Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dọn đường cho hội nhập  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dọn đường cho hội nhập  

Trong ảnh là một siêu thị mini của Công ty Vissan, hiện công ty này có hơn 45 cửa hàng, siêu thị mini trên địa bàn thành phố – Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Sở Thương mại TPHCM đang gấp rút xây dựng dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố để chuẩn bị cho việc mở cửa hệ thống phân phối cho các nhà đầu tư nước ngoài kể từ ngày 1-1-2009.  

Dự thảo nói trên theo dự kiến, sẽ được trình UBND TPHCM ký quyết định ban hành để thay thế cho quyết định số 144/2003/QĐ-UB được Chủ tịch UBND thành phố ký ngày 11-8-2003, phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố tới năm 2010.  

Theo ông Trương Trung Việt, Phó giám đốc Sở Thương mại, quy hoạch trong quyết định 144 hiện nay không còn phù hợp, một phần do sự phát triển nhanh chóng của ngành thương mại thành phố và còn do các cam kết gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam.

Theo cam kết gia nhập WTO, từ tháng 1-2007, các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập liên doanh phân phối tại thị trường Việt Nam và sở hữu 49% vốn. Tỉ lệ này tăng lên 50% vào năm 2008 và bắt đầu từ ngày 1-1-2009 mở cửa toàn bộ cho nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Việt cũng cho biết, việc mở cửa hệ thống phân phối không có nghĩa là nhà đầu tư nào cũng được cấp phép và cấp phép tại bất kỳ địa điểm nào mà chỉ cấp phép mở siêu thị, trung tâm thương mại dựa trên nhu cầu nền kinh tế và quy hoạch phát triển thương mại của địa phương. Đây là lý do mà Sở Thương mại TPHCM đang gấp rút thực hiện dự thảo quyết định nói trên.

Ngoài ra, dự thảo quyết định nói trên chỉ là một phần trong đề án xây dựng hệ thống bán buôn – bán lẻ mà sở này đang phối hợp các cơ quan liên quan triển khai từ cuối năm ngoái, dự kiến hoàn tất vào đầu năm tới.

Hồi tháng 2 năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định phê duyệt đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng tới năm 2020, làm cơ sở để Bộ Thương mại cũ, nay là Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức xây dựng quy hoạch phát triển thương mại cho riêng mình.

Theo Bộ Công Thương, từ 12 siêu thị và 2 trung tâm thương mại vào năm 1995, tới nay cả nước đã có 250 siêu thị và 50 trung tâm thương mại, ngoài ra còn có 27 siêu thị và 40 trung tâm thương mại đang triển khai xây dựng. Tuy nhiên, hệ thống siêu thị của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 6-10% trong toàn bộ doanh số bán lẻ của cả nước.

Ngoài các doanh nghiệp trong nước, kinh doanh siêu thị và trung tâm thương mại có sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài như Metro Cash & Carry của Đức, Big C của Pháp, Parkson của Malaysia, Zen Plaza của Nhật, Diamond Plaza liên doanh giữa Việt nam và Hàn Quốc và nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới