Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đón cơ hội chuyển dịch đầu tư từ Nhật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đón cơ hội chuyển dịch đầu tư từ Nhật

Quốc Hùng

Đón cơ hội chuyển dịch đầu tư từ Nhật
Công nhân của một công ty sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ Nhật Bản tại TPHCM đang làm việc tại nhà máy -Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Đồng yen liên tục tăng giá cùng với chi phí lao động trong nước tăng cao và những ảnh hưởng lớn về thiên tai ở Nhật… khiến nhiều công ty Nhật Bản có xu hướng chuyển sản xuất ra nước ngoài. Việt Nam là một trong những địa điểm mà các doanh nghiệp Nhật đến tìm cơ hội đầu tư và kinh doanh.

>>> Nhật Bản lo ngại “chảy máu doanh nghiệp”

>>> Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan thiệt hại lớn vì lũ lụt

Chuyển hướng đầu tư

Ông Yoshida Sakae, Giám đốc điều hành của Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) – TPHCM, nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, trong những tháng qua liên tiếp có nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

Theo ông Yoshida, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật đang có xu hướng chuyển sản xuất ra nước ngoài do đồng yen của Nhật liên tục tăng giá so với hai ngoại tệ chủ chốt là đồng đô la Mỹ và đồng euro châu Âu, khiến chi phí sản xuất hàng hóa tại Nhật tăng cao. Sau thảm họa động đất và sóng thần, giới kinh doanh Nhật phải đối phó với nhiều khó khăn, nhưng theo ông Yoshida mối lo lớn nhất của họ lại là tình trạng đồng yen không ngừng tăng giá, làm yếu sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Nhật và khiến tiền lời của doanh nghiệp Nhật bị giảm sút nhiều. Mặt khác, đồng yen mạnh cho phép doanh nghiệp Nhật giảm bớt chi phí bỏ ra để đầu tư hay mua lại công ty ở nước ngoài. 

Trong bối cảnh đó, ông Yoshida cho rằng, các nhà sản xuất nhỏ và vừa của Nhật sẽ ra nước ngoài xây dựng cơ sở sản xuất. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật nhờ có nguồn lao động có kỹ năng và chi phí thấp. Mối tương đồng về văn hóa và quan hệ tốt giữa hai dân tộc được xem là yếu tố quan trọng. Thị trường lớn cũng là một yếu tố mà các doanh nghiệp Nhật hướng đến trong bối cảnh thị trường Nhật đang bị bão hòa.

Báo chí nước ngoài cũng dẫn lời chuyên gia kinh tế thuộc Viện nghiên cứu Dai-ichi ở Nhật Bản, ông Tohru Nishihama rằng, Indonesia và Việt Nam ngày càng thu hút được đầu tư từ Nhật Bản với ưu thế dân số đông, nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh. Thực tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và Indonesia năm 2010 đều vượt Thái Lan.

Theo các công ty tư vấn và đơn vị xúc tiến đầu tư, lâu nay các nhà đầu tư Nhật đã xem Việt Nam là một điểm đến đầu tư lâu dài trong tình hình chi phí sản xuất tại Trung Quốc đã trở nên đắt đỏ hơn. Ông Yoshida cho rằng, khoảng cách di chuyển ngắn từ Nhật đến Việt Nam (mất 5-6 tiếng) cũng là điểm thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam so với Indonesia (mất 7-8 tiếng) và Ấn Độ (hơn 10 tiếng)…

Tuy nhiên theo các cơ quan xúc tiến đầu tư trong nước, trước những áp lực về thiên tai trong nước và lũ lụt tại Thái Lan mới đây, những lo lắng về ảnh hưởng thiên tai lũ lụt có xảy ra ở địa phương luôn được các nhà đầu tư Nhật đặt ra tại các buổi làm việc về khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Chuẩn bị hạ tầng

Do xem đây là thời cơ để thu hút đầu tư Nhật, một số địa phương, công ty phát triển hạ tầng trong nước, và ngay cả các nhà đầu tư hạ tầng Nhật Bản đã lên kế hoạch chuẩn bị hạ tầng đón nhà đầu tư Nhật, nhất là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ.

Thu hút công nghiệp phụ trợ đang được khuyến khích trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam -Ảnh minh họa: Quốc Hùng

Bà Rịa-Vũng Tàu và Hải Phòng là hai địa phương được Chính phủ chọn để xây dựng thành trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang khẩn trương lên kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp chuyên về công nghiệp hỗ trợ và sẵn sàng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản ở lĩnh vực trên. Đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần sau cảng (logistics) cũng là một hướng phát triển được tỉnh mời gọi, khuyến khích đầu tư của Nhật Bản…

Mới đây, đoàn tư vấn đầu tư Forval của Nhật đã đến Bà Rịa–Vũng Tàu với mong muốn tư vấn cho tỉnh phương thức phát triển khu công nghiệp dành riêng cho doanh nghiệp Nhật Bản. Theo Forval, tỉnh cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản như có đội ngũ quản lý và người lao động biết tiếng Nhật, tại khu công nghiệp phải có dịch vụ cho thuê nhà xưởng và các nhà công cộng như phòng họp tập thể, khu trung tâm thể thao, hoạt động thuế quan phải đáp ứng yêu cầu…

Tập đoàn Jesco Holding (Nhật) chuyên hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật và đầu tư xây dựng hạ tầng, cũng đã quyết định tham gia góp vốn với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng Hòa Bình (HBI) để phát triển hạ tầng khu công nghiệp Long Hậu 4 với quy mô 125 héc-ta tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Theo ông Thân Trọng Đức, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị của Khu công nghiệp Long Hậu 4, Jesco sẽ hỗ trợ tư vấn thiết kế khu công nghiệp và giúp khai thác thị trường Nhật – vốn là khách hàng mà khu công nghiệp Long Hậu 4 đang nhắm đến.

Không riêng khu công nghiệp Long Hậu, mà nhiều công ty phát triển hạ tầng khác như Becamex, VSIP… cho biết cũng đã sẵn sàng hạ tầng để thu hút nguồn vốn mới từ đất nước công nghệ này.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, những chuyến xúc tiến đầu tư của tỉnh ở thị trường Nhật gần đây thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều doanh nghiệp Nhật, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong ngành công nghiệp phụ trợ và logistic.

Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư

Rõ ràng xu hướng các nhà đầu tư Nhật đang hướng vào Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy nhiên, các công ty tư vấn đầu tư cho rằng Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh để thu hút nguồn vốn đầu tư Nhật. Không phải đến thời điểm này, mà trước đây đã liên tục có các đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tới để tìm hiểu về vấn đề đầu tư vào Việt Nam, nhưng họ có quyết định dừng chân ở Việt Nam hay không dường như vẫn chưa xác định rõ được.

Đại diện của các đơn vị xúc tiến đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam cũng cho rằng, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản đều là nhỏ và vừa, vốn ít, thậm chí lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài, nên thường nhiều băn khoăn, lo ngại, trong khi lại có rất ít thông tin về thị trường Việt Nam… Để thu hút các doanh nghiệp hỗ trợ Nhật Bản, cần quan tâm cung cấp thông tin về thị trường Việt Nam, sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ khi cần thiết, đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng cơ sở, các chính sách ưu đãi đầu tư.

Các vấn đề liên quan tới thanh quyết toán bằng ngoại tệ đối với doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất; thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; tuyển dụng người lao động nước ngoài; ký hợp đồng đào tạo với những người thay thế… cần tiếp tục được cải thiện, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư Nhật.

Trong 11 tháng đầu năm 2011, Nhật Bản có 172 dự án đầu tư được cấp phép với tổng vốn đăng ký lên đến hơn 1,6 tỉ đô la Mỹ. Tính chung đến tháng 11-2011, Nhật Bản có 1.636 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 23,28 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 4 trong 92 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới