Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dòng tiền luân chuyển – cổ phiếu thủy sản đón sóng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dòng tiền luân chuyển – cổ phiếu thủy sản đón sóng

Triêu Dương

(KTSG) – Phiên giao dịch thứ 5 tuần trước (ngày 10-6) đã chứng kiến hàng loạt cổ phiếu dòng thủy sản tăng trần mạnh mẽ, khi dòng tiền dường như đang luân chuyển sang nhóm này trước những thông tin tích cực gần đây và kỳ vọng khả quan cho thời gian tới.

Dòng tiền luân chuyển - cổ phiếu thủy sản đón sóng
Hàng loạt cổ phiếu trong nhóm thủy sản cũng cho tín hiệu hút dòng tiền trong những phiên gần đây. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Tín hiệu dòng tiền

Cổ phiếu Công ty cổ phần (CTCP) Nam Việt (ANV) chưa đến nửa đầu tháng 6 đã tăng hơn 30%, còn nếu tính từ mức đáy hồi cuối tháng 1 thì đã tăng hơn 75%, hiện đã vượt qua giá kỷ lục cũ đạt được vào tháng 5-2019. Nhà đầu tư đang kỳ vọng doanh nghiệp này có cơ hội quay lại thị trường Mỹ ngay trong năm nay, sau khi phải rời đi vào năm 2014 khi bị áp thuế chống bán phá giá lên đến 0,97 đô la Mỹ/ki lô gam giai đoạn 2012-2013. Kết quả sơ bộ rà soát thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 16 của Mỹ  (POR 16) đặt ra mức thuế chống bán phá giá của Nam Việt ở mức 0,09 đô la/ki lô gam và sẽ được hoàn tất vào tháng 6 này đang là chất xúc tác kéo giá cổ phiếu này trong thời gian qua.

Cổ phiếu của ông lớn trong ngành thủy sản là CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), hiện chiếm 45% thị phần cá tra tại Mỹ, cũng đã tăng gần 17% tính từ đầu tháng 6, đặc biệt trong phiên ngày 10-6 đã bất ngờ tăng trần, bất chấp nguy cơ bị tăng thuế bán phá giá tại Mỹ từ 0 lên 0,09 đô la/ki lô gam. Thông tin công bố hôm 11-6 từ doanh nghiệp này cho biết tổng doanh thu tháng 5 tăng 35% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng ở các dòng sản phẩm cá tra (tăng 46%), sản phẩm phụ (tăng 51%) và giá trị gia tăng. Xét về thị trường, xuất khẩu sang Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh nhất với mức tăng 188% so với cùng kỳ.

Rủi ro hiện tại đối với nhóm ngành này là các mức thuế chống bán phá giá sơ bộ có thể bị phía Mỹ thay đổi như đã từng xảy ra ở POR13 và POR14, cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu chưa được tháo dỡ, cước vận tải biển tăng cao, thiếu hụt container làm tăng chi phí logisticS…

Tương tự, cổ phiếu của CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC),  chuyên về chế biến tôm, cũng tăng 17% trong cùng khoảng thời gian, với phiên tăng trần ngày 10-6 cùng thanh khoản tăng vọt. Công ty này vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 5 với doanh số chung đạt 16,9 triệu đô la, tăng 13% so với cùng kỳ. Theo chia sẻ từ công ty, mùa cao điểm chế biến hàng năm sẽ kéo dài tới khoảng giữa tháng 10 và vùng nuôi tôm năm 2021 sẽ có kết quả tốt nhất so các năm trước.

Hàng loạt cổ phiếu trong nhóm thủy sản cũng cho tín hiệu hút dòng tiền trong những phiên gần đây như cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL), CTCP Camimex Group (CMX), CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC). Diễn biến này cho thấy dường như dòng tiền đang chú ý đến nhóm này, trước những thông tin tích cực gần đây và triển vọng khả quan cho giai đoạn tới.

Nhiều chất xúc tác

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cùng với xu hướng tăng giá lương thực, thực phẩm toàn cầu, các mặt hàng thủy sản Việt Nam đang có những lợi thế nhất định trở lại. Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng 22% trong tháng trước, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước tiếp đà hồi phục với mức tăng lạc quan hơn trong tháng 5, tăng 24%, đạt gần 790 triệu đô la. Theo đó, kết quả xuất khẩu lũy kế năm tháng đầu năm cũng khả quan hơn, tăng 14%, đạt 3,27 tỉ đô la.

Không chỉ tăng trưởng về lượng, theo dự báo trước đây của VASEP, giá bán bình quân có triển vọng tiếp tục đi lên, như giá bán cá tra bình quân sau khi chạm đáy vào cuối năm 2020 đã đi lên từ đó đến nay và sẽ tiếp tục phục hồi ở tất cả các thị trường cho đến cuối năm nay.

Việc các nền kinh tế phát triển như Mỹ hay châu Âu đang phục hồi mạnh mẽ, nhờ tiến độ tiêm chủng vaccin phòng Covid-19 ngày càng nhanh và rộng khắp, cũng làm tăng nhu cầu các mặt hàng này và kéo theo các hoạt động thương mại phục hồi nhanh hơn, trong khi các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vốn chiếm thị phần khá lớn tại Mỹ và đang từng bước mở rộng thị phần tại châu Âu nhờ được lợi về thuế quan từ hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với khu vực này vào năm ngoái.

Đơn cử như ở mặt hàng tôm, số liệu từ VASEP cho thấy Mỹ đang chiếm 21% xuất khẩu tôm của Việt Nam nên sự hồi phục của thị trường này là đòn bẩy cho xuất khẩu tôm bật tăng mạnh mẽ trong năm 2021. Ước tính xuất khẩu tôm sang Mỹ năm tháng đầu năm đạt 270 triệu đô la, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý là Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi Ấn Độ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề và Trung Quốc bị giảm xuất khẩu do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và do chính quy định kiểm soát dịch Covid-19 của nước này.

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang Mỹ cũng đang trên đà phục hồi và bứt phá, với mức tăng 136% trong tháng 4 và tăng khoảng 200% trong tháng 5, đạt 33 triệu đô la, đưa kết quả năm tháng đầu năm 2021 lên 135 triệu đô la Mỹ, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường khác có FTA với Việt Nam như Liên minh châu Âu, Anh, Úc, Canada… cũng chứng kiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tích cực.

Vì lẽ đó, kết quả kinh doanh quí 1 và hai tháng đầu quí 2 của các doanh nghiệp trong nhóm này tăng trưởng tích cực cũng là điều dễ hiểu. Như lợi nhuận của Nam Việt quí 1 năm nay tăng trưởng 47% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm có thể tăng hơn 85%; lợi nhuận của Cửu Long An Giang thậm chí gấp 10 lần so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp còn lại dù kết quả quí 1 chưa có sự tăng trưởng, nhưng các công ty chứng khoán dự báo lợi nhuận sẽ tăng trưởng tích cực trong năm nay, theo đó sẽ giúp kéo định giá của các công ty này.

Tuy nhiên, rủi ro hiện tại đối với nhóm ngành này là các mức thuế chống bán phá giá sơ bộ có thể bị phía Mỹ thay đổi như đã từng xảy ra ở POR13 và POR14, cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu chưa được tháo dỡ tiếp tục tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản, cước vận tải biển tăng cao, thiếu hụt container làm tăng chi phí logistics, vận chuyển của các doanh nghiệp này và tác động tiêu cực lên lợi nhuận…

Trong một diễn biến khác, tại Hội nghị trực tuyến về giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hôm 10-6, bộ này cho biết đã có nghị quyết về việc nâng cao đầu tư công cho hạ tầng thủy sản giai đoạn 2021-2025. Nội dung này Bộ NN&PTNT đã gửi sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư  xem xét để trình Quốc hội khóa 15. Bộ NN&PTNT cũng đã có đề xuất với Chính phủ những dự án vay vốn cho hạ tầng thủy sản.

Riêng thực hiện kế hoạch hành động của ngành tôm cũng có những chương trình riêng, như vậy, các nguồn vốn nếu được thực thi thì hạ tầng thủy sản Việt Nam sẽ có bước thay đổi và chúng ta sẽ có những hạ tầng đảm bảo được cho phát triển thủy sản một cách bền vững.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới