Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dòng sông xanh và kinh tế xanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dòng sông xanh và kinh tế xanh

PGS.TS. Lê Anh Tuấn (*)

Dòng sông xanh và kinh tế xanh
Sông ngòi và lưu vực sông có vai trò địa vật lý quan trọng trong phát triển sản xuất và sinh hoạt của dân cư – Ảnh: Văn Nam.

(TBKTSG Online) – Thông điệp của Liên hiệp quốc về Ngày Nước thế giới năm nay (22-3): “Nếu chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng có cơ hội sử dụng nước”. Để làm được điều đó, xin lạm bàn về vấn đề căn bản nhất: quản lý các lưu vực sông trên thế giới gắn với nền kinh tế xanh…

Nơi tập trung các hoạt động kinh tế xã hội

Lưu vực sông là phần diện tích tập trung nước từ mưa, sông suối, hồ đầm và nước ngầm hướng về vùng cửa sông và cuối cùng đổ ra biển. Lưu vực sông là một hệ thống phức tạp  có tính tương tác cao với hệ sinh thái nơi dòng sông đi qua, cùng những đặc điểm phát triển kinh tế, xã hội và môi trường tiềm năng của khu vực. Dòng sông, ngoài chức năng cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, tưới tiêu, vận tải, còn cung cấp nguồn năng lượng, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, bồi tụ vật liệu cát xây dựng và phù sa cải tạo đất. Các vùng tập trung và phân phối nước của lưu vực đều là nơi tập trung dân cư và các hoạt động khác của con người. Hầu hết các thành phố lớn đều có những dòng sông lớn nhỏ chảy qua và tên con sông thường được nhắc đến như một điểm nhấn theo địa danh. Dòng sông cũng liên quan đến tín ngưỡng, văn hoá, tập quán và phong tục bản địa.   

Việt Nam có nhiều con sông lớn nhỏ chảy qua và người Việt có tập quán cư trú và canh tác dọc theo hai bên bờ sông. Nền kinh tế của Việt Nam hiện nay phụ thuộc lớn vào đặc điểm tài nguyên nước mà trong đó dòng chảy sông ngòi đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cả nước có 2.732 con sông có chiều dài trên 10 km với tổng lượng dòng chảy/năm xấp xỉ 830 tỉ mét khối nước; riêng sông Mekong cung cấp khoảng 61% tổng lượng nước này. Việt Nam có 8 lưu vực sông lớn: lưu vực sông Bằng Giang – Kỷ Cùng, lưu vực sông Hồng, lưu vực sông Mã – sông Cả, lưu vực cụm các sông vùng duyên hải miền Trung, lưu vực cụm các sông ven biển miền Nam Trung bộ, lưu vực sông Sesan – Seprok, lưu vực sông Đồng Nai, lưu vực sông Mekong.

Tuy nhiên, khoảng 65% tổng lượng dòng chảy sông ngòi của Việt Nam đến từ các nước láng giềng, riêng sông Mekong con số này là hơn 80%. Điều này tạo nên một thách thức lớn trong việc chủ động quản lý và khai thác tài nguyên nước cho các tiểu vùng. Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở quy mô toàn cầu làm vấn đề quản lý nước trên lưu vực ngày càng trở nên khó khăn hơn do nhiều yếu tố khó tiên đoán. Môi trường nước cũng là vấn đề sức khoẻ cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã ghi nhận số bệnh tật chủ yếu liên quan đến cung cấp nước và vệ sinh môi trường đã tăng từ 21 lên 37 loại trong vài thập niên vừa qua.

Nước và kinh tế xanh

Gần như không ngành sản xuất và sinh hoạt nào lại không có liên hệ ít nhiều với nước. Từ ly cà phê sáng, bữa cơm hàng ngày, vật dụng gia đình và công sở, phương tiện xe tàu, nguồn báo chí, truyền hình, internet… đều có dáng dấp một lượng nước sạch mà ta phải khai thác và một lượng nước thải nào đó. Nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao theo mức tăng dân số, phát triển kinh tế, mở rộng diện tích canh tác, thâm canh trong nông nghiệp, nhu cầu nâng cao mức sống hay hưởng thụ vật chất. Năm 1990, dân số thế giới khoảng 5 tỉ người, sử dụng khoảng 4.500 km3 nước; hiện nay dân số ở mức trên 7 tỉ người và đang tiêu thụ khoảng 6.800 km3/năm. Dự báo đến năm 2030, dân số thế giới xấp xỉ 8,5 tỉ người thì nhu cầu nước sử dụng có thể tăng 50%, ước chừng hơn 10.000 km3/năm.

Mức sống càng cao thì xu thế lượng nước tiêu thụ càng lớn và lượng nước thải cũng tăng. Và để thoả mãn nhu cầu lương thực ngày một cao theo đà tăng dân số thì nước tiêu thụ cho sản xuất nông nghiệp cũng ngày càng nhiều. Trung bình trên thế giới, lượng nước dùng trong nông nghiệp chiếm khoảng 70%. Riêng các nước châu Á đang phát triển, tỷ lệ sử dụng nước trong nông nghiệp ở mức 90 – 95%. Thêm yếu tố của hiện tượng nóng lên toàn cầu làm khí hậu biến đổi thì càng dễ dẫn đến nhiều nguy cơ bất ổn về tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn nước mặt từ các dòng sông.   

Do mối đe dọa giảm sút về số lượng và chất lượng nguồn nước, nhất là ở các lưu vực sông, khái niệm tăng trưởng xanh (green growth) ngày được khuyến kích như một giải pháp phát triển theo hướng bảo vệ môi trường. “Xanh” là màu sắc tượng trưng cho sự trong lành. Tăng trưởng xanh đã thực sự trở thành một khẩu hiệu chiến lược cổ vũ cho sự phát triển kinh tế xanh.

Một nền kinh tế xanh được định nghĩa là một hệ thống sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ ít sử dụng hoặc ít làm tổn hại tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước; hạn chế đến mức thấp nhất sự phát thải carbon và tiết kiệm trong tiêu thụ năng lượng. Cách tiếp cận “tăng trưởng xanh” là kết quả của hơn 20 năm các nhà môi trường kêu gọi “phát triển bền vững” bao gồm ba mảng: bền vững về kinh tế, bền vững về môi trường và bền vững về xã hội.

Muốn đạt được cách tiếp cận tăng trưởng xanh, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà quản lý thông qua chính sách và pháp chế trong bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, các nhà sản xuất thông qua các giải pháp kỹ thuật và công nghệ tiết kiệm năng lượng, ít gây ô nhiễm và thái độ khôn ngoan của người tiêu thụ trong việc chọn lựa các sản phẩm xanh. 

Phải bảo vệ lưu vực sông

Sông ngòi và lưu vực sông có vai trò địa vật lý quan trọng trong phát triển sản xuất và sinh hoạt của dân cư, đặc biệt là các vùng châu thổ sông tiếp giáp với biển, như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mặt dầu các vùng châu thổ có ưu thế về canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản nhưng cũng rất nhạy cảm về mặt sinh thái với các nhân tố gây bất thường về dòng chảy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Chiến lược bảo vệ sông ngòi được nhiều nhà khoa học nhấn mạnh qua việc quản lý lưu vực sông tổng hợp. Tổ chức Hợp tác vì Nước Toàn cầu (Global Water Partnership, 2004) đã định nghĩa: “Quản lý tài nguyên nước tổng hợp là một quá trình thúc đẩy sự phối hợp phát triển và quản lý nguồn nước, đất đai và tài nguyên liên quan, nhằm tối đa hoá lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội một cách công bằng mà không phương hại đến tính bền vững của các hệ sinh thái thiết yếu”. Quản lý tài nguyên nước tổng hợp bao gồm cả quản lý rủi ro, kết hợp quản lý đất và nước, dự báo, giám sát và lập kế hoạch dự phòng nhằm giảm nhẹ các hệ quả nghiêm trọng lên kinh tế.

Có nhiều biện pháp bảo vệ lưu vực sông theo cách tiếp cận tổng hợp đa ngành. Thí dụ như đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho môi trường, bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, bảo vệ chất lượng nước, tuân thủ nguyên tắc xả thải ra nguồn, chống các hoạt động khai thác vật liệu trên hệ thống sông có thể gây sạt lở bờ, cân nhắc hợp lý các dự án thuỷ điện, cầu cảng, chuyển dòng chảy…

Quan trọng nhất trong chiến lược bảo vệ tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông nói riêng là phải có sự tham gia của cộng đồng như là những chủ nhân đích thực của nguồn tài nguyên quý giá này. Cộng đồng dân cư sống trong lưu vực, thông qua đại diện các tổ chức xã hội, phải có quyền và kinh nghiệm phản biện trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước sống. Các dự án khai thác và xả thải vào nguồn nước phải minh bạch thông tin về những tác động tiêu cực có thể gây ra ngay từ khi chuẩn bị thực hiện. Các dự án này phải được lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, của tổ chức, thậm chí cá nhân liên quan như là một quy trình pháp lý và là việc tự nhiên của thể chế dân chủ và là trách nhiệm của chủ đầu tư dự án và của chính quyền.

Tóm tại, an ninh nguồn nước là một thử thách lớn cho Việt Nam hiện nay và tương lai. Sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước sẽ không bao giờ bền vững nếu không có chiến lược bảo vệ môi trường và tài nguyên nhiên nhiên, trong đó quan trọng nhất là bảo vệ sự trong lành của nguồn nước. Phát triển xanh không phải đơn thuần chỉ là một khẩu hiệu mà phải có những hoạt động và hành động thiết thực, trong đó phải có những giải pháp khoa học trong quản lý tổng hợp lưu vực sông với sự tham gia của cộng đồng người và các tổ chức xã hội dân sự. Đây phải là một chủ trương nhất quán và mục tiêu tổng quát trong mọi kế hoạch chiến lược, quy hoạch phát triển và các dự án tăng trưởng kinh tế – xã hội. Bảo vệ sự trong lành của các dòng sông không chỉ là nhiệm vụ của chính mỗi người dân mà còn là trách nhiệm công dân cho thế hệ tương lai của đất nước.

_____________________________________________________________


(*) Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – Đại học Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới