Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đồng đô la bất hạnh!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đồng đô la bất hạnh!

Thái Bình

Đồng đô la Mỹ đang tụt hậu so với các đồng tiền mạnh khác. Ảnh Reuters

(TBKTSG Online) – Đồng đô la Mỹ đang lao dốc ngày càng nhanh do lãi suất thấp, mối lo lạm phát và thâm hụt ngân sách khổng lồ xói mòn giá trị của nó. Do không có dấu hiệu hỗ trợ nào ở các lĩnh vực này nên áp lực giảm giá đè lên đồng đô la Mỹ dự kiến sẽ kéo dài trong thời gian tới.

Giảm giá liên tục

Trong tuần qua, đô la Mỹ giảm giá khoảng 1% so với các ngoại tệ khác, tuần trước mức giảm cũng như vậy. Đóng cửa phiên giao dịch thứ Ba 26-4 vào lúc sáng nay 27-4 giờ Việt Nam, chỉ số Dollar Index [so sánh giá trị đồng đô la Mỹ với một rổ các đồng tiền mạnh] chỉ còn 73,493 điểm, giảm 10% trong năm nay và về mức thấp nhất kể từ tháng 8-2008 – thời điểm trước khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ. Trước khi chạm đáy vào tháng 3-2008, đồng đô la Mỹ đã mất giá khoảng 40% so với rổ ngoại tệ mạnh sau 6 năm giảm giá liên tục, cũng vì những yếu tố giống như ngày hôm nay.

Mối lo ngại về triển vọng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Mỹ khiến cho các nhà đầu tư không muốn nắm giữ đồng tiền này.

Nhưng động lực chính đẩy giá đồng đô la Mỹ xuống dốc là lãi suất ở Mỹ quá thấp so với lãi suất cao và đang tăng ở các nước khác. Lãi suất thấp có nghĩa là lợi nhuận thu được từ đồng tiền cũng thấp. Và tình trạng đó có thể tiếp tục kéo dài vì theo kỳ vọng của giới phân tích, thứ Năm tuần này, ủy ban hoạch định lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tỏ dấu hiệu cho thấy lãi suất ngắn hạn của Mỹ sẽ được duy trì ở mức gần 0% trong vài tháng tới. Chủ tịch FED Ben Bernanke cũng sẽ có cuộc họp báo đầu tiên trong lịch sử cơ quan này ngay sau khi quyết định của ủy ban hoạch định chính sách của FED được công bố.

Nhưng chính nỗi lo về thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ đã thúc đẩy người ta bán tháo đồng tiền. Tuần trước các nhà đầu tư từng kinh hoàng khi tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s cảnh báo có thể hạ bậc tín dụng của Mỹ khi Tổng thống Barack Obama và đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội không đạt được sự đồng thuận về mức cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Một yếu tố quan trọng khác là các quan chức chính phủ Trung Quốc ngày càng lớn tiếng ám chỉ rằng họ sẽ đa dạng hóa quỹ dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỉ đô la của nước này, giảm bớt lượng đô la Mỹ đang nắm giữ. Hành vi đó sẽ làm tắc một nguồn mua đô la quan trọng trong những năm qua.

Trong vài tuần gần đây, Trung Quốc đã để cho đồng nhân dân tệ tăng giá đều đặn. Từ khi Trung Quốc gỡ bỏ việc cố định tỷ giá đồng nhân dân tệ vào đô la Mỹ tháng 6-2010 đến nay, nhân dân tệ đã tăng giá 4% so với đô la. Điều đó đặt đồng đô la Mỹ trước thách thức mới: Bắc Kinh càng để cho đồng tiền tăng giá, họ càng ít có nhu cầu mua đô la Mỹ để kiềm giá đồng nội tệ.

Mỹ đã cố dùng mọi cách buộc Trung Quốc phải để cho đồng nhân dân tệ tăng giá so với đô la Mỹ và các đồng tiền khác nhằm giúp cho Mỹ giảm bớt thâm hụt thương mại; tuy nhiên đồng đô la mất giá lại là con dao hai lưỡi cho kinh tế Mỹ.

Hai mặt của đồng tiền yếu

Điểm lợi là đồng đô la yếu giúp hàng hóa của Mỹ có giá cạnh tranh hơn, thúc đẩy xuất khẩu, qua đó kích thích các công ty công nghiệp và công nghệ – điều hết sức cần thiết trong thời kỳ kinh tế đang phục hồi chậm chạp. Từ khi thoát khỏi khủng hoảng vào quí 3-2009 đến nay, xuất khẩu đóng góp khoảng 1,4 điểm phần trăm vào tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 3% của kinh tế Mỹ và thương mại trở thành lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào GDP trong suốt 18 tháng qua.

Nhưng mặt trái là đồng đô la Mỹ suy yếu sẽ làm cho người tiêu dùng khốn khổ vì giá cả leo thang, nhất là giá xăng dầu nhập khẩu. Và khi người tiêu dùng khốn khổ thì các chính trị gia cũng khó mà yên tâm. Người Mỹ đã bắt đầu lo lắng rằng đồng tiền yếu sẽ kích thích lạm phát và xói mòn vị thế của Mỹ trên sân khấu toàn cầu và điều đó làm họ giảm niềm tin vào chính phủ Mỹ. Một cuộc khảo sát của hãng Gallup hồi giữa tháng 4 này cho thấy có đến 42% người Mỹ ít hoặc không tin rằng FED đang làm điều đúng cho kinh tế Mỹ, 43% không tin vào bộ trưởng Tài chính Geithner.

Ở mức độ nào đó, các quan chức Mỹ nhìn nhận rằng sự xuống dốc của đồng đô la là hậu quả không thể tránh khỏi của sự chênh lệch tốc độ tăng trưởng giữa Mỹ và thế giới đang phát triển đang tăng trưởng nhanh. Nhưng Chủ tịch FED Bernanke và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ muốn thay đổi hiện trạng. Các chuyên gia tài chính cho rằng, theo kinh nghiệm lịch sử, chính quyền Mỹ sẽ không can thiệp để ngăn chặn đà lao dốc của đồng đô la chừng nào chưa có bằng chứng rằng đồng tiền yếu gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ còn ngần ngại chưa ra tay là vì đồng đô la giảm giá một cách trật tự. So với rổ tiền tệ, đô la Mỹ đã giảm giá 9,1% trong vòng một năm qua. Vào các năm 2003-2004, khi ông Alan Greenspan làm chủ tịch FED, đồng tiền này từng mất giá 10% mỗi năm.

Tuy nhiên, sự bình thản của Mỹ lại khiến châu Âu và Nhật Bản – những đối thủ quan trọng nhất của đồng đô la Mỹ – hết sức lo ngại. Có khả năng trong vài tháng tới, Hy Lạp – vừa được khối cứu nguy năm ngoái – sẽ phải cơ cấu lại nghĩa vụ trả nợ, có nghĩa là một phần trái phiếu chính phủ nước này sẽ biến thành giấy loại, nhiều ngân hàng khắp châu Âu sẽ bị mất vốn nặng nề. Và đó là điều rất xấu cho đồng euro châu Âu.

Nhật Bản đang cố gắng hồi phục sau thảm họa động đất và sự cố hạt nhân. Thiệt hại của nền kinh tế Nhật sẽ hiển hiện rõ hơn trong những tháng sắp tới.

Kẻ được lợi trong đà lao dốc của đồng đô la Mỹ chính là vàng. Giá vàng đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.500 đô la Mỹ/ounce hồi đầu tuần này và chưa có dấu hiệu dừng lại khi đô la vẫn xuống dốc không phanh.

(theo WSJ)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới