Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Động lực kinh tế thế giới đang suy yếu và góc tiếp cận cho Việt Nam

Tony Phan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu đều đang suy yếu trong năm 2023 đặt doanh nghiệp Việt Nam vào thế khó khăn trong thời gian tới.

Với hàng hóa thiết yếu thuộc nhóm không tự túc được các nước xuất khẩu vẫn hưởng lợi nhờ chính sách thúc đẩy. Ảnh: N.K

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vừa cảnh báo, kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn. Nguyên nhân là ba nền kinh tế lớn gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc – vốn là động lực chính của tăng trưởng, đều đang giảm tốc. IMF ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm 2023, giảm từ mức 3,2% trong năm 2022. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn, ở mức 2,2% trong năm 2023, so với mức 3,1% vào năm 2022.

Lạm phát toàn cầu dự kiến giảm vào năm 2023 nhưng vẫn duy trì ở mức cao. IMF cho rằng lạm phát toàn cầu sẽ đạt 6,5% năm 2023, giảm từ mức 8,8% năm 2022. Vấn đề lạm phát diễn ra nóng nhất tại Mỹ. Điều này ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của nước này, theo đó, những nền kinh tế có giao thương với Mỹ cũng chịu tác động.

Năm 2023, các nền kinh tế trên thế giới sẽ xoay quanh giải quyết hai vấn đề chính có quan hệ đối nghịch nhau nhưng cần sự cân bằng là lạm phát cao và tăng trưởng thấp.

Giữa dòng chính sách

Trước hết là các chính sách liên quan đến vấn đề kiềm chế lạm phát. Nếu các nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ, ưu tiên kiềm chế lạm phát, nhiều khả năng họ sẽ tăng lãi suất huy động vốn để hút nguồn tiền đang lưu thông ngoài thị trường, kéo theo đó là lãi suất cho vay cũng tăng theo. Lượng tiền cung ra thị trường giảm sẽ làm giảm giá cả hàng hóa nói chung.

Tuy nhiên, lãi suất tăng cao sẽ kéo theo chi phí sản xuất tăng, góp phần làm giảm tác dụng của việc tăng lãi suất (để kiềm chế lạm phát). Do vậy, nhiều khả năng các nền kinh tế lớn sẽ tăng lãi suất cho hoạt động tiêu dùng cuối cùng nhưng lãi suất cho kinh doanh vẫn được giữ ổn định. Điều này nhằm đảm bảo kích thích sản xuất hàng hóa rẻ hơn nhưng vẫn duy trì phục vụ thị trường.

Để giảm ảnh hưởng từ các thị trường xuất nhập khẩu, Việt Nam cần các chính sách thúc đẩy tiêu dùng nội địa bền vững hơn.

Với hình thức kiềm chế lạm phát bằng cách kích thích sản xuất hàng giá rẻ nhưng không kích thích tiêu dùng nhiều như trên, thương mại toàn cầu khó hưởng lợi trong ngắn hạn. Nhu cầu tiêu dùng không tăng trong khi hàng hóa được sản xuất trong nước trở nên rẻ hơn – như một hình thức trợ cấp gián tiếp.

Do vậy, kiềm chế lạm phát thông qua hình thức giảm lượng cung tiền trong ngắn hạn sẽ hạn chế thương mại toàn cầu. Trong khi đó, kiềm chế lạm phát thông qua tăng năng suất và hiệu quả sản xuất lại khó thực hiện trong ngắn hạn dù nó có lợi cho thương mại và tiêu dùng toàn cầu.

Ở khía cạnh khác, nếu ưu tiên của các nước là đảm bảo tăng trưởng kinh tế, các chính sách tiếp cận sẽ khác hơn so với ưu tiên kiềm chế lạm phát dù chủ yếu vẫn dùng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn. Các nền kinh tế sẽ phải hạ lãi suất để kích thích kinh tế nội địa. Nếu kích thích hướng tới người tiêu dùng cuối (không phân biệt hàng nội địa và hàng nhập khẩu), doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường này cũng được lợi khi người tiêu dùng có khả năng chi trả cao hơn.

Khả năng các nhà hoạch định chính sách hướng về phương án hỗ trợ sản xuất trong nước nhiều hơn, qua đó kích thích tiêu dùng hàng nội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung. Tuy nhiên, với hàng hóa thiết yếu thuộc nhóm không tự túc được như lương thực, thực phẩm, rau quả nhiệt đới… các nước xuất khẩu vẫn hưởng lợi nhờ chính sách thúc đẩy.

Điểm nhìn cho Việt Nam

Để giảm ảnh hưởng từ các thị trường xuất nhập khẩu, Việt Nam cần các chính sách thúc đẩy tiêu dùng nội địa bền vững hơn.

Người làm chính sách có thể cân nhắc việc giảm lãi suất cho vay tiêu dùng và thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hàng tiêu dùng cuối. Các chính sách này có thể kích thích tiêu dùng nội địa và chuyển một phần gánh nặng của sự suy giảm trong thị trường xuất khẩu sang hàng nội địa.

Đặc biệt, trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam, phần lớn là các sản phẩm tiêu dùng cuối cùng như hàng nông sản, hàng may mặc, giày dép và hàng điện tử thành phẩm và ít tập trung cho các hàng trung gian như máy móc công nghiệp hay linh kiện nên khách hàng trong nước có thể bù đắp trong ngắn hạn cho sức mua yếu tại thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, chính sách kích cầu cần được xem xét dựa trên tình hình kinh tế – xã hội, đặc biệt là mức lạm phát vì nếu tiền cung ra thị trường quá nhiều mà lượng hàng sản xuất không theo kịp hoặc có sự không cân xứng giữa các ngành có thể dẫn đến lạm phát.

Ở góc độ của mình, trước tiên, doanh nghiệp cần đánh giá về rủi ro bị thay thế của hàng hóa và có phương án tìm về thị trường nội địa phòng thủ nếu có thể. Với quy mô thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên 200 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, thị trường trong nước có thể đảm nhận một phần nhiệm vụ hấp thu sản lượng dư thừa cho hoạt động xuất khẩu nếu thị trường xuất khẩu sụt giảm trong ngắn hạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới