Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đối thoại với Bộ Tài chính, DN nêu nhiều thắc mắc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đối thoại với Bộ Tài chính, DN nêu nhiều thắc mắc

Tư Hoàng

Đối thoại với Bộ Tài chính, DN nêu nhiều thắc mắc
Hàng chục doanh nghiệp đã nêu những thắc mắc cụ thể với Bộ Tài chính – Ảnh TG

(TBKTSG Online) Hàng loạt các vướng mắc về thuế, và các thủ tục liên quan đã được các doanh nghiệp đặt ra với lãnh đạo Bộ Tài chính trong Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2015 diễn ra sáng nay 29-10 tại Hà Nội.

Hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức thu hút hàng trăm doanh nghiệp.

Đại diện Công ty TTHH An Đô cho biết họ là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và thuốc bảo vệ thực vật, là hai lĩnh vực phải kiểm tra chuyên ngành.

Vị đại diện An Đô than phiền: “Trong mấy năm gần đây, doanh nghiệp cảm thấy mệt mỏi trong việc kiểm tra chuyên ngành này. Chỉ trong 9 tháng doanh nghiệp đã phải nộp 620 triệu đồng và cử thêm một nhân viên chuyên cho việc này. Các thủ tục trong việc kiểm tra chuyên ngành không linh động bởi cùng một mẫu hàng mà vẫn phải kiểm tra đi kiểm tra lại. Ví dụ như cái ô che mưa nắng cũng phải kiểm tra chuyên ngành, một tấn vải chỉ mất một vài triệu đồng tiền thuế nhưng lại mất tám triệu đồng kiểm tra chuyên ngành, cho nên các doanh nghiệp nhỏ chỉ muốn lách cho nhanh, đỡ tốn kém.”

Vị này đề nghị Bộ Tài chính cần cải cách thủ tục hành chính để đỡ tốn kém cho doanh nghiệp, trong khâu lưu thông cần kiểm soát để đỡ thiệt thòi cho doanh nghiệp. Việc triển khai hải quan điện tử chưa mang lại hiệu quả. Hiện tại các cửa khẩu ở khâu hải quan vẫn làm thủ công.

Về đề nghị này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, thông quan hàng hóa là khâu mất nhiều thời gian nhất trong công tác hải quan khi có tới 38% của bảy triệu lô hàng xuất khẩu hàng năm phải chịu sự kiểm tra về độ an toàn thực phẩm.

Ông nói: “Sự kiểm tra là cần thiết. Theo nhận định của chúng tôi mặc dù mất thời gian nhiều nhưng vẫn chưa đưa lại sự an tâm cho doanh nghiệp, người dân, chưa phù hợp với yêu cầu thị trường, thời gian lưu kho quá lâu. Do đó tôi rất đồng tình với ý kiến của doanh nghiệp.”

Ông Tuấn cho biết, giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã gửi công văn lên Chính phủ và Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ ngành trước khi ban hành danh mục các sản phẩm cần kiểm tra hàng hóa.

Đại diện công ty TNHH Parkson Hải Phòng cho biết, doanh nghiệp được thành lập từ năm 2006, có thuê địa điểm mặt bằng từ tầng 1-4. Sau một thời gian hoạt động, công ty đã mua lại địa điểm từ tầng 1-4 và vẫn giữ mô hình hoạt động thống nhất từ khi thành lập đến nay. “Như vậy, chúng tôi có được xem là đầu tư mở rộng hay không?” đại diện Parkson Hải Phòng hỏi.

Về điều này, ông Tuấn đề nghị Tổng cục Thuế sớm trả lời cho doanh nghiệp. Ông giải thích thêm, theo luật, trong giai đoạn đầu tư mở rộng đó thì doanh nghiệp không được hưởng chế độ ưu đãi.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Đệ, cho biết lâu nay việc vay vốn ODA và các quỹ hỗ trợ chỉ dành cho các doanh nghiệp nhà nước, trong khi thực tế có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước được sử dụng nguồn vốn ưu đãi nhưng lại làm ăn thua lỗ, làm thất thoát nhiều khoản tiền rất lớn.

“Tôi khẳng định, nếu đưa nguồn vốn này cho doanh nghiệp tư nhân, thì khối này sẽ rất phát triển và tỷ lệ thất thoát chắc chắn sẽ rất ít. Nhân đây, tôi cũng kiến nghị Hội nghị làm sao để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân cả nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa nói riêng có thể tiếp cận được nguồn vốn này,” ông Đệ đặt vấn đề.

Về điều này, ông Tuấn cho biết, hiện nay nhà nước đã có chính sách cho doanh nghiệp tư nhân vay vốn ODA nhưng quy mô, mức độ và vị trí thực hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Năm 2012, Việt Nam đã vay Ngân hàng thế giới 200 triệu đô la Mỹ để cho khu vực tư nhân thực hiện dự án bệnh viện, trường học, môi trường.
Ông nhận xét, so với nhu cầu toàn quốc con số 200 triệu đô la Mỹ là quá thấp.

Bên cạnh đó, hiện nay mới chỉ có một số tỉnh thành lập quỹ hỗ trợ chính sách đầu tư. Ông cam kết là Bộ tài chính cùng các bộ có liên quan phải hỗ trợ các địa phương để thời gian tới cả 63/63 tỉnh đều có quỹ này.

Ông Đệ hỏi tiếp, hiện tại Đảng và Nhà nước đang khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực môi trường, văn hóa, thể thao, đặc biệt là hỏa táng, nhưng điều kỳ lạ là mặc dù doanh nghiệp có tài sản thế chấp, nhưng vẫn không vay được vốn ngân hàng để đầu tư vào các lĩnh vực này, trong đó, khó khăn nhất là lĩnh vực hỏa táng.

Với tình trạng ông Đệ nêu, Thứ trưởng cho biết, Bộ Tài chính rất đồng tình với ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, và sẽ sớm tổng kết các đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này. Ông khẳng định sẽ tiếp thu và phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để bổ sung nội dung hỏa táng vào danh mục được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai.

Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, tổng số giờ nộp thuế tai Việt Nam đã giảm được 420 giờ trong hai năm qua, theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới.

Ông cho biết, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Thuế đẩy mạnh triển khai nộp thuế điện tử trên phạm vi cả nước, vì giải pháp này sẽ giảm được trên 10 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp.

Ông Cao Anh Tuấn cho biết thêm, đến ngày 20-10-2015, hệ thống khai thuế điện tử đã triển khai cho 63 tỉnh, thành phố với trên 506.000 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 98,95% so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Một số cục thuế đạt tỷ lệ cao như: Cục Thuế TP Đà Nẵng 100%, Cục Thuế TP Hà Nội 99%, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh 99%.

Đến hết tháng 10-2015, triển khai nộp thuế điện tử đã đạt được các kết quả cụ thể như sau: Tổng số doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử qua cổng của Tổng cục thuế là 457.504, đạt trên 90% doanh nghiệp đang hoạt động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới