Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đón sóng FTA, nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu dệt may

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đón sóng FTA, nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu dệt may

Trọng Nghĩa

(KTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp trong ngành may đã đầu tư xây nhiều nhà máy, xưởng dệt để chủ động nguồn cung nguyên liệu nhằm đón những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.

Đón sóng FTA, nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên liệu dệt may
Bên trong nhà máy sản xuất nguyên liệu của TCM tại Vĩnh Long. Ảnh: Trọng Nghĩa

Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia rất nhiều FTA như EVFTA, RCEP…, việc chủ động nguồn nguyên liệu càng cấp thiết. Một phần là để tăng giá trị sản phẩm, mục đích chính vẫn là đáp ứng quy tắc xuất xứ mà các FTA đề ra.

Đồng thời, mặc dù nằm trong top 3 những quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng theo các chuyên gia ngành này, giá trị mang lại của ngành dệt may Việt Nam không cao, lợi nhuận trên mỗi sản phẩm chỉ khoảng 5-10%. Nguyên nhân chủ yếu là do nguyên liệu trong nước chỉ chiếm phần nhỏ trong chuỗi giá trị trên sản phẩm làm ra và cũng chưa chủ động được nhiều trong việc sản xuất sợi và vải.

Nguyên liệu trong nước cho ngành may lâu nay thường chỉ mới đáp ứng 20% nhu cầu sản xuất, 80% còn lại phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Tính riêng trong năm 2020, giá trị nhập khẩu nguyên phụ liệu trong ngành may lên đến 21,38 tỉ đô la Mỹ.

Những nước cung cấp nguyên liệu dệt may chính cho Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ (trong đó Trung Quốc chiến khoảng 50% tổng giá trị nhập khẩu).

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dệt may đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu. Đơn cử như Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ ( STK – có trụ sở chính ở TPHCM) đặt kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex tại Tây Ninh.

Nhà máy mới này có tổng công suất là 60.000 tấn/năm, gấp đôi công suất hiện tại, được chia làm 2 giai đoạn hoàn thành. Tổng vốn đầu tư của dự án là 120 triệu đô la Mỹ.

Nhà máy khởi công xây dựng giai đoạn một trong năm nay và đến năm 2023 sẽ đưa vào hoạt động, đồng thời tiếp tục khởi công xây dựng giai đoạn hai, đến năm 2025 thì hoàn thành. Nhà máy tập trung sản xuất sợi tái chế, sợi chất lượng cao, và sợi đặc biệt.

Theo ước tính của STK, nhà máy mới sẽ giúp công ty đạt tốc độ tăng trưởng bình quân năm vào khoảng 20% trong giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, các công ty dệt may lớn khác cũng có kế hoạch xây dựng các nhà máy mới hoặc nâng cấp công suất nhằm nắm bắt các cơ hội từ hiệp định EVFTA và RCEP. Cụ thể, Công ty cổ phần May Sông Hồng và Công ty cổ phần dệt may – đầu tư thương mại Thành Công (TCM) đặt kế hoạch mở rộng 26% và 20% công suất nhà máy.

Đại diện TCM cho biết công ty dự kiến xây dựng nhà máy Vĩnh Long 2 với công suất 9 triệu sản phẩm/năm, đáp ứng 100% nhu cầu sản xuất của công ty. Tổng vốn đầu tư xây dựng ước tính là 11 triệu đô la Mỹ (tương đương 260 tỉ đồng), dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2021.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết trong bối cảnh dịch bệnh làm đứt gãy nguồn cung hiện tại, các doanh nghiệp dệt may đầu tư xây dựng các nhà máy để bù đắp cho phần cung thiếu hụt là rất cần thiết.

Nhờ vào nỗ lực của các doanh nghiệp, hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước đã đáp ứng được 50% cho nhu cầu sản xuất. “Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra của chúng tôi là 55-60%. Nguyên nhân chính là do dịch bệnh đã làm các dự án này triển khai chậm hơn. Tôi hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi, và các dự án đầu tư này sớm được hoàn thành. Khi đó, phần cung thiếu hụt trong ngành dệt may sẽ sớm được giải quyết”, ông Giang nói.

Ngoài các dự án trên, nhiều doanh nghiệp FDI cũng đã triển khai xây dựng những nhà máy sản xuất nguyên liệu trong ngành may trong thời gian qua.

Công ty TNHH Texhong (Hồng Kông, Trung Quốc) bắt đầu xây dựng nhà máy dệt kim tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà, Quảng Ninh vào năm 2020 với tổng vốn đầu tư 214 triệu đô la Mỹ. Dự án tập trung vào sản xuất vải dệt kim, vải móc và vải không dệt. Giai đoạn một dự kiến hoàn thành vào ngày 21-11-2021 với công suất 150 triệu m2/năm. Giai đoạn hai với công suất 225 triệu m2/năm sẽ được thực hiện vào giai đoạn 2022-2023.

Một dự án khác là giai đoạn bốn của nhà máy sợi Brotex của Công ty TNHH Brotex (Việt Nam), dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quí 3-2021, nâng tổng công suất của nhà máy lên 80.000 tấn/năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới