Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đồng Tháp làm nông 4.0 và phát triển kinh tế tư nhân ra sao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đồng Tháp làm nông 4.0 và phát triển kinh tế tư nhân ra sao?

Huỳnh Kim thực hiện

(KTSG Online) – Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 có nhấn mạnh chủ trương làm nông nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế tư nhân. Hiện nay, mặc dầu đang tập trung chỉ đạo phòng chống đại dịch Covid-19, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, vẫn dành cho KTSG Online cuộc trao đổi xoay quanh hai nội dung này.

Đồng Tháp làm nông 4.0 và phát triển kinh tế tư nhân ra sao?
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (giữa), trao đổi với một chủ doanh nghiệp trồng hoa tại Đồng Tháp. Ảnh: CÔNG MINH

KTSG Online: Trước hết nói về việc Đồng Tháp đang nỗ lực làm nông nghiệp 4.0, phát triển ngành chế biến nông sản để tránh tình trạng đến mùa nông sản ứ đọng phải “giải cứu”. Thưa ông, tỉnh đã chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao ra sao?

– Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Đồng Tháp đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng khoa học – công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm chi phí và tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống. Đặc biệt, địa phương xác định hướng đi mới là tổ chức sản xuất theo hướng an toàn (VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ), sản xuất theo quy trình công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái giúp tăng thu nhập cho người sản xuất.

Trong những năm qua, Đồng Tháp đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện đề án này, tỉnh đã xác định giải pháp quan trọng nhất, quyết định sự thành công của đề án là thay đổi nhận thức của người nông dân. Làm sao để người nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp; chủ động trong sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản; sản xuất phải tính đến bài toán tiêu thụ. Có như thế người dân mới có thể tự cứu lấy mình. Chính quyền chỉ có vai trò dẫn dắt chứ không làm thay người dân.

Hướng tới, tỉnh sẽ thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu ngành nông nghiệp với phương châm “Hợp tác – Liên kết – Thị trường” và “Giảm chi phí – Tăng chất lượng – Chế biến tinh” nhằm hướng đến mục tiêu chuyển “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”; nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Để đạt được mục tiêu trên, địa phương tiếp tục tập trung chuyển giao kỹ thuật, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của nông dân, hướng đến xây dựng người nông dân chuyên nghiệp thích ứng kinh tế nông nghiệp số, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tỉnh lo khơi thông thị trường, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch điện tử để mua bán, trao đổi sản phẩm nông nghiệp, để chủ động trong việc tiêu thụ nông sản trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

KTSG Online: Ông có thể nói thêm về việc Đồng Tháp phải đối mặt với những thách thức như về tài chính, công nghệ, con người…  trong vấn đề này ra sao?

Các nguồn lực về tài chính, công nghệ, con người, kể cả chính sách… sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có thể nói, để phát triển được nông nghiệp công nghệ cao  thì cần phải có nguồn lực rất lớn. Đây cũng là thách thức không nhỏ đối với Đồng Tháp.

Hướng tới, địa phương chúng tôi sẽ đẩy mạnh thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn vốn thông qua khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các tổ chức khoa học – công nghệ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo điều kiện cho việc đưa công nghệ cao vào sản xuất.

Tỉnh phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nhất là nhân lực nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng Tháp cũng sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân theo hướng “trí thức hóa nông dân”; đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường; rút bớt lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp và giữ lại đội ngũ “nông dân chuyên nghiệp”.

KTSG Online: Vậy kết quả đến nay như thế nào, thưa ông?

– Đồng Tháp đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một số mô hình còn là hình mẫu của cả nước. Riêng đối với nông nghiệp công nghệ cao thì mới chỉ là kết quả ban đầu.

Thành công lớn nhất đến nay chính là thay đổi nhận thức của người dân. Người dân đã dần nhận thức được vai trò liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thông qua việc tham gia vào các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác và hội quán nông dân. Một số hợp tác xã, hội quán đã áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất.

Đặc biệt là mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”; triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc và áp dụng thương mại điện tử cho mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”. Đây được xem là giải pháp canh tác mới được chú trọng và mang tính khả thi cao, tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân.

Toàn tỉnh cũng đã có 161 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao mà chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; được quảng bá chính thức trên trang giao dịch thương mại điện tử Đồng Tháp và các trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee.

KTSG Online: Xin chuyển sang câu chuyện kinh tế tư nhân. Lâu nay, Đồng Tháp luôn có chỉ số PCI nằm trong top đầu cả nước. Thực tế này đã tác động đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân vào Đồng Tháp như thế nào, thưa ông?

– Năm 2020, PCI Đồng Tháp tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Đây là năm thứ 13 liên tiếp, tỉnh Đồng Tháp nằm trong nhóm 5 và năm thứ 7 liên tiếp nằm trong nhóm 3 của các tỉnh, thành phố “có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước”.

Khi mời gọi doanh nghiệp đến Đồng Tháp để đầu tư, chúng tôi không dùng thứ hạng địa phương đạt được mà quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, làm sao để giữ chân doanh nghiệp gắn bó với địa phương. Lãnh đạo tỉnh quán triệt chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Chủ trương này được thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở theo phương thức mới, chủ động tiếp xúc và tăng cường tương tác để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Có thể nói, thế mạnh và cũng là điểm tạo sự khác biệt của Đồng Tháp chính là con người, là sự tiên phong, xông xáo của lãnh đạo tỉnh, chính quyền các cấp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư – kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính vì thế, trong năm 2020, mặc dù xuất hiện dịch Covid-19, Đồng Tháp có 610 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 4.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm Đồng Tháp có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất từ trước đến nay. Và trong 6 tháng đầu năm 2021 này, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng rất khả quan, gần 300 doanh nghiệp, tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2020 với tổng vốn đăng ký trên 2.400 tỷ đồng; quy mô vốn tăng trên 1.200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù dịch Covid-19 vẫn còn đang hoành hành.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 4 từ trái qua) khảo sát một công trình xây dựng tại Đồng Tháp. Ảnh: CÔNG MINH

KTSG Online: Nhưng dường như, ngoài vài thương hiệu lớn như Vĩnh Hoàn, Sao Mai… những doanh nghiệp tư nhân lớn, đầu ngành khác (“đại bàng”), chưa xuất hiện nhiều tại Đồng Tháp. Vậy làm sao để kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn ở Đồng Tháp, thưa ông?

– Gần đây, Đồng Tháp đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư. Qua đó, đã thu hút các nhà đầu tư như Tập đoàn Sao Mai, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Masterise… Đại diện Tổng lãnh sự quán các nước Úc, Nhật Bản, Pháp… cũng đã đến Đồng Tháp làm việc, tìm hiểu để cùng hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Tỉnh cũng thúc đẩy tiến độ thực hiện các biên bản thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn đã ký kết như T&T, Novaland, Tập đoàn Quế Lâm… Do đó, trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện nhiều dự án trọng điểm, có cả các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Để thu hút đầu tư mạnh hơn, tỉnh chủ trương tranh thủ các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho việc kết nối, lưu thông hàng hoá và tăng lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Bên cạnh việc mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện và hệ thống giao thông nông thôn hiện có, Đồng Tháp sẽ đầu tư xây dựng các tuyến đường mới, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hòa với phát triển đô thị.

Tỉnh tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, ưu tiên tập trung xây dựng đoạn cao tốc An Hữu – Cao Lãnh trong kỳ kế hoạch 2021-2025 để kết nối và khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng cao tốc phía Tây và phía Đông của vùng ĐBSCL (tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận và Lộ Tẻ – Rạch Sỏi – cầu Vàm Cống – cầu Cao Lãnh).

Đồng Tháp tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế cũng như quan tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ và kiến thức quản lý kinh tế cho nông dân.

Ngoài ra, Đồng Tháp đang thực hiện mạnh mẽ giải pháp về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo của người đứng đầu các ngành, các cấp, nhằm thực hiện tốt vai trò chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp.

KTSG Online: Như vậy, thưa ông, có thể hình dung nền kinh tế và đời sống người dân Đồng Tháp vào cuối nhiệm kỳ này sẽ như thế nào để không còn phải ví von Đồng Tháp là tỉnh “ khuất nẻo” của vùng ĐBSCL?

– Không phải chờ lâu như vậy, ngay ở thời điểm hiện tại, Đồng Tháp đã vượt qua lời nguyền ”khuất nẻo”. Với tinh thần trách nhiệm trước 1,6 triệu dân tỉnh nhà, các cấp chính quyền tỉnh tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo trong quản lý điều hành; và với sự chuyển đổi tư duy của người dân cùng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Đồng Tháp đang hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, người dân có cuộc sống sung túc và  địa phương thật sự là nơi đáng sống.

Chúng tôi cũng xin nói thêm là với định hướng phát triển rõ ràng trên từng lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, du lịch thì trong những năm tới, chắc chắn Đồng Tháp sẽ tiếp tục phát triển về mọi mặt; kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới