Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dòng tiền cùng sự lạc quan chảy mạnh vào ‘cổ phiếu vua’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dòng tiền cùng sự lạc quan chảy mạnh vào ‘cổ phiếu vua’

Dũng Nguyễn

(KTSG Online) – Lợi nhuận quí 1 của nhiều ngân hàng dự kiến tăng mạnh, đi kèm thêm những thông tin tích cực đã giúp thúc đẩy giá cổ phiếu thị trường.

Dòng tiền cùng sự lạc quan chảy mạnh vào 'cổ phiếu vua'
VietinBank là một trong những ngân hàng đầu tiên dự báo lãi cao trong quí 1-2021 này. Ảnh: DNCC

Lợi nhuận quí 1 tăng đột biến

Trong những ngày gần đây, thị trường chứng khoán đã có những phiên tăng điểm tích cực giúp đẩy chỉ số VN-Index vượt mốc kỷ lục 1.200. Dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, nhưng trong đó đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao dù chưa có sự bứt phá về giá trị và khối lượng giao dịch, cũng đã giúp "nâng" mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng lên tầm cao mới.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng nhìn chung đều tăng giá đáng kể. Điển hình như VIB (tăng hơn 41%), VPB (hơn 39%), TCB (hơn 33%), MBB (gần 27%), CTG (tăng 17%). Các ngân hàng mới niêm yết như OCB, MSB hay chuyển sàn niêm yết như ACB cũng cho thấy sự tăng giá ấn tượng.

“Sóng” ngân hàng đã phản ánh trước những kỳ vọng về giá trị lợi nhuận mà ngân hàng tạo ra trong năm nay. Tại các bản báo cáo phân tích, nhiều tổ chức đều đánh giá cao nhóm cổ phiếu ngân hàng do sở hữu triển vọng kinh doanh tích cực.

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán SSI mới đây đã đưa ra ước tính lợi nhuận trước thuế của 10 ngân hàng (trong danh mục theo dõi của SSI) sẽ tăng khoảng 55-65% so với cùng kỳ trong quí 1 này.

Trong đó, các ngân hàng quốc doanh có khả năng tăng đến 75-85%, nhờ đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết tài sản có vấn đề vào trước đó; trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần có thể đạt mức tăng trưởng 45-55% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng bình quân của nhóm ngân hàng này trong quí so với đầu năm đạt khoảng 1,6%, ở mức tương đương ở quí 1 năm ngoái và tăng 15% so với cùng kỳ.

“Quí 1 năm nay sẽ là đỉnh cao tăng trưởng so với cùng kỳ trong năm 2021, vì các ngân hàng đã ghi nhận nhiều thu nhập bất thường (kinh doanh ngoại hối, kinh doanh trái phiếu….) trong 9 tháng cuối năm 2020”, báo cáo SSI nhận định.

Các yếu tố giúp đẩy mức tăng trưởng lên cao là NIM được cải thiện (ước tính ổn định so với quí 4-2020, tăng 15 điểm cơ bản so với quí cùng kỳ), thu nhập phí trong quí 1 năm ngoái thấp ở hầu hết ngân hàng và áp lực trích lập dự phòng thấp hơn.

Trong cuộc gặp mới đây với nhà đầu tư, lãnh đạo VietinBank cho biết lãi trước thuế quí 1 ước đạt 7-8.000 tỉ đồng, chưa gồm phí trả trước từ hợp đồng bancassurance độc quyền với Manulife, trong khi hai năm gần nhất chỉ quanh ngưỡng 3.000 tỉ đồng. Năm 2021, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 16-18% so với thực hiện năm 2020.

Triển vọng lạc quan

Trên thị trường, thông tin lạc quan cho nhóm ngành ngân hàng thời gian gần đây liên tục được công bố. Chẳng hạn như Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây đã xác nhận mức xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn, theo đó áp dụng xếp hạng của 15 ngân hàng Việt ở mức Ba3+. Động thái đánh giá lại mức độ tín nhiệm các ngân hàng được Moody’s thực hiện sau khi hãng này nâng triển vọng của Việt Nam và được công bố vào ngày 18-3 vừa qua.

Các ngân hàng nằm trong danh sách điều chỉnh đánh giá là ABBank, HDBank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank, MB, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, VPBank và Techcombank.

Bên cạnh đó, Moody's điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của năm ngân hàng từ mức "Tiêu cực" lên "Tích cực" (bao gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, Techcombank, BIDV); bốn ngân hàng được điều chỉnh từ "Ổn định" lên "Tích cực" (OCB, TPBank, VPBank, VIB) và sáu ngân hàng từ "Tiêu cực" lên "Ổn định" (ABBank, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MB, SeABank).

Ngoại trừ ABBank, xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA), BCA điều chỉnh, xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của các ngân hàng nêu trên đều không bị ảnh hưởng trong đợt điều chỉnh này.

Còn đối với ABBank, Moody's đã hạ mức xếp hạng BCA xuống mức b2 từ b1, trong khi CRA dài hạn và CRR cũng lần lượt bị hạ xuống mức B1 (cr) và B1, từ mức Ba3 (cr) và mức Ba3 trước đó.

Ở góc độ kinh doanh, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của nhóm 10 ngân hàng đang theo dõi trong năm nay sẽ tăng trưởng đến 24% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng 15% và chi phí tín dụng giảm (22  điểm cơ bản).

Theo báo cáo của Fiingroup, năm 2020 tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng ước tăng bình quân 12,8% trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 16,1%. Lợi nhuận tăng chủ yếu đến từ NIM cao (nhờ lãi suất cho vay giữa giảm tương ứng với lãi suất huy động), phần trích lập dự phòng rủi ro thấp hơn thực tế nhờ Thông tư 01, một phần lợi nhuận từ hợp tác độc quyền với bảo hiểm và các khoản đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, Fiingroup cũng cho rằng các yếu tố tăng trưởng này không mang tính bền vững và có thể là rủi ro trong năm nay vì lãi suất huy động có xu hướng giảm, Thông tư 01 sửa đổi theo hướng buộc trích lập dự phòng tăng lên và các hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ không còn thoải mái như trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới