Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đơn hàng đóng tàu trên toàn cầu giảm mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đơn hàng đóng tàu trên toàn cầu giảm mạnh

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Trong năm 2020, các hãng vận tải biển trên toàn cầu đặt đơn hàng đóng tàu với số lượng giảm 50% so với năm ngoái do họ không biết nên chọn công nghệ nào cho tàu mới để giảm khí thải lưu huỳnh theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Điều này có nghĩa là thị trường vận tải biển sẽ còn căng thẳng trong những năm tới do lượng tàu thiếu hụt.

Đơn hàng đóng tàu trên toàn cầu giảm mạnh
Tàu vận tải biển được đóng tại một xưởng đóng tàu ở Geoje, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg

Đơn hàng đóng tàu giảm về mức thấp nhất trong 20 năm

Theo quy định mới của IMO bắt đầu áp dụng từ ngày 1-1-2020, các tàu vận tải biển thương mại chỉ được phép sử dụng các loại dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh (sulfur) thấp, chỉ ở mức 0,5% trở xuống để thay thế loại dầu nặng có hàm lượng lưu huỳnh 3,5% (hay còn lại là dầu bunker) được sử dụng rộng rãi trước đó.

Các chủ tàu chỉ được tiếp tục sử dụng dầu bunker nếu họ lắp đặt hệ thống lọc khí xả để gạn lọc và giữ lại lưu huỳnh trên tàu.  IMO đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải nhà kính của vận tải biển vào năm 2050 so với năm 2008.

Một số hãng vận tải biển đang trì hoãn đặt đơn hàng đóng tàu mới cho đến khi, họ có thể xác định được nhiêu liệu mới nào là sự lựa chọn tốt nhất. Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, lượng đơn hàng đóng tàu của các hãng vận tải biển trên toàn cầu giảm 10% trong năm 2019 và tiếp tục giảm mạnh hơn 50% trong năm 2020, về mức thấp nhất trong ít nhất hai thập kỷ.

Các nhiên liệu sạch hơn như ammonia, hydrogen, nhiên liệu sinh học và hệ thống động cơ điện dựa vào pin lithium là những ‘ứng cử viên’ đang được các hãng tàu cân nhắc để vận hành đội tàu mới. Tuy nhiên, những nhiên liệu này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ chưa thể triển khai rộng rãi trong hoạt động vận tải biển trong ít nhất một thập kỷ tới. Tuổi thọ trung bình của một tàu chở hàng thương mại chỉ khoảng 20 năm, vì vậy, sẽ rất tốn kém nếu chọn sai công nghệ.

Nếu đơn hàng đóng tàu không cải thiện nhanh chóng, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt tàu biển và giá cước vận tải biển sẽ vẫn duy trì mức cao trong một vài năm tới. “Các hãng tàu không đặt đơn hàng đóng tàu vì không biết trang bị công nghệ nhiên liệu nào cho tàu mới”, Morten Aarup, Giám đốc nghiên cứu thị trường ở hãng tàu Norden (Đan Mạch), nói. Ông nói rằng các kỹ sư, các nhà thiết kế tàu cần phải hợp tác để khẩn cấp tìm ra giải pháp tốt nhất.

Các chủ tàu không chuyển sang sử dụng các tàu chạy bằng các nhiên liệu mới, sạch hơn sẽ gặp bất lợi vì ngày càng có nhiều khách hàng yêu cầu vận chuyển thân thiện với môi trường. Khoảng 12,3% lượng tàu biển đang được đặt hàng hiên nay sẽ được trang bị hệ thống động cơ đẩy bằng nhiên liệu sạch. Tỉ lệ này của toàn thể đội tàu biển trên toàn cầu hiện nay chỉ là 0,6%, theo dữ liệu của Drewry Maritime Services.

Các hãng tàu đang lúng túng về nhiên liệu thay thế

Việc sử dụng các nhiên liệu thay thế trong vận tải biển để giảm khí thải lưu huỳnh vẫn đang còn ở giai đoạn thăm dò và nhiều hãng tàu lớn thử nghiệm sử dụng cùng lúc nhiều nhiêu liệu thay thế.

Trafigura Group, một trong những công ty kinh doanh năng lượng lớn nhất thế giới, đang nắm cổ phần ở một công ty bán nhiêu liệu sinh học hàng hải. Công ty dịch vụ phân loại, tuân thủ và tư vấn quốc tế cho ngành hàng hải Lloyd's Register đã tán thành về nguyên tắc cho một số dự án tàu vận hành bằng nhiên liệu ammonia. Trong khi đó, hãng tàu Stena Bulk của Thụy Điển đang có kế hoạch vận hành một số tàu sử dụng nhiên liệu là dầu ăn.

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) là ứng cử viên hàng đầu cho nhiêu liệu chuyển tiếp trong quá trình hướng đến phi carbon hóa hoàn toàn trong ngành vận tải biển.

Tập đoàn dầu khí Shell dự định thuê các sà lan chở dầu vận hành bằng LNG. Dù LNG cũng là nhiên liệu hóa thạch nhưng hàm lượng khí thải CO2 của nó thấp hơn so với các loại dầu hàng hải truyền thống, hơn nữa, nguồn cung LNG luôn có sẵn.

Jayendu Krishna, nhà phân tích ở hãng tư vấn hàng hải Drewry, cho rằng các mục tiêu tham vọng của IMO về giảm khí thải nhà kính trong ngành vận tại biển là nguyên nhân khiến lượng đơn hàng đóng tàu mới sụt giảm vì các hãng tàu vẫn không chắc chắn công nghệ nhiên liệu sạch nào có thể triển khai rộng rãi.

Krispen Atkinson, nhà tư vấn ở IHS Markit, cho biết các tàu vận hành bằng LNG chiếm khoảng 8% đơn hàng đóng tàu mới trên toàn cầu. Sử dụng LNG có thể giúp các hãng vận tải biển cắt giảm khí thải nhà kính gần 30% so với việc sử dụng dầu nhiêu liệu truyền thống, theo Christos Chryssakis, Giám đốc phát triển kinh doanh ở Công ty tư vấn hàng hải DNV nói.

Maersk, hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, có quan điểm khác. Palle Laursen, Giám đốc công nghệ của Maersk cho rằng không còn thời gian cho nhiêu liệu chuyển tiếp. Maersk chỉ nhắm đến các giải pháp nhiên liệu giúp đưa khí thải carbon về mức zero ròng.

Palle Laursen cho biết Maersk xem các nhiên liệu dựa vào ammonia, alcohol (cồn) và  hỗn hợp cồn và lignin (chất hữu cơ liên kết các tế bào, sợi và mạch tạo thành gỗ ở thực vật) là giải pháp hứa hẹn nhất cho ngành vận tải biển. Maersk vẫn giữ nguyên công suất đội tàu kể từ năm 2018 và chưa đầu tư đóng tàu lớn trong thời gian gần đây.

Ammonia và hydrogen có lẽ là hai loại nhiên liệu sạch được chuộng nhất hiện nay, theo nhà tư vấn Atkinson. Trang bị hệ thống điện khí hóa cho tàu là một phương án lựa chọn khác nhưng chỉ khả thi đối với các tàu vận hàng chặng ngắn.

“Khi chủ các hãng tàu cân nhắc đóng tàu mới, họ rất lúng túng”, Chryssakis nói. Các tàu biển thế hệ mới sẽ chưa thể sẵn sàng triển khai rộng rãi cho đến ít nhất là năm 2030. Chryssakis nói trong khi tất cả các phương án đang được thăm dò, ngành vận tải biển không đủ sức để chờ đợi quá lâu.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới