Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dồn hết cho mắt xích cuối cùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dồn hết cho mắt xích cuối cùng

Dương Văn Ni

Dồn hết cho mắt xích cuối cùng
Môi trường sinh thái đa dạng và phong phú ở ĐBSCL đã giữ chân được hàng vạn loài sinh vật. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

(TBKTSG) – Trong chúng ta, ít ai ăn hoài một thứ mà không cảm thấy ngán. Ăn rau thì cũng phải thay đổi liên tục nay rau má, mai bông súng, mốt khổ qua; ăn cá thì lúc cá trê, cá sặc, lúc cá linh, cá cơm. Nếu chỉ phải ăn một thứ thì cũng phải tìm cách chế biến khác nhau như lúc kho, lúc xào, lúc chiên, lúc nấu canh. Ngay cả nấu canh thôi, thì cũng phải có canh chua, canh ngọt hay canh mặn.

Thế mới biết tài nấu nướng của người xưa và một món ăn ngon không phải chỉ do chất lượng của nguyên liệu mà còn do sự khéo léo chế biến của người nấu. Vì vậy dân gian mới có câu “khéo ăn thì no” và “khéo” ở đây đã bao hàm sự đa dạng!

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ban tặng cho tính đa dạng là nhờ sự hòa quyện của ba yếu tố quan trọng là nắng, đất và nước.

ĐBSCL có hai mùa phân biệt, mùa nắng từ tháng 12-5 và mùa mưa từ tháng 6-11. Mặc dù gọi là mùa mưa, nhưng không phải ngày nào cũng có mưa. Trong mùa mưa, thời gian mưa gom lại cũng chỉ khoảng ba tháng, còn lại là những ngày nắng xen kẽ. Cá biệt là giữa tháng 7 Âm lịch, có khi nắng xuyên suốt khoảng hai tuần lễ, dân gian gọi là “hạn bà chằn”. Nhờ nắng mà hầu như quanh năm ĐBSCL đều nhận đầy đủ nguồn năng lượng từ mặt trời.

Kế đến là đất, do được hình thành trong hai quá trình biển dâng và biển lùi xảy ra cách nay hàng ngàn năm, đã tạo ra nhiều loại đất khác nhau. Từ những loại đất màu mỡ nằm dọc theo các sông rạch tự nhiên cho đến những loại đất sét nặng chứa phèn tiềm tàng xuất hiện trong các vùng sâu, vùng trũng cách xa sông rạch. Cá biệt còn có những gò cát cao, những núi đá vôi, những đĩa than bùn phân bố rải rác khắp đồng bằng.

Nước là yếu tố đặc biệt, sự đa dạng nguồn nước từ số lượng, chất lượng và thời gian hiện diện đã quyết định phần lớn tính đa dạng của môi trường tự nhiên ở ĐBSCL. Có nơi quanh năm nước sông rạch không thể nào chảy đến do ở địa hình gò cao, nơi đây chỉ có mỗi nguồn nước mưa. Nhưng lại có nơi vào mùa mưa nước ngập sâu đến ba bốn mét. Về chất lượng thì phần lớn nước sông rạch và nước mưa được xem như là nguồn nước ngọt; nước của vùng ven biển là nước mặn; vùng giáp ranh giữa nước ngọt và nước mặn là vùng nước lợ. Ngoài ra, ở những vùng trũng, đất bị xì phèn trong mùa khô nên đầu mùa mưa có thêm loại nước phèn. Thời gian đến và đi của những nguồn nước này thay đổi từ vài ngày cho đến suốt năm.

Sự hòa quyện giữa ba yếu tố ánh sáng, đất và nước ở mọi mức độ từ ít đến nhiều, từ tốt đến xấu và từ sớm đến muộn đã tạo ra những kiểu sinh thái đặc thù ở ĐBSCL. Có kiểu sinh thái chỉ rộng chừng vài công đất, nhưng cũng có những kiểu sinh thái rộng đến hàng ngàn héc ta.

Từ sự đa dạng và phong phú của các kiểu sinh thái đó đã giữ chân được hàng vạn loài khác nhau. Trong đó loài sống di trú chỉ đến ĐBSCL vài tuần lễ hoặc vài tháng, loài bản địa thì hiện diện quanh năm. Có loài chỉ sử dụng một kiểu sinh thái đặc biệt nào đó nhưng lại có loài cần tất cả các kiểu sinh thái. Như sếu đầu đỏ chỉ về ĐBSCL vào mùa khô và chúng chỉ sử dụng những kiểu sinh thái có loài cỏ năn; ngược lại cá linh lại về trong mùa mưa và chúng cần những vùng ngập nước rộng lớn để kiếm ăn.

Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là không có loài nào không giữ một vai trò nào đó trong bất kỳ kiểu sinh thái nào có ở ĐBSCL. Có loài làm nguồn thức ăn cho những loài khác; có loài làm sạch môi trường; có loài làm nơi trú ẩn cho các loài khác sinh sống.

Và trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đó, loài người đang ở mắt xích cuối cùng. Tức là loài người phụ thuộc vào tất cả các loài đang có mặt ở ĐBSCL! Phụ thuộc ở mức thấp nhất như là chỉ sử dụng bóng mát cây xanh giữa trưa hè, cho đến mức độ cao nhất như là nguồn lương thực, thực phẩm dùng để ăn uống hàng ngày. Nói tóm lại, con người sống được là nhờ sự đa dạng sinh học!

Vậy mà chúng ta đang nỗ lực phát triển theo hướng giảm dần sự đa dạng sinh học! Đắp một đê bao khép kín ở vùng ngập sâu để tăng thêm vụ lúa là làm mất đi kiểu sinh thái ngập nước theo mùa, điều này dẫn đến nguy cơ biến mất những loài cá di cư, trong đó có cá linh. Chuyển một vùng đất phèn mặn sang nuôi tôm sú là làm mất đi loài cỏ năn kim, đây là nguồn thức ăn của sếu đầu đỏ, nên chúng sẽ không về nữa!

Khi đa dạng sinh học bị mất đi thì cả xã hội đều phải trả giá, không phải chỉ có thế hệ hiện tại mà cả nhiều thế hệ trong tương lai!

Ai cũng biết là ở ĐBSCL người dân thích ăn cá. Trước đây người nghèo thì bắt cá lòng tong, hủn hỉnh; người giàu có tiền thì mua cá ngát, cá leo. Bây giờ các kiểu sinh thái tự nhiên đã bị chuyển đổi, cá lòng tong, hủn hỉnh bị giảm đi rất nhiều nên chúng khó kiếm hơn và mắc tiền hơn. Vì vậy, người nghèo bị thiệt hại trước tiên vì khó kiếm cá lòng tong, hủn hỉnh và cũng không có tiền mua cá ngát, cá leo vì chúng đều quá mắc!

Vì nguồn cá tự nhiên trở nên khan hiếm, nên đành phải phát triển nghề nuôi cá. Tuy nhiên chất lượng của cá nuôi thì không thể bằng với cá tự nhiên, vì vậy giá một ký cá tự nhiên luôn cao hơn ba đến bốn lần cá nuôi.

Vậy là người ta tìm mọi cách để đánh bắt cá tự nhiên. Các công cụ đánh bắt cổ truyền được thay bằng các thứ hiện đại như xung điện, chất nổ hay hóa chất. Các kiểu đánh bắt này hủy diệt tất cả các loài sinh sống trong môi trường tự nhiên. Nhưng nguy hiểm nhất là những thứ đánh bắt được thì người ta tìm mọi cách để giữ cho nó mãi tươi nhằm bán được giá cao, trong đó việc dùng các hóa chất độc hại để vi sinh vật đừng làm thối cá là thường gặp nhất. Cũng vì lợi nhuận, việc nuôi cá cũng không là ngoại lệ, miễn sao cho cá nuôi mau lớn, nhiều thịt, thì mọi thứ thức ăn hay hóa chất kích thích tăng trưởng đều được sử dụng!

Dĩ nhiên những chất độc hại đó đều dồn hết cho con người, vì con người chẳng phải là mắt xích cuối cùng trong chuỗi đa dạng sinh học đó sao?

Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi nắng-mưa, con người đang làm thay đổi nguồn nước và đất đai, điều này sẽ làm cho môi trường tự nhiên ở ĐBSCL mất dần tính đa dạng vốn có của nó. Vì vậy, đa dạng sinh học cũng sẽ bị thay đổi theo hướng càng ngày càng nghèo nàn hơn. Các sản phẩm do môi trường tự nhiên sản xuất dần dà sẽ bị thay thế bằng những thứ do con người sản xuất.

Nhưng liệu con người có thể thay thế hết tất cả các sản phẩm do môi trường tự nhiên sản xuất ra hay không? Câu trả lời thuộc về chúng ta, những người đang làm chủ môi trường và tương lai của mình ở ĐBSCL!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới