Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đón Tết ở Nga

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đón Tết ở Nga

TS. Nguyễn Minh Phong (Moscow)

Chợ Vòm, nơi có nhiều người Việt làm ăn, trước khi bị đóng cửa theo lệnh của thị trưởng Moscow vào năm 2009.

(TBKTSG) – Ai đã từng đón Tết cổ truyền Việt Nam ở nước ngoài đều thấy Tết ở nơi xa xứ có cái gì đó vừa bâng khuâng, vừa khá lạnh lẽo trước cảnh sắc thiên nhiên và đặc điểm xã hội khác xa quê nhà. Đã từng đón tám cái Tết như vậy ở Nga, cảm nhận ấy trong tôi càng đậm nét.

Không có cái xôn xao, rực rỡ của mùa xuân; vắng cái náo nức của dòng người đi sắm Tết hay thu dọn, trang trí cửa nhà; lại càng thiếu cái ồn ào, vội vã của dòng xe vun vút như chạy đua với thời gian. Tết ở Nga chỉ có tuyết trắng trời, trắng đất và dòng người luôn đi bộ nhanh như chạy, chen vai thích cánh ở khắp các bến metro.

Năm nào Sứ quán Việt Nam ở Moscow cũng tổ chức chúc Tết chung trong cộng đồng người Việt. Đêm giao thừa, mọi người tụ tập tại nhà hoặc ký túc xá để thăm hỏi nhau và gọi điện thoại về quê nhà cho người thân.

Mùng 1 Tết, đa số các cửa hàng và bà con kinh doanh nghỉ hẳn một ngày để vui xuân. Trong những sinh hoạt đón Tết cộng đồng như vậy, nếu điều kiện thuận lợi, thường cũng có đủ cả bánh chưng, giò thủ, chả, nem rán, măng hầm, gà luộc; có mâm ngũ quả và cành đào, chậu mai và cả cảnh lì xì cùng những lời ca tiếng hát gợi nhắc không khí xuân mới trên quê hương.

Tôi còn nhớ, năm 1990 khi đón giao thừa đầu tiên ở Nga tại “Đôm 5”, nơi tôi từng làm nghiên cứu sinh, anh Lân Cường, con trai nhà giáo Nguyễn Lân – đã kỳ công tổ chức múa sư tử khá hoành tráng và đọc những bài thơ rất vui để phục vụ anh em nghiên cứu sinh của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô ở đây…

“Tết năm nay buồn và khó khăn hơn mọi năm!”. Nhận xét này của anh Nguyễn Thanh Tùng – một “ông trùm” chuyên lo dịch vụ giấy tờ, hộ khẩu và vé máy bay tại Moscow với thâm niên hơn 25 năm sinh sống ở Nga, cũng là tâm trạng chung của cộng đồng người Việt ở Nga.

Anh Tùng buồn là phải. Bởi như anh nói thì năm nào, vào dịp này “bét nhất” anh cũng làm được dịch vụ “đóng khẩu” cho 40-50 người, với giá 1.500 đô la/người/năm. Trừ chi phí mỗi cuốn anh cũng kiếm được vài chục đô la. Thế là có cái Tết khá tươm tất cho gia đình gồm hai vợ chồng, hai cậu con trai và một người giúp việc.

Còn năm nay, hoạt động dịch vụ của anh teo tóp hẳn, chỉ bằng khoảng một phần năm của năm ngoái. Trong khi đó, mỗi tháng, để sống với mức trung lưu tại Moscow, cả nhà anh chi tiêu tổng cộng không dưới 3.000 đô la, trong đó riêng tiền căn hộ khoảng 80 mét vuông ở khu Olympic mùa đông xây từ những năm 1980 là 1.000 đô la mà vẫn là rẻ, nếu so với giá 1.500 đô la/căn hộ khoảng 50 mét vuông ở Đôm 5.

Anh Tùng khoe vừa về Việt Nam chơi tháng trước, khi sang anh mang theo bức tranh “Cá chép ngắm trăng” to như tờ bản đồ treo tường mà bên nhà ngoại đã chuẩn bị cho để đón Tết ở Nga. Vợ anh, chị Hà Linh Hương, có gương mặt xinh xắn không hổ danh là cháu ruột của nghệ sỹ Ái Vân đẹp nức tiếng một thời ở phố Huế – Hà Nội.

Trong đêm khuya thanh vắng, anh Tùng kể nhiều về những bức xúc và tâm trạng của người thanh niên trí thức, dù bận bịu mưu sinh nơi đất khách quê người, song vẫn đau đáu nỗi niềm về sự phát triển của đất nước. Anh mong được Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam khai thác khả năng về ngôn ngữ, kiến thức và quan hệ thị trường – xã hội mà bản thân anh và nhiều người Việt khác đã tích lũy được để mở rộng tiêu thụ hàng hóa sang thị trường của Nga.

Anh Tùng cũng bộc lộ sự băn khoăn về tương lai của chính mình và cộng đồng người Việt ở Nga trong bối cảnh khó khăn hiện nay… “Phải đến ít nhất 30% người Việt ở Moscow đã về nước hoặc dời đi các nơi khác trong năm 2009”. Tôi tin điều anh Tùng nói khi đến Đôm 5. Tại đây, tiếp tôi ở nhà hàng Việt Nam được đầu tư hàng triệu đô la, đẹp nhất trong số các nhà hàng Việt Nam ở Moscow, song rất vắng khách, anh Quốc Trung và vợ là chị Hồng Minh, chủ nhà hàng, cho biết năm ngoái Đôm 5 vẫn còn được gọi là Nhà Việt Nam, vì tuyệt đại đa số người sống trong tòa nhà 7 tầng này là người Việt. Còn năm nay, chỉ còn 4-5 hộ người Việt mà thôi, vì mọi người đã về nước, hoặc chuyển đi nơi khác tìm mối làm ăn mới hoặc tìm chỗ ở rẻ hơn.

Quả thật, tôi đi khắp 7 tầng nhà thênh thang mà không gặp thêm bóng dáng người Việt nào, ngoài mấy người làm cho công ty của anh Trung. Còn căn hộ 709 anh Trung và chị Minh thuê ở tầng 7 thì an toàn đến mức không cần đóng cửa, trong khi hồi tôi còn ở đây các phòng đều phải cửa đóng then cài rất cẩn thận mà vẫn sợ trộm cướp…

Năm 2009, cộng đồng người Việt ở Nga gặp nhiều biến cố và tổn thất vì những nguyên nhân khác nhau mà nổi bật là việc chợ Vòm (người Nga gọi là chợ Cherkizov) bị đóng cửa vĩnh viễn theo lệnh của thị trưởng Moscow. Biến cố này như một bước ngoặt lớn trong lịch sử làm ăn của người Việt ở Nga. Ngoài ra, kinh tế Nga lâm vào khó khăn cũng khiến buôn bán trở nên vất vả hơn. Đặc biệt, từ năm 2009, chính sách siết chặt quản lý hộ khẩu và quản lý người nước ngoài của chính quyền sở tại là một đòn nặng nề giáng vào cộng đồng người Việt tại Moscow nói riêng và Liên bang Nga nói chung.

Tình trạng hộ khẩu và quyền lao động khó khăn đã khiến hàng chục ngàn người Việt trở thành cư dân bất hợp pháp, lao động chui, bị các ông chủ bóc lột nặng nề (Chính Đại sứ Bùi Đình Dĩnh đã thừa nhận điều này). Tất cả đã khiến cộng đồng người Việt ở Moscow bị “sốc”, phải dạt đi các tỉnh khác, thậm chí sang nước khác để tìm cách tồn tại.

Tuy nhiên, thực tế khó khăn cũng làm bộc lộ sức sống mạnh mẽ của cộng đồng Việt đầy năng động. Hiện nay, nhiều trung tâm thương mại hiện đại, kinh doanh phù hợp luật pháp của nước sở tại đã và đang phát triển khá mạnh mẽ. Hiệp hội Doanh nghiệp và các doanh nghiệp Việt Nam ở Nga đã phối hợp hỗ trợ tìm kiếm, tổ chức các hình thức sản xuất, kinh doanh phù hợp luật pháp của Nga để tạo thêm việc làm, giúp bà con làm các thủ tục đăng ký cư trú hợp pháp.

Ban hỗ trợ cộng đồng bao gồm cán bộ Đại sứ quán, đại diện Hội Doanh nghiệp, Hội Người Việt và một số nhà doanh nghiệp đã được thành lập vào tháng 7-2009 nhằm hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã mua đất, thuê cơ sở hạ tầng kinh doanh dài hạn tới 50 năm và có hàng ngàn lao động như Công ty Milton TNP của ông Trần Đăng Chung, Công ty LION của ông Trịnh Viết Ngọ…

Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp và cộng đồng người Việt ở Nga với nhau và với cộng đồng người Việt ở các nước khác cũng đã được tăng cường rõ rệt. Nhiều người Việt đã mua được nhà và trang trại, thậm chí nhập quốc tịch Nga, lập gia đình với người Nga nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Cũng có những doanh nhân thành đạt được bầu làm thành viên Hội đồng Dân tộc hay làm việc trong các cơ quan thuộc chính quyền.

Chợ ASEAN, một trung tâm thương mại mới của doanh nghiệp Việt Nam ở Nga, thời điểm này khá sôi động. Hàng hóa đang chuyển về ngày càng nhiều, khách mua bán ngày càng tấp nập. Đây đó trong các gian hàng đủ loại đã thấp thoáng những cành đào phai, đào nụ Nhật Tân và những chậu mai vàng. Các cô gái Việt nhỏ nhắn, sinh viên Học viện Tiếng Nga Puskin – Moscow, đang say sưa tập luyện điệu múa nón dịu dàng trên nền nhạc bài “Giấc mơ trưa” để trình diễn trong dịp chúc tết cổ truyền ở Sứ quán Việt Nam… Một mùa xuân mới lại sắp về trong lòng cộng đồng người Việt ở Nga!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới