “Nếu luật bắt buộc tài xế phải mang theo hợp đồng vận chuyển thì có thể doanh nghiệp vận tải sẽ lập hợp đồng giả tạo để đối phó với các cơ quan thi hành pháp luật”, ông Chung nói.

Thực tế, doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển container chỉ ký hợp đồng để vận chuyển container hàng. Đối với các doanh nghiệp này hàng hóa là container, họ không thể biết được hàng hóa chứa trong container đó là gì. Vì hợp đồng vận chuyển bắt buộc phải có điều khoản quy định về loại hàng hóa, do vậy, ông Chung đặt vấn đề: “Những hợp đồng “vận chuyển container” thì có phù hợp với quy định tại Thông tư số 14 hay không?”.

Ngành vận tải còn gặp những khó khăn, hiện khoảng 80% xe chuyên dụng chở container hàng ngày vẫn buộc phải vi phạm pháp luật về tải trọng cầu, chấp nhận chịu xử phạt nặng hoặc phải dừng xe chờ phá sản.

Ông Lương Hoàng Trung dẫn chứng, đường được cắm biển báo tải trọng trục (theo Thông tư số 07/2010/TT – BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 11-2-2010), trong khi phần lớn cầu lại cắm biển báo tải trọng cầu (tính theo tổng trọng tải cả hàng và xe – theo quy định tại Điều lệ Báo hiệu đường bộ Việt Nam – biển 115). Căn cứ vào các biển hướng dẫn đó, các xe chuyên dụng chở container được phép đi trên các tuyến đường khi không quá tải trọng trục, nhưng qua cầu thì bị phạt vì quá tải trọng do cầu có tải trọng ghi trên biển báo quá thấp so với tổng trọng tải của xe.

Thậm chí có những cây cầu nằm trên tuyến đường “huyết mạch” đi vào cảng Cát Lái, phải qua cầu Suối Cái có tải trọng 20 tấn, cầu Sài Gòn có tải trọng 25 tấn. Hệ quả là, các doanh nghiệp vận tải ở vào vào tình thế “luôn luôn vi phạm”, vì 80% phương tiện chuyên dụng chở hàng hóa bằng container luôn luôn có tổng trọng lượng cả hàng và xe trên 25 tấn. Mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng và tạm giữ giấy phép lái xe 30 ngày đã gây hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp. “Chưa kể đến thực tế nhiều cây cầu có chiều dài “ngắn hơn xe” thế nhưng vẫn bị xử phạt quá tải cầu. Đây là điều hoàn toàn bất hợp lý, vì toàn bộ xe không nằm trên cầu thì không đủ cơ sở để kết luận quá tải cầu được”, ông Trung nói.

Tổng cục Đường bộ vẫn không giải thích được ý nghĩa của biển báo tải trọng cầu: trước cầu Sài Gòn có ghi biển báo tải trọng cầu 25 tấn cả hàng và xe, khoảng cách giữa các xe là 30 mét. Tuy nhiên, do không thống nhất trong cách hiểu và vận dụng về tải trọng cầu dẫn đến hiện tượng rất nhiều doanh nghiệp bị xử phạt về lỗi quá tải trọng cầu. Thực tế có đến 80% số lượng container chứa hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu có trọng lượng từ 10-25 tấn/container (tiêu chuẩn tối đa một container chứa được 32,47 tấn hàng). Do vậy, theo ông Trung, với trọng lượng hàng hóa đó cộng với trọng lượng xe và sơmi rơmooc (khoảng từ 11-16 tấn) thì tổng trọng tải luôn vượt quá quy định về tải trọng cầu hiện nay.

Hiệp hội Vận tải cho rằng, xử phạt nặng những xe cố tình chở hàng quá tải (tự ý xếp hàng hóa vận chuyển quá thiết kế), nguyên nhân gây hư hại cầu đường và nguy hiểm đến an toàn xã hội là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định hiện nay, cùng với cách hiểu của cảnh sát, thanh tra giao thông đối với xe tải kéo container cần phải xem xét lại cho phù hợp với thực tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới