Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Động lực phát triển mới cho các nước tiểu vùng Mekong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Động lực phát triển mới cho các nước tiểu vùng Mekong

Thái Hà

(TBKTSG Online) – Nhật Bản và Trung Quốc đang ráo riết chạy đua trong việc mở rộng ảnh hưởng của họ lên các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong.

Động lực phát triển mới cho các nước tiểu vùng Mekong
Một ngư dân đánh cá trên dòng Mekong.

Tham vọng của Nhật Bản trong chiến lược ngoại giao mới nhằm kết nối khu vực Đông Nam Á với liên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific) qua giúp đỡ về thương mại, hạ tầng nhận được sự chào đón khác nhau từ các nước lưu vực sông Mekong, bởi Trung Quốc cũng là một nhà tài trợ lớn tại khu vực này. Khái niệm Indo – Pacific bắt nguồn từ chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, rất được các nước Mỹ, Úc, Ấn Độ ủng hộ.

Gần đây, Tokyo phát động chiến lược “Tự do và mở cửa Indo – Pacific” trong khi Bắc Kinh cũng có sáng kiến “Hợp tác Lancang – Mekong”. Phần sông Mekong chảy trên đất Trung Quốc gọi là Lancang (tiếng Việt gọi Lan Thương). Năm nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar có sự bối rối nhất định trong việc lựa chọn các hình thức giúp đỡ giữa hai siêu cường nói trên.

Tại “Diễn đàn hợp tác Mekong – Nhật Bản” diễn ra tại Phnom Penh hôm 24-3 qua, các chuyên gia kinh tế trong vùng kêu gọi cần có một cơ cấu xúc tiến hợp tác mới – có thể trong ASEAN hoặc bên ngoài – đại diện cho năm nước để đàm phán với Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như giám sát các sáng kiến hỗ trợ và phát triển từ hai nước này.

Tại diễn đàn, ông Kentaro Sonoura, cố vấn đặc biệt của ông Abe khẳng định chiến lược kết nối các nước lưu vực Mekong với liên khu vực Indo – Pacific không nhằm “cầm chân” Trung Quốc, mà chỉ là mở ra những con đường hợp tác mới: “Cách nghĩ chiến lược này nhắm tới việc kiềm chế các quốc gia khác là sai hoàn toàn, nó cũng không hề chia rẽ ASEAN. Thử nghĩ xem Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có kết nối được không nếu thiếu các nước Đông Nam Á?”.

Nhật Bản đẩy mạnh chiến lược Indo – Pacific của họ một tuần trước khi “Hội nghị cấp cao hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng” lần thứ sáu (GMS-6) diễn ra tại Hà Nội ngày 30 và 31-3. Hồi tháng 1-2018, tại Phnom Penh đã diễn ra “Hội nghị thượng đỉnh Lancang – Mekong” lần thứ hai do Trung Quốc chủ trì. GMS tổ chức 3 năm một lần, giữa năm nước Đông Nam Á nói trên cộng với Trung Quốc, được ngân hàng ADB tài trợ.

Tại “Diễn đàn hợp tác Mekong – Nhật Bản” (không có Trung Quốc), Nhật Bản chưa đưa ra con số tổng ngân sách cho các dự án trong chiến lược Indo – Pacific, nhưng họ khẳng định các dự án của họ bao phủ cả vùng Đông Á, Nam Á và các nước châu Phi nằm bên bờ Ấn Độ Dương, và ASEAN là “bản lề” trong kế hoạch phát triển này.

Các chuyên gia trong vùng Đông Nam Á bày tỏ sự lo ngại về sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở lưu vực sông Mekong. “Chiến lược của Nhật Bản đã đẩy sự lo lắng trong các nước lưu vực Mekong tăng lên vì có vẻ như nó thách thức sự vươn lên của Trung Quốc”, ông Pou Sothirak, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia và đang đứng đầu Viện hợp tác và hòa bình Campuchia, nhận xét.

“Nhưng đây không phải là câu hỏi ‘Nhật Bản hay Trung Quốc? Tiểu vùng này cần cả hai nước hỗ trợ, đặc biệt trong việc quản lý các nguồn tài nguyên sông Mekong thích hợp để phát triển bền vững. Một cơ cấu hợp tác mới của tiểu vùng sẽ tối ưu hóa được các nguồn lực hỗ trợ từ cả hai phía”, ông Sothirak nói thêm.

Ông Sothirak cho rằng lập một cơ quan quản lý nguồn nước sông Mekong với đầy đủ quyền lực sẽ là điểm khởi đầu tốt hơn là bộ quy tắc ứng xử sông Mekong. Tại “Hội nghị thượng đỉnh Lancang – Mekong” tháng 1-2018, “kế hoạch hành động” trong 5 năm được vạch ra, Trung Quốc phô diễn sức mạnh cơ bắp của họ khi cam kết dành các khoản vay lên tới 12 tỉ đô la cho năm nước đối tác hạ nguồn để thực hiện các dự án hạ tầng và công nghiệp.

Chiến lược “New Tokyo Strategy” của Nhật Bản nhằm hỗ trợ các nước tiểu vùng Mekong với ngân sách 7 tỉ đô la cho 3 năm cũng bước vào năm cuối là năm nay. Nhật Bản đang xem xét sẽ dành một khoản ngân sách lớn hơn cho giai đoạn tiếp theo nhằm theo đuổi sáng kiến Indo – Pacific của họ.

(Nikkei Asian Review)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới