Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đông Nam Á, cỗ máy tăng trưởng FDI của toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đông Nam Á, cỗ máy tăng trưởng FDI của toàn cầu

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Đông Nam Á đang đi ngược với xu hướng suy giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu khi khu vực này có mức tăng trưởng nhanh, chi phí thấp, trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều công ty đa quốc gia, theo tờ Nikkei Asian Review.

Khó có làn sóng FDI kiểu hiệu ứng dây chuyền

Chiến lược mới thu hút FDI

Đông Nam Á, cỗ máy tăng trưởng FDI của toàn cầu
Công nhân lắp ráp ô tô tại một nhà máy của hãng xe BMW (Đức) ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP

Vốn FDI vào Đông Nam Á đạt mức kỷ lục

Khu vực châu Á đang phát triển đón nhận 30% dòng vốn đầu tư FDI trên toàn cầu trong năm 2018, tương đương 502 tỉ đô la, tăng 5% so với năm trước đó, theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD). Trong khi đó, FDI toàn cầu suy giảm 19% trong năm 2018.

Dù Mỹ là điểm đến được yêu thích nhất của dòng vốn FDI nhưng 10 nền kinh tế tiếp nhận FDI lớn nhất trong năm 2018 lại thuộc châu Á Thái Bình Dương, bao gồm: Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Úc và Ấn Độ.

Song theo UNCTAD, Đông Nam Á mới là cỗ máy tăng trưởng FDI của toàn cầu. Năm ngoài, vốn FDI chảy vào khu vực Đông Nam Á tăng 11% lên mức kỷ lục 145 tỉ đô la. Con số này vượt mức FDI ở Trung Quốc trong năm ngoái.
Singapore thu hút khoảng phân nửa vốn FDI đổ vào Đông Nam Á.

Soon Ghee Chua, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của công ty tư vấn quản lý toàn cầu A.T Kearney, nhận định Singapore là một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ môi trường và pháp chế thân thiện với kinh doanh cũng như kinh tế vĩ mô vững chắc.

Cedric Chehab, Giám đốc giám sát rủi ro quốc gia và chiến lược toàn cầu của công ty Fitch Solutions, cho rằng Singapore cũng cung cấp cho các nhà đầu tư sự tiếp cận dễ dàng hơn với các khu vực kinh tế mới nổi xung quanh.
Gần đây, nhà phát minh kiêm doanh nhân James Dyson quyết định di dời trụ sở chính của hãng sản xuất đồ gia dụng Dyson từ Wiltshire (Anh) sang Singapore.

Jim Rowan, Giám đốc điều hành Dyson, cho biết quyết định này không phải xuất phát từ các lo ngại về  Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) mà là vì công ty muốn tìm một khu vực có thể cung cấp sự tăng trưởng vững chắc trong tương lai.

Hồi tháng 10 năm ngoái, hãng Dyson, vốn nổi tiếng với sản phẩm máy hút bụi, thông báo sẽ sản xuất xe điện ở Singapore vì đảo quốc sư tử này nằm gần các thị trường thuộc khu vực châu Á mới nổi, nơi có tốc độ tăng trưởng GDP có thể lên đến 6,1% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2023, theo dự báo của Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD).

“Đông Nam Á có một vị thế đặc biệt. Khu vực này có cơ cấu dân số thuận lợi, tăng trưởng nhanh, chi phí kinh doanh rẻ và quản trị tương đối tốt”, Pushan Dutt, giáo sư ở trường kinh doanh INSEAD ở Singapore, nói khi giải thích vì sao Đông Nam Á là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Thái Lan từ lâu là thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất trên toàn cầu. Nước này tiếp nhận 11 tỉ đô la FDI hồi năm ngoái, cao gấp 4 lần so với năm trước đó.

Việt Nam, điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI

Năm 2018 chứng kiến Việt Nam đón nhận dòng vốn FDI kỷ lục 19 tỉ đô la. Nhiều công ty đa quốc gia đang chọn Việt Nam làm điểm đến của dòng vốn đầu tư.

Năm ngoái, hãng LG Innotek (Hàn Quốc) đã rót thêm 500 triệu đô la để đầu tư vào nhà máy sản xuất mô-đun camera tại TP. Hải Phòng.

“Lực lượng lao động chất lượng cao tại TP. Hải Phòng và khu vực xung quanh biến nơi đây thành địa điểm hoàn hảo để mở rộng sự cạnh tranh sản xuất toàn cầu của LG. Chúng tôi đang mở rộng hoạt động ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung”, người phát ngôn của LG, nói.

Tháng trước, hãng sản xuất nội thất Ikea (Thụy Điển) cho biết sẽ đầu tư gần nửa tỉ đô la vào một dự án nhà kho và bán lẻ ở Hà Nội.

“Tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ mang lại sự đóng góp tích cực cho nhiều người dân bằng cách bán đồ nội thất nhà cửa được thiết kế đẹp và thực dụng ở các mức giá rẻ”, người phát ngôn của Ikea nói.

Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) đã khai trương khu mua sắm thứ hai ở Campuchia hồi tháng 6-2018 như là một phần trong các kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại khu vực Đông Nam Á. Trong năm nay, Aeon sẽ khai trương các trung tâm mua sắm mới ở Hà Nội và Bogor (Singapore).

“Nói chung, các nước Đông Nam Á có mức tăng trưởng kinh tế nhanh và sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng như vậy trong tương lai”, người phát ngôn ủa Aeon châu Á nói.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung khiến các công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Trung Quốc muốn tìm những nơi có chi phí nhân công thấp ở châu Á. Giáo sư Pushan Dutt nói: “Khi ưu thế chi phí của Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới suy giảm, phần lớn vốn FDI sẽ di chuyển sang các nước như Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Myanmar”.

Phó Giáo sư Suiwah Leung ở Đại học Quốc gia Úc nói: “Không nghi ngờ gì nữa, một số dòng vốn FDI thường chảy vào Trung Quốc rốt cục sẽ tìm đến Việt Nam”.

Song khi các nền kinh tế ở Đông Nam Á tăng trưởng, kéo theo lương công nhân tăng, các nước trong khu vực cần tiến hành thêm nhiều cải cách và chi tiêu công nếu chúng giúp giữ lại dòng vốn đầu tư FDI. “Nhiều nước trong khu vực có thể làm nhiều thứ để thu hút thêm FDI. Nâng cấp cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh ở Đông Nam Á và Philippines, Indonesia đang dẫn đầu nỗ lực này. Chính trị ổn định là một nhân tố khác để thu hút FDI. Myanmar chỉ nhận được dòng vốn FDI hạn chế do bầu không khí chính trị đang bất ổn ở nước này”, Alex Holmes, nhà kinh tế ở tổ chức tư vấn Capital Economics, nói.

“Giống như các nước trong khu vực, Việt Nam cần phải tiến hành thêm nhiều cải cách nếu nước này muốn duy trì sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài”, Phó giáo sư Leung ở Đại học Quốc gia Úc, nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới