Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đơn hàng xuất khẩu Trung Quốc tiếp tục suy yếu do thế giới giảm mua

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đơn hàng xuất khẩu Trung Quốc tiếp tục suy yếu do thế giới giảm mua

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Hoạt động nhà máy của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong tháng 5 nhưng điều đáng lo ngại hơn là chỉ số đơn hàng xuất khẩu của nước này suy yếu ở tháng thứ 5 liên tiếp, báo hiệu triển vọng hồi chữ V của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể không xảy ra.

Đơn hàng xuất khẩu Trung Quốc tiếp tục suy yếu do thế giới giảm mua
Công nhân làm việc ở một nhà máy sản xuất máy điều hòa ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Cú phục hồi chữ V có thể không xảy ra

Theo dữ liệu công bố của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 31-5,  chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 5 giảm nhẹ về 50,6 điểm so với 50,8 điểm trong tháng 4 nhưng vẫn trụ trên trên mốc 50 điểm, ngưỡng phân định giữa chiều hướng tăng trưởng và suy thoái.

Nhưng điểm đáng chú ý là chỉ số đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc, một chỉ số phụ của PMI ngành sản xuất, đứng ở mức 35,3 điểm trong tháng này, nằm cách khá xa mốc 50 điểm. Chỉ số này đã nằm dưới mốc 50 điểm trong tháng thứ 5 liên tiếp khi đại dich Covid-19 tiếp tục gây tổn thương nghiêm trọng nhu cầu trên toàn cầu.

Zhang Liqun, nhà phân tích của Hiệp hội mua hàng và kho vận Trung Quốc (CFLP), nói: “Điểm số của các chỉ số phụ liên quan đến nhu cầu của PMI  thấp hơn nhiều so với các chỉ số liên quan đến sản xuất, báo hiệu tác động kìm hãm rõ ràng đối với nhu cầu sản xuất”.

Điểm sáng hơn trong dữ liệu kinh tế tháng 5 của Trung Quốc là chỉ số PMI ngành dịch vụ của tăng nhẹ lên 53,6 điểm so với với 53,2 điểm trong tháng 4, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tiếp tục cải thiện.

Chịu đòn giáng nặng nề từ cuộc khủng hoảng Covid-19, GDP của Trung Quốc tăng trưởng -6,8% trong quí 1, lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ lúc Trung Quốc thống kế dữ liệu tăng trưởng. Giới phân tích nhận định phải mất nhiều tháng trước khi các hoạt động kinh tế tổng thể của Trung Quốc quay trở về mức trước khủng hoảng Covid-19 cho dù nước này tránh được làn sóng lây nhiễm mới.

Trong khi hầu hết doanh nghiệp đã tái mở cửa, nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc vẫn đang chật “bơi” trong môi trường kinh doanh khó khăn khi các đơn hàng từ nước ngoài bị cắt giảm hoặc hủy bỏ giữa lúc các lệnh phong tỏa đang đẩy nền kinh tế toàn cầu chìm vào suy thoái.

Zhao Qinghe, một quan chức của NBS, cho hay hơn 80% nhà máy ở Trung Quốc đã phục hồi 80% công suất sản xuất trước khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, các chỉ số đơn hàng nhập khẩu và xuất khẩu của ngành sản xuất Trung Quốc đều đang ở các mức thấp kỷ lục do nhu cầu trên toàn cầu tiếp tục suy giảm.

Về cơ bản, dịch Covid-19 đã được khống chế ở Trung Quốc với số ca nhiễm mới hàng ngày bằng 0 hoặc chỉ vài ca nhưng đà lây lan của dịch bệnh này trên toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu của Trung Quốc.

Tuần trước, Công ty tư vấn Trivium China, có trụ sở ở Bắc Kinh, công bố chỉ số hoạt động kinh doanh quốc gia cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang vận hành chỉ ở mức 88% sản lượng bình thường. Báo cáo của Trivium China nhận định: “Cú hồi phục hình chữ V của Trung Quốc có thể không xảy ra. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ không phục hồi đầy đủ cho đến khi toàn bộ thế giới quay trở lại trạng thái bình thường”

Đà phục hồi sản xuất sẽ gập ghềnh

Lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giờ đây lo ngại đà phục hồi sản xuất có thể gập ghềnh vì nhu cầu suy yếu ở trong nước lẫn ngoài nước.

Justin Yu, Giám đốc kinh doanh Công ty Pinghu Mijia Child Product Co. ở tỉnh Chiết Giang, sản xuất xe scooter cho trẻ em để bán cho các nhà bán lẻ ở Mỹ, cho biết đơn hàng đang cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với mức bình thường.

“Chúng tôi đang chứng kiến đơn hàng đến trong tháng này khi chúng tôi sắp bước vào mùa kinh doanh cao điểm. Nhưng lượng đơn hàng vẫn còn thấp hơn 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà máy của chúng tôi đang vận hành chỉ 70-80% công suất”, ông Yu nói.

Yao Wei, nhà kinh tế ở Ngân hàng Societe Generale, nhận định: “Tốc độ bình thường hóa nguồn cung của Trung Quốc đang vượt xa tốc độ phục hồi của nhu cầu”.

Do triển vọng xuất khẩu yếu ớt, một số nhà sản xuất Trung Quốc như Công ty Fujian Strait Textile Technology đang thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng tập trung vào thị trường nội địa. Công ty từng bán 60% lượng sản phẩm sang châu Âu và Mỹ trước khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xóa sạch các đơn hàng xuất khẩu.

Dong Liu, Phó Chủ tịch Fujian Strait Textile Technology, cho biết nhờ nắm bắt tốt các cơ hội ở trong nước, công ty ông đã bán sạch hàng tồn kho và đang vận hành hết công suất.

Song chiến lược tập trung vào thị trường nội địa cũng có những thách thức riêng. Dù người tiêu dùng Trung Quốc đã quay trở lại cuộc sống bình thường nhưng họ không còn chi tiêu mạnh mẽ như trước đây. Trong tháng 4, doanh số bán lẻ của Trung Quốc giảm 7,5%,, trong khi đó, doanh số nhà hàng và dịch vụ ăn uống giảm 31,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vấn đề đối với ngành sản xuất công nghiệp Trung Quốc là sản lượng khổng lồ của ngành này đòi hỏi nhu cầu trong nước lẫn nước ngoài đều vững mạnh. Nếu cả hai nhu cầu này yếu, rõ ràng đó sẽ là triển vọng ảm đạm. Nếu nhu cầu trong nước phục hồi nhưng nhu cầu toàn cầu suy giảm, điều này cũng gây ra các khó khăn.

“Rốt cục, nền kinh tế Trung Quốc được thúc đẩy nhờ nhu cầu trong và ngoài nước nhưng giờ đây nhu cầu đó không còn mạnh nữa”, Viktor Shvets, Giám đốc chiến lược châu Á thuộc bộ phận thị trường toàn cầu và hàng hóa của Ngân hàng Macquarie, nói.

Một kịch bản có thể xảy ra là những nhà sản xuất Trung Quốc vốn nhắm đến thị trường xuất khẩu trước đây sẽ chuyển hướng về thị trường trong nước. Lúc đó, sản lượng của họ có thể dư thừa vì nhu cầu trong nước không thể hấp thụ hết. Khi cung vượt cầu, điều này sẽ gây ra áp lực giảm phát, đe dọa tăng trưởng của Trung Quốc, theo nhận định của Bo Zhuang, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc ở Công ty nghiên cứu TS Lombard.

Wang Tao, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc ở Ngân hàng UBS, dự báo các nhà sản xuất ở Trung Quốc có thể phải điều chỉnh sản lượng. Bà nói: “Tôi không nghĩ nguồn cung sẽ vượt nhu cầu trong một thời gian dài. Một khi hàng tồn kho tích lũy quá lớn hoặc các nhà sản xuất nhận thấy đơn hàng đang giảm, họ buộc phải điều chỉnh sản lượng”.

Viễn cảnh này có thể gây ra các vấn đề khác, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, một trong những mối lo ngại lớn nhất của Bắc Kinh. Trong một cuộc họp báo gần đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh tạo việc làm là ưu tiên cấp thiết của chính phủ

Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới