Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dòng tiền bao giờ trở lại nhóm cổ phiếu ngân hàng?

Đăng Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Một trong những lý do chính khiến giới đầu tư không quá “mặn mà” với nhóm cổ phiếu “vua” thời gian vừa qua xuất phát từ lo ngại triển vọng kinh doanh của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng mạnh do tác động của đại dịch Covid-19.

Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, TPBank đã có tổng thu nhập hoạt động năm 2021 đạt hơn 13.500 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Ảnh: N.K

Cổ phiếu “vua” bị dòng tiền xa lánh

Sau sáu tháng đầu năm 2021 “thăng hoa” và đóng vai trò dẫn dắt thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã không còn theo kịp đà tăng của VN-Index trong sáu tháng cuối năm. Cụ thể, kể từ cuối quí 2-2021 cho đến nay, trong khi chỉ số VN-Index tăng 14%, đạt trên 1.500 điểm, chỉ số small cap (cổ phiếu vốn hóa nhỏ) cũng tăng trên 50%, đạt gần 2.300 điểm thì nhóm 10 cổ phiếu ngân hàng lớn trên sàn HOSE lại giảm trung bình gần 10% trong cùng khoảng thời gian.

Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa đối với dòng tiền hiện nay khi không ít mã đã vượt 10.000 đồng/cổ phiếu sau nhiều năm giao dịch dưới mệnh giá. Nhóm cổ phiếu này thu hút dòng tiền và tăng giá mạnh đã phần nào khiến nhóm cổ phiếu “vua”, trong tương quan so sánh tương đối, giảm sức hấp dẫn, thậm chí bị không ít nhà đầu tư xa lánh. Cũng có những thời điểm cổ phiếu ngân hàng bật tăng, nhưng sắc xanh hầu như chỉ duy trì được một vài phiên rồi lại nhanh chóng điều chỉnh giảm trở lại, càng khiến nhà đầu tư coi đó là tín hiệu để hạ tỷ trọng cổ phiếu trước khi nhịp điều chỉnh sâu hơn diễn ra.

Về cơ bản, một trong những lý do chính khiến giới đầu tư không quá “mặn mà” với nhóm cổ phiếu “vua” thời gian vừa qua xuất phát từ lo ngại triển vọng kinh doanh của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng mạnh do tác động của đại dịch Covid-19. Trong sáu tháng cuối năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó khiến rủi ro nợ xấu tiềm ẩn của ngành ngân hàng tăng cao.

Mà đối với ngành ngân hàng, các chi phí dự phòng cho nợ xấu (nếu phải trích lập) sẽ luôn ở mức rất lớn, dễ dàng thổi bay lợi nhuận ở các mảng kinh doanh khác. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng lo ngại lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do phải thực hiện các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn vì đại dịch.

Triển vọng sáng dần

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 10-2021 đến nay, với những nỗ lực của Chính phủ, bao gồm chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên diện rộng, kinh tế đang dần có những dấu hiệu hồi phục trở lại. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 22-12-2021 là 12,68% so với cuối năm 2020 và tăng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, tính đến ngày 25-11-2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 10,1%.

Con số này tại thời điểm 29-10 chỉ đạt 8,72% và vào cuối tháng 9 là 7,88%. Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 2,87 điểm phần trăm, tương đương quy mô dư nợ mở rộng gần 264.000 tỉ đồng. Ngoài ra, NHNN cũng đã chấp thuận cho một số ngân hàng tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 thêm 1-6 điểm phần trăm. Diễn biến này cho thấy các hoạt động sản xuất – kinh doanh đang dần “hồi sinh”, kéo theo nhu cầu vốn của các doanh nghiệp gia tăng.

Ngành ngân hàng năm 2022 được nhận định có triển vọng khả quan. Theo đó, cổ phiếu nhóm ngành này sau thời gian đi ngang trong sáu tháng vừa qua sẽ sớm thu hút dòng tiền trở lại.

Xu hướng tích cực cũng được thể hiện qua cuộc điều tra được NHNN tiến hành mới đây. Theo đó, các ngân hàng nhận định lợi nhuận có sự cải thiện rõ rệt trong quí 4-2021 so với quí trước, do đó đã nâng kỳ vọng về tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2021. Cụ thể, có tới 78,8% tổ chức tín dụng (TCTD) ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng dương so với năm 2020. Dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% lo ngại lợi nhuận giảm.

Sự bứt phá của tín dụng dịp cuối năm là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngành ngân hàng bởi thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chủ lực, đóng góp 70-80% tổng thu nhập hoạt động. Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2021, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động bán chéo bảo hiểm và đầu tư trái phiếu. Việc ghi nhận phí trả trước từ các thương vụ bancassurance độc quyền và doanh thu bancassurance đã tích cực hỗ trợ cho thu nhập phí và lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2021.

Kết quả sơ bộ mới được công bố cho thấy nhiều ngân hàng vẫn “kiếm tiền” rất tốt bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. TPBank mới đây vừa cho biết, tính đến hết năm 2021, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 13.500 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Trước đó, không ít ngân hàng đã sớm cán đích lợi nhuận chỉ sau ba quí đầu năm như Viet Capital Bank, SeABank. Không kém cạnh, các ông lớn trong khối quốc doanh cũng dồn dập báo “tin vui” những ngày gần đây.

Trong thư gửi khách hàng, đối tác và cán bộ, người lao động mới đây, ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết trong năm 2021, lợi nhuận ngân hàng đạt hơn 14.000 tỉ đồng. Được biết, trong năm 2020, ngân hàng có lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 13.200 tỉ đồng, riêng lẻ là hơn 12.900 tỉ đồng. Không nêu rõ con số cụ thể, song BIDV mới đây cũng tiết lộ đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2021 được NHNN giao.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), chất lượng tài sản của các ngân hàng đang trong tầm kiểm soát, dù bị suy giảm do dịch bệnh, nhờ chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao. Một số ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng và cải thiện mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu như BIDV, MB, Techcombank, Vietcombank… Dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021 tăng 24,2% và năm 2022 tăng 22,2%.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo năm 2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự kiến đạt 13-15%, các ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% là BIDV, MB, Techcombank, ACB, TPBank, MSB.

Nhìn chung, ngành ngân hàng năm 2022 được nhận định có triển vọng khả quan. Theo đó, cổ phiếu nhóm ngành này sau thời gian đi ngang trong sáu tháng vừa qua sẽ sớm thu hút dòng tiền trở lại. Mặc dù vậy, giá cổ phiếu được dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và câu chuyện riêng của từng ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới