Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đồng đô la mạnh có thể gây tổn thương triển vọng kinh tế của Mỹ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nhà kinh tế nhận định đồng đô la mạnh có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế Mỹ và rốt cục có thể thay đổi mức tăng lãi suất cao nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Các nhà kinh tế nhận định các tác động ở các thị trường nước ngoài do đồng đô la mạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế của Mỹ. Ảnh: Reuters

Gần một nửa số 40 nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg cho rằng những tác động bất lợi mà đồng đô la Mỹ mạnh đang gây ra ở các thị trường nước ngoài có khả năng sẽ lan tỏa trở lại ngược Mỹ trong 18 tháng tới và ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Fed. Chỉ 28% trong số các nhà kinh tế được khảo sát nhận định sức mạnh đồng bạc xanh dường như không có bất kỳ tác động nào đến triển vọng kinh tế Mỹ.

Đồng đô la đã tăng khoảng 13% trong năm nay so với các đồng tiền chính khác trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị dâng cao sau khi Nga phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine hồi tháng 2 và sau khi Fed quyết liệt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm. Cuộc khảo sát của Bloomberg với 40 nhà kinh tế được thực hiện từ ngày 21 đến 26-10.

Các nhà kinh tế được hỏi liệu các tác động ở nước ngoài do đồng đô la Mỹ mạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế của Mỹ trong 18 tháng tới hay không và nếu có, điều đó có làm thay đổi quỹ đạo tăng lãi suất của Fed hay không.

Trong cuộc khảo sát này có 44% nhà kinh tế  tin rằng Fed hoàn toàn có thể hoàn thành chu kỳ thắt chặt lãi suất mạnh mẽ bất chấp những căng thẳng có thể xảy ra. Tuy nhiên, 38% cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ buộc phải cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến và 18% cho rằng Fed sẽ không thể tăng lãi suất nhiều như kế hoạch.

Các quan chức Fed dự kiến tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa trong cuộc họp chính sách vào ngày 2-11 tới. Dự báo cuối cùng của họ cho thấy lãi suất có thể tăng lên mức 4,4% vào cuối năm nay từ biên đội 3-3,25% hiện tại,  và có khả năng lên mức 4,6% vào năm 2023.

Chủ tịch Fed, Jerome Powell và các quan chức khác của Fed đang tìm cách hạ nhiệt nền kinh tế và giảm bớt áp lực giá cả bằng cách thắt chặt các điều kiện tài chính của Mỹ, trong đó, giá trị của đồng đô la là một thành phần quan trọng. Đồng đô la mạnh hơn có xu hướng làm giảm lạm phát bằng cách làm giảm chi phí nhập khẩu và giảm sản xuất trong nước vì nó làm tăng giá cả xuất khẩu từ Mỹ.

Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại hãng kiểm toán quốc tế KPMG, nói: “Fed và các đối tác của họ trên khắp thế giới đang ở trong tình thế lúng túng khi phải kìm hãm nhu cầu để thích ứng với một nền kinh tế toàn cầu bị hạn chế về nguồn cung. Họ hiểu rằng có những tác động từ hành động tăng suất của họ nhưng không có cách nào để giải quyết những rủi ro đó một cách công khai vì họ phải hoàn thành nhiệm vụ trong nước”.

Anna Wong, nhà kinh tế trưởng Mỹ của Bloomberg Economics, nhận định thâm hụt thương mại của Mỹ thường sẽ tăng mạnh khi đồng đô la tăng giá như từng đã diễn ra vào năm ngoái. Nhưng cho đến nay, tác động đó vẫn chưa diễn ra, ngay cả khi tiến tình tăng giá của đô la đã diễn ra gần đây. Anna Wong lý giải rằng điều này có thể là nhờ Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm năng lượng. Bà cho rằng sự tăng giá của đồng đô la đang gây ít tác động bất lợi hơn cho nền kinh tế Mỹ so với lịch sử trước đây.

Julia Coronado, người sáng lập Công ty MacroPolicy Perspectives LLC, nói: “Fed có thể tăng lãi suất theo kế hoạch nhưng sẽ buộc phải giảm tốc độ tăng để tránh bất ổn tài chính”. Các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát kỳ vọng lãi suất sẽ của Mỹ đạt đỉnh ở mức 5% vào đầu năm tới và phần lớn họ dự báo sẽ xuất hiện một cơn suy thoái kinh tế ở Mỹ  và toàn cầu.

Một số nhà kinh tế nổi tiếng, bao gồm cả Nouriel Roubini, đã cảnh báo rằng những bất ổn trên thị trường tài chính có thể khiến Fed cũng như các ngân hàng trung ương khác quay đầu chính sách chống lạm phát.

Fed đôi khi được coi là ngân hàng trung ương của thế giới, phản ánh tầm quan trọng của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. 3/4 nhà kinh tế trong cuộc khảo sát nói rằng đó là một mô tả phù hợp và 33% nhà kinh tế khác cho rằng Fed không nhận thức đầy đủ vai trò của nó. Ngược lại, 22% nói rằng Fed chỉ có trách nhiệm đối với nền kinh tế Mỹ và nhiệm vụ trong nước của Fed là tạo việc làm tối đa và ổn định giá cả.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới