Đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm: trách nhiệm của ai?
![]() |
Trong khi nhà chức trách đẩy đưa trách nhiệm cho nhau, Công ty Hào Dương vẫn sản xuất bình thường. Ảnh: Văn Nam |
(TBKTSG Online) – Việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Công ty Hào Dương đã quá rõ ràng, thế nhưng trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của công ty này vẫn đang được các cơ quan chức năng ở TPHCM “đẩy đưa” cho nhau.
Việc công ty Hào Dương bị lực lượng cảnh sát môi trường TPHCM phát hiện đang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Đồng Điền tối ngày 10-10 đã nâng tổng số lần vi phạm bị phát hiện của công ty này lên con số 21.
Sau mỗi lần vi phạm, các cơ quan chức năng đều có chung nhận định là hành vi xả thải của Hào Dương đã vi phạm nghiêm trọng các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường, mang tính hệ thống và kéo dài, cần phải được xử lý nghiêm minh.
Sở Tài nguyên-Môi trường đẩy “bóng” cho Hepza
Trong báo cáo gởi UBND thành phố ngày 13-10 vừa qua, Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM Nguyễn Văn Phước đề xuất: để xử lý nghiêm, dứt điểm vi phạm của Công ty Hào Dương, sở có văn bản đề nghị Ban quản lý các KCN, KCX (Hepza) thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và con dấu của công ty này.
Ngay lập tức vào ngày 14-10, Phó trưởng ban của Hepza Ngô Anh Tuấn đã có văn bản khẳng định: Hepza đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường cho công ty Hào Dương vào năm 2003.
Tuy nhiên, ông Tuấn lại cho rằng Hepza không có thẩm quyền xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Bên cạnh đó, những cơ sở pháp lý để xử phạt vi phạm về môi trường như thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoạt động khi doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường chưa được quy định trong văn bản pháp quy.
Cụ thể Nghị định 81/2007/NĐ-CP của Chính phủ cũng chưa quy định cho Hepza thực hiện việc rút giấy phép doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.
Trao đổi với Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online chiều 14 -10, ông Tuấn cho biết, Hepza chỉ được Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Chính phủ giao cho quyền cấp phép đầu tư và thu hồi giấy phép đầu tư khi doanh nghiệp vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Nhưng giao thế thôi chứ hoàn toàn không có hướng dẫn và mẫu quy định rút giấy phép như thế nào.
Trong trường hợp của Công ty Hào Dương, ban đầu Sở Kế hoạch-Đầu tư cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Nhưng để dễ quản lý hoạt động của doanh nghiệp, dù sở đã cấp rồi nhưng Hepza cũng gọi công ty này lên đăng ký để Hepza cấp giấy chứng nhận đầu tư.
“Ngay cả thời điểm đó cũng chưa có khái niệm giấy chứng nhận đầu tư. Đến khi Luật Đầu tư mới năm 2005 mới có khái niệm giấy chứng nhận đầu tư. Thế cho nên vào thời điểm 2003, Hepza cấp lại giấy chứng nhận đầu tư cho Hào Dương là để dễ quản lý, chứ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gốc là Sở Kế hoạch-Đầu tư đã cấp rồi”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn khẳng định giấy chứng nhận đầu tư có giá trị pháp lý để Hào Dương hoạt động là giấy của Sở Kế hoạch-Đầu tư cấp.
Hepza chuyền “bóng” về Ủy ban
Trong báo cáo ngày 14-10 vừa qua, Hepza đề nghị UBND TPHCM ra quyết định đình chỉ ngay hoạt động và tước quyền sử dụng giấy phép môi trường của công ty này.
Về lâu dài, Hepza đề nghị UBND thành phố, Chính phủ cho phép Hepza thí điểm việc thu hồi giấy phép chứng nhận đầu tư trường hợp doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố vi phạm nghiêm trọng và kéo dài về gây ô nhiễm môi trường.
“Trách nhiệm đình chỉ là của Sở Tài nguyên-Môi trường, sở đá trái banh trách nhiệm này qua Hepza là không đúng”, ông Tuấn nói.
Như vậy, trái banh về trách nhiệm đình chỉ hoạt động Công ty Hào Dương được Sở Tài nguyên-Môi trường “đá” cho Hepza, giờ thì trách nhiệm này đang được Hepza “chuyền” sang cho UBND thành phố.
![]() |
Miệng cống xả thải nước bẩn ra sông Đồng Điền đã được Công ty Hào Dương lấp lại nhằm xóa dấu vết hiện trường. Ảnh: Văn Nam |
Theo quy định, khi UBND Thành phố ra quyết định đình chỉ doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường sẽ dựa vào tham mưu của Sở Tài nguyên-Môi trường. Vậy nên không biết đến bao giờ, trái banh trách nhiệm mới đến đúng nơi có thẩm quyền và trách nhiệm?
Hào Dương vẫn sản xuất bình thường!
Trong lúc các cơ quan chức năng có thẩm quyền đang tìm xem ai là người có quyền hạn và trách nhiệm đình chỉ Hào Dương, thì doanh nghiệp này vẫn đang trong tình trạng hoạt động sản xuất bình thường.
Tối 14-10, ông Tăng Văn Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Hào Dương cho biết, kể từ hôm nay (15-10), ông sẽ cho 1.000 công nhân tạm nghỉ được hưởng lương để sửa chữa lại hệ thống xử lý nước thải tập trung bị “trục trặc” mấy hôm nay.
“Dự kiến việc sửa chữa sẽ được hoàn tất trong vòng 10 ngày, sau đó, nhà máy sẽ hoạt động lại bình thường”, ông Đức cho hay.
VĂN NAM