Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đồng bạc xanh giảm giá, tạo động lực phục hồi cho Phố Wall

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đồng bạc xanh giảm giá, tạo động lực phục hồi cho Phố Wall

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Đồng đô la Mỹ quay đầu giảm mạnh trong mùa hè này sau một chu kỳ tăng giá dài, làm bối rối nhiều nhà đầu tư nhưng có thể tiếp thêm ‘nhiên liệu’ cho cú phục hồi ngoạn mục của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay.

Đô la yếu có lợi cho các công ty đa quốc gia ở Mỹ

Đồng bạc xanh giảm giá, tạo động lực phục hồi cho Phố Wall
Sự suy yếu của đồng đô la có thể tiếp thêm động lực cho đà phục hồi. của thị trường chứng khoán Mỹ.

Trong tháng 7, chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động giá của đô la so với sáu ngoại tệ mạnh khác, trải qua tháng giảm điểm  tồi tệ nhất trong gần một thập kỷ và gần đây chạm mức thấp nhất trong hai năm qua. Chỉ số DXY bắt đầu giảm điểm từ cuối tháng 3 và gần đây càng lao dốc mạnh hơn trước các lo ngại cho rằng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh trở lại sẽ kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi tăng trưởng đang bật dậy nhanh từ Trung Quốc cho đến Đức.

Những nhà đầu tư tên tuổi của Mỹ như tỉ phú Ray Dalio và tỉ phú Jeffrey Gundlach cảnh báo rằng việc chính phủ Mỹ dồn dập bơm các gói kích thích vào hệ thống tài chính có thể đẩy tăng lạm phát, làm xói sức chi tiêu của người tiêu dùng. Mức thâm hụt ngân sách tăng vọt của Mỹ cũng có thể khiến giới đầu tư không mặn mà nắm giữ đồng đô la.

Hôm 31-7, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings điều chỉnh triền vọng tín dụng của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực dù vẫn duy trì ở mức xếp hạng AAA.

Đà giảm giá của đồng bạc xanh đang cung cấp thêm sự hỗ trợ cho cú phục hồi mạnh mẽ ở thị trường hàng hóa và thị trường chứng khoán Mỹ. Gần đây, chỉ số S&P 500 (500 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Mỹ) đã leo lên mức cao nhất trong năm tháng qua, trong khi đó, giá cả của nhiều hàng hóa thô đã lấy lại phần lớn mất mát trong năm 2020.

Đô la yếu có lợi cho các công ty đa quốc gia của Mỹ nằm trong chỉ số  S&P 500 vì sản phẩm của họ sẽ có giá bán cạnh tranh hơn ở thị trường nước ngoài đồng thời họ cũng có thể dễ dàng chuyển lợi nhuận ở nước ngoài sang đồng đô la hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý sự suy yếu của đô la không nhất thiết có lợi cho thị trường cổ phiếu nếu điều đó phản ánh các vấn đề lớn của nền kinh tế trong nước của Mỹ.

Christopher Stanton, Giám đốc đầu tư của Công ty Sunrise Capital Partners, dự báo xu hướng giảm của đô la sẽ duy trì, giúp đồng euro và vàng tiếp tục tăng giá. Giá vàng đã phá mức kỷ lục được thiết lập vào năm 2011 và đang tiến sát ngưỡng 2.000 đô la/ounce.

Cú giảm giá của đô la đảo ngược đà tăng giá kéo dài một năm khi giới đầu tư đặt cược rằng tăng trưởng kinh tế ở Mỹ sẽ mạnh hơn các nuóc khác, cho phép Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất của đồng bạc xanh ở mức cao nhất trong thế giới phát triển.

Giờ đây, đại dịch Covid-19 buộc Fed phải hạ lãi suất về sát mức zero, rút ngắn chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác đồng thời khiến nhiều nhà đầu tư giảm tỉ trọng nắm giữ đồng đô la trong danh mục đầu tư của họ.

Thị trường chứng khoán nước ngoài cũng được hưởng lợi?

Ít nhà phân tích ở Phố Wall tin rằng đồng đô la đang mất đi vị thế đồng tiền dự trữ của thế giới. Dù giảm giá nhưng bạc xanh vẫn còn đương đối mạnh. Dự trữ đô la có xu hướng tăng lên khi đồng tiền này suy yếu vì điều đó giúp các ngân hàng trung ương dễ dàng tăng tích trữ đô la cho kho dự trữ ngoại hối của họ.

Trong tuần này, giới đầu tư sẽ đánh giá xem liệu đà phục hồi kinh tế của Mỹ đã suy yếu vào tháng trước hay không bằng cách phân tích dữ liệu việc làm và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất trong tháng 7.
Đợt báo cáo tài chính quý 2 tiếp theo ở Mỹ của các công ty như Booking Holdings và Hyatt Hotels Corp. sẽ cung cấp một cái nhìn về triển vọng của ngành du lịch vốn đang bầm dập trong những tháng qua.

Những công ty đa quốc gia của Mỹ nằm trong chỉ số S&P 500, đang kiếm nhiều tiền hơn ở thị trường nước ngoài, có thể được hưởng lợi nếu đà suy yếu của đô la Mỹ kéo dài. Các thị trường chứng khoán nước ngoài cũng được hưởng lợi nhờ bám theo diễn biến của Phố Wall, thậm chí đang trở nên hấp dẫn hơn nhờ kinh tế của họ phục hồi tốt hơn so với Mỹ.

Nancy Perez, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư ở Công ty Boston Private, nhận định: “Các thị trường chứng khoán nước ngoài có nhiều tiềm năng hơn so với Mỹ”. Gần đây, Boston Private đã tăng đầu tư vào cổ phiếu của các công ty ở các thị trường mới nổi.

Các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư khác cũng đang mua vào các đồng tiền nước ngoài từ đồng krona của Thụy Điển cho đến đồng real của Brazil.

Al-Hussainy, nhà phân tích tiền tệ và lãi suất ở Công ty Columbia Threadneedle Investments, cho rằng các tiền tệ ở thị trường mới nổi như đồng peso của Mexico và đồng rand của Nam Phi sẽ kéo dài đà phục hồi trong thời gian gần đây.

Hôm 30-7, đồng euro tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm qua so với đô la sau khi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhất trí gói chi tiêu trị giá giá hơn 2.000 tỉ đô la Mỹ để tái thiết nền kinh tế.

Gói chi tiêu này củng cố niềm tin của giới đầu tư về sự đoàn kết và triển vọng phục hồi của EU vì trước đây, khối kinh tế này chưa bao giờ chi tiêu nhiều như vậy. Nhiều nước châu Âu cũng thành công hơn Mỹ trong nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19.

Brad Setser, học giả cao cấp ở Hội đồng Đối ngoại ở Washington, nói: “Giờ đây, nhiều người không tin Mỹ sẽ kết thúc năm năm với sức khỏe kinh tế tốt hơn châu Âu”. Giới đầu tư cho rằng bức tranh kinh tế này có thể khiến đà suy giảm của đô la kéo dài hơn nữa.

Theo Wall Street Journal

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới