Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đóng góp tài chính tái chế bao bì, sản phẩm: lo ngại ‘tiền nộp, nhưng môi trường vẫn bẩn’

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Liên quan đến “đóng góp” tài chính tái chế sản phẩm, bao bì trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, 11 hiệp hội doanh nghiệp đã lên tiếng lo ngại tiền doanh nghiệp vẫn nộp, nhưng môi trường vẫn bẩn.

Sản xuất nhựa PP từ rác thải tại một cơ sở tái chế. Ảnh minh hoạ: Ban Mai

11 hiệp hội doanh nghiệp vừa ký tên vào thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và các bộ, ngành liên quan về góp ý, kiến nghị một số nội dung tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Theo đó, liên quan đến đóng góp tài chính để tái chế bao bì, sản phẩm và xử lý chất thải, 11 hiệp hội doanh nghiệp cho rằng các quy định trong dự thảo sử dụng khoản đóng góp này không đúng mục đích và trái luật.

Các hiệp hội doanh nghiệp đã chỉ ra những bất cập, bao gồm chưa có khung pháp lý quản lý khoản đóng góp như nêu trên, mà cụ thể, dự thảo quy định “Hội đồng EPR quốc gia (Hội đồng quốc gia thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu Việt Nam) thông qua và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp” là không phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

11 hiệp hội doanh nghiệp nêu nghi vấn, cách gọi “đóng góp” không gọi là “phí” phải chăng là để né Luật Quản lý phí và lệ phí. Dự thảo cũng không có quy định về việc nếu không hoàn thành trách nhiệm tái chế thì quỹ có chịu trách nhiệm trước pháp luật không. “Vì vậy, với quy định này, các hiệp hội lo rằng tiền doanh nghiệp vẫn nộp, mà môi trường vẫn bẩn”, thư kiến nghị của 11 hiệp hội doanh nghiệp viết.

Một bất cập khác được các hiệp hội doanh nghiệp nêu ra, đó là tiền doanh nghiệp đóng góp để tái chế sản phẩm, bao bì được dùng vào các mục đích khác như trả kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR nghiên cứu giải pháp tái chế… là sai mục đích và trái Luật Bảo vệ môi trường.

Ngoài vấn đề nêu trên, 11 hiệp hội doanh nghiệp cũng đề xuất góp ý năm nội dung khác, bao gồm: cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường và chuyển sang hậu kiểm thay vì tiền kiểm; cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư- kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.

Mặt khác, cần bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR và Hội đồng EPR do không có đề cập hay quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, không có cơ sở pháp lý, làm tăng biên chế bất hợp lý; điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỷ lệ đóng góp để xử lý chất thải cho phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam, cuối cùng là lùi lộ trình thực hiện đóng góp tài chính đến tháng 1-2025.

Một số vấn đề chung được 11 hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, đó là nghị định hướng dẫn chi tiết không được đưa ra những điều nằm ngoài quy định của Luật Bảo vệ môi trường, không tạo mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác.

Bộ Tư pháp cần thẩm định lại toàn bộ các nội dung còn chưa đúng, chưa phù hợp với các quy định pháp luật và thực tế nêu trong báo cáo thẩm định ngày 6-10-2021 đã được dự thảo điều chỉnh hay chưa hoặc có thêm điểm mới nào chưa phù hợp.

Dự thảo cần tuân thủ đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Công văn số 6739/VPCP-NN ngày 22-9-2021 về “đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về môi trường nhưng hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất-kinh doanh” cũng như các nghị quyết của Chính phủ để không làm tăng thêm quy định hành chính và thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp.

11 Hiệp hội doanh nghiệp đã gửi thư kiến nghị góp ý, bao gồm Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA), Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM). 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới