Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đồng Tháp xin nhận hai con sếu đầu đỏ từ Lào về Tràm Chim

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép nhập khẩu hai con sếu đầu đỏ từ Lào về Vườn quốc gia Tràm Chim để phục vụ công tác bảo tồn, nhân nuôi, phát triển và tái thả lại môi trường tự nhiên.

Sếu đầu đỏ trong một lần quay lại Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Trương Thanh Nhã

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hai con sếu đầu đỏ từ Lào.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Vườn quốc gia Tràm Chim xây dựng dự thảo đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Tràm Chim giai đoạn 2022- 2032 và thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường sinh thái.

Vào ngày 16-4 năm ngoái, Vườn quốc gia Tràm Chim đã ghi nhận 1 gia đình sếu đầu đỏ với 3 con, trong đó, có 2 con trưởng thành và 1 con non về tại bãi năng thuộc phân khu A4 Vườn quốc gia Tràm Chim.

“Do đó, UBND tỉnh Đồng Tháp nhận thấy môi trường sinh thái tại Vườn quốc gia Tràm Chim đang phục hồi và phát triển đảm bảo đủ điều kiện cho việc bảo tồn, nhân nuôi, phát triển và tái thả lại môi trường tự nhiên”, trích văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, vào ngày 5-9, Giám đốc Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Lào đã có văn bản  về việc quyên góp sếu đầu đỏ cho Chương trình nhân giống sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Đơn vị này đã thống nhất chuyển giao 2 con sếu đầu đỏ cho Tràm Chim với mục đích bảo tồn, nhân nuôi và phát triển.

Trao đổi với KTSG Online, tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, vào những năm 1989-1990, Vườn quốc gia Tràm Chim đã ghi nhận có một quần thể sếu đầu đỏ khoảng 1.800-2.000 con. Tuy nhiên, những năm gần đây không còn ghi nhận sự xuất hiện của loại chim này.

Theo ông, có nhiều yếu tố tác động đến sự biến mất của sếu đầu đỏ tại Tràm Chim. Trong đó, tác động lớn nhất là từ quyết định về việc ban hành chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng năm 2012.

Quyết định này đã khiến vườn quốc gia phải trữ nước quá nhiều nước để chống cháy, tức đã chuyển từ hệ sinh thái của đầm ngập nước theo mùa thành vùng ngập nước quanh năm, làm mất đi nguồn củ cỏ năng kim, thức ăn của sếu đầu đỏ. “Sếu đầu đỏ về Tràm Chim với mục đích lớn nhất là tìm thức ăn, củ cỏ năng kim”, ông Ni nói.

Theo ông, cần phải coi trọng việc phục hồi hệ sinh thái, tức không nên giữ ngập Vườn quốc gia Tràm Chim quá nhiều. “Hệ sinh thái phục hồi, giúp đàn sếu tự nhiên quay về là quan trọng hơn chuyện phải bỏ nhiều tiền ra để nuôi nhốt”, ông Ni nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới