Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đông Á: tuyên bố chung bảo vệ môi trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đông Á: tuyên bố chung bảo vệ môi trường

Lãnh đạo Đông Á kêu gọi thế giới khẩn trương hành động để ngăn chặn sự thay đổi khí hậu trái đất.

(SGTO) – Hội nghị cấp cao Đông Á hôm nay (21-11) đã đưa ra tuyên bố chung khá mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, chống lại sự tàn phá gây ra do tình trạng thay đổi khí hậu và sự ấm lên của trái đất.

Hội nghị quy tụ lãnh đạo của 10 nước ASEAN cùng với 6 nước đối thoại; bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand còn có 3 nước gây ô nhiễm nhiều nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Australia. 

Các nhà lãnh đạo Đông Á kêu gọi cộng đồng quốc tế “khẩn trương hành động để xử lý tình trạng gia tăng nhanh chóng việc phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính”. Tuyên bố chung còn kêu gọi 16 nước Đông Á tham gia tích cực vào việc hình thành một kế hoạch môi trường mới thay thế cho nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012.

Nghị định thư Kyoto quy định đến năm 2012 các nước phát triển phải giảm 5% lượng khí thải carbon dioxide (CO2) xuống dưới mức phát thải năm 1990. Nhưng Mỹ và Australia từ chối phê chuẩn nghị định thư Kyoto vì nó miễn trừ trách nhiệm của Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước gây ô nhiễm nghiêm trọng.  

Australia, quốc gia có mức thải khí nhà kính cao nhất tính theo đầu người, nói rằng mục tiêu cắt giảm khí thải sẽ làm tổn thương nền công nghiệp Australia đồng thời tăng lợi thế cạnh tranh cho các nước đang phát triển. Nhưng tại hội nghị này, Ngoại trưởng Australia, ông Alexander Downer nhận định đã có những dấu hiệu cho thấy Ấn Độ và Trung Quốc đã ý thức rằng họ cần phải hành động để ổn định và cắt giảm việc phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính. “Họ đã bắt đầu quan niệm rằng không phải chỉ có các nước phát triển mới phải giải quyết vấn đề này. Tôi cho rằng, đã có sự đảo ngược trong lập trường của Trung Quốc và Ấn Độ về vấn đề thay đổi khí hậu,” ông Downer nói.   

Nền kinh tế tăng trưởng nhanh đã đưa Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành nước phát ra khí thải CO2 nhiều nhất thế giới. Hai phần ba số nhà máy điện của Trung Quốc chạy bằng than đá, loại nhiên liệu thải ra khí quyển nhiều chất khí CO2 hơn bất kỳ nhiên liệu nào. Trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc có kế hoạch hoàn thành mỗi tuần một nhà máy điện chạy than.

Ở Ấn Độ, việc sử dụng xe hơi cá nhân đang tăng lên rất nhanh. Năm ngoái Ấn Độ cho phép lưu hành thêm 300.000 xe hơi, còn hiện nay các nhà sản xuất xe hơi nước này đang cạnh tranh nhau đưa ra thị trường các mẫu xe giá rẻ, phù hợp với tầng lớp trung lưu đông đảo của quốc gia này.  

Chính vì vậy, Rafael Senga thuộc tổ chức bảo tồn toàn cầu WWF cho rằng, tuyên bố chung của hội nghị cấp cao Đông Á chưa đủ mạnh mẽ. “Các thành viên chính trong khu vực như Trung Quốc và Ấn Độ cần phải thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng sự đồng thuận toàn cầu tiến tới những mục tiêu cụ thể, những hành động kiên quyết,” Senga nói.

Ông cho rằng, hội nghị cấp cao Đông Á đang diễn ra tại Singapore là phép thử cho hội nghị khí hậu toàn cầu sẽ được tổ chức vào tháng sau tại Bali, Indonesia nhằm tạo ra “người kế nghiệp” của nghị định thư Kyoto. “Cần bớt đi những lời hoa mỹ, và cần thúc đẩy sự hợp tác khu vực thực sự về vấn đề năng lượng bền vững,” ông Senga nói và thêm rằng, Đông Á có tiềm năng to lớn trong việc phát triển một nền năng lượng sạch, thân thiện với môi trường hơn.  

HUỲNH HOA (theo AP)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới