Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dòng tiền nước ngoài đổ vào dồn dập, lo ngại bong bóng tài sản ở Singapore

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tiền và dòng người nước ngoài gồm du khách lẫn nhà đầu tư đang đổ vào Singapore, đẩy giá bán và cho thuê bất động sản lên mức cao chưa từng thấy. Chi phí mua một chiếc xe hơi bình thường tăng lên mức gấp đôi so với trước đại dịch Covid-19. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng bong bóng tài sản sẽ bị thổi căng, tăng thêm áp lực chi phí sinh hoạt cho người dân ở đảo quốc sư tử.

Hiệu ứng chạy theo dòng tiền

Sau khi tái mở cửa biên giới, Singapore đang trở thành thỏi nam châm thu hút du khách và nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Bloomberg

Đầu tháng này, giải đua xe công thức 1 (F1) đầu tiên của Singapore trong ba năm qua đã thu hút lượng khán giả kỷ lục, 302.000 người. Một số khán giả đã bỏ ra 900 đô la Mỹ cho một chỗ ngồi trên khán đài trong giải đua kéo dài ba ngày. Môt số khác đã đặt các dãy phòng khách sạn nhìn ra đường đua Marina Bay với giá lên tới 10.000 đô la Mỹ/đêm. Các bảng câu lạc bộ đêm cũng kiếm được tới 70.000 đô la Mỹ mỗi buổi tối nhờ giải đua.

Đó là một khoảnh khắc chiến thắng đối với Singapore sau khi nước này mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 và là một dấu hiệu cho thấy sức hút của đảo quốc sư tử vào thời điểm mà cơn bão kinh tế ập đến ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là trung tâm tài chính Hồng Kông, đối thủ của Singapore. Nhưng bên dưới bề mặt, mọi thứ không hoàn toàn màu hồng. Khi chính phủ Singapore cấp thêm thị thực dài hạn mới để thu hút nhân tài nước ngoài được trả lương cao, họ phải đối mặt với nhiệm vụ cân bằng khéo léo để tránh gây bất bình cho người dân trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao.

Stefanie Yuen Thio, đối tác quản lý của hãng luật TSMP Law Corp., nói: “Singapore đã phát đi tín hiệu nước này đang mở cửa kinh doanh và định vị mình là một trong những trung tâm tài chính của thế giới”. Bà cho rằng cơn bùng nổ dòng tiền nước ngoài đang thổi căng bong bóng tài sản ở Singapore, làm tăng chi phí cho người dân địa phương. “Đó là điều mà quốc gia này quản lý”, bà nói.

Singapore đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, ngay cả khi nhiều nơi trên thế giới đang đứng trước bờ vực suy thoái. Người nước ngoài đang săn lùng những căn hộ cao cấp trị giá hàng triệu đô la Mỹ ở Singapore. Các nhà đầu tư nước ngoài từ tỉ phú người Mỹ Ray Dalio đến tỉ phú Ấn Độ Mukesh Ambani đều đang thiết lập văn phòng tại Singapore. Đô la Singapore là đồng tiền mạnh nhất ở châu Á trong năm nay và tính đến hôm thứ Hai (10-10), Singapore là thị trường phát triển duy nhất có chỉ số chứng khoán tăng trưởng dương trong năm 2022.

Đối với Công ty quản lý đầu tư Value Partners (Hồng Kông), điều quan trọng là “chạy theo đồng tiền”, vì trọng tâm của nền tài chính châu Á đang dần chuyển từ Hồng Kông sang Singapore và Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất).

Value Partners đang tìm cách tăng gấp đôi số nhân sự tại Singapore sau khi số lượng văn phòng quản lý tài sản cho các gia đình giàu tăng ở đây tăng gấp đôi, lên 700 vào năm ngoái. Cheah Cheng Hye, người đồng sáng lập Value Partners, cho rằng “chỉ có kẻ ngốc” mới không tham gia vào xu hướng này.

Cửa ngõ quan trọng để tiếp cận các khu vực khác của châu Á

 

Giá bất động sản tư nhân lẫn căn hộ xã hội ở Singapore đều đang tăng. Ảnh: Reuters

Trong những ngày trước khi giải đua xe F1 diễn ra, hàng trăm nhà đầu tư đã tham dự các hội nghị do tạp chí Forbes và Viện Milken tổ chức và một sự kiện về tiền ảo.

Những người tham dự hội nghị, có tổng giá trị tài sản ròng khoảng 500 tỉ đô la Mỹ, đã tập trung tại khách sạn Ritz-Carlton, nơi tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani, người giàu thứ tư thế giới, nói về hoạt động kinh doanh than của mình ở Ấn Độ.

Tại khách sạn Four Seasons, dòng người xếp hàng dài ở một sảnh ở tầng hai để đăng ký tham gia sự kiện Hội nghị thượng đỉnh châu Á Viên Milken lần thứ 9.

Với nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và căng thẳng Mỹ-Trung dâng cao, Singapore ngày càng được các công ty nước ngoài xem là cửa ngõ quan trọng để tiếp cận các khu vực khác của châu Á.

Quỹ hưu trí giáo viên Ontario của Canada, đang quản lý 177 tỉ đô la Mỹ, sẽ tăng gấp đôi số nhân viên ở văn phòng của họ tại Singapore, lên gần 50 người, vượt qua con số 35 nhân viên tại văn phòng ở Hồng Kông.

Jo Taylor, Giám đốc điều hành của quỹ Ontario, nói. “Nếu chúng tôi tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Đông Nam Á và Úc thì đương nhiên chúng tôi phải tăng hiện diện tại Singapore”.

Bridgewater Associates, quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới do tỉ phú Dalio thành lập, đang mở văn phòng đầu tiên ở Singapore. Tỉ phú Mukesh Ambani, người giàu thứ hai châu Á, cũng đang thành lập một văn phòng quản lý đầu tư gia đình ở đây.

Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong đặt mục tiêu tạo ra 20.000 việc làm dịch vụ tài chính trong vòng 5 năm, tăng khoảng 10% so với lực lượng lao động ngành tài chính hiện tại.

Dòng người và vốn nước ngoài đổ vào Singapore tương phản với Hồng Kông, nơi dân số đang thu hẹp khi người nước ngoài và người dân địa phương rời thành phố do chính sách kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt và sự siết chặt chính trị từ Bắc Kinh. Trong tháng 6, dân dân số Singapore, bao gồm thường trú nhân, tăng 3,4% so với một năm trước đó.

Sức tăng trưởng mạnh mẽ của Singapore đang giúp nước này chống chọi với bất ổn vĩ mô toàn cầu có nguy cơ đẩy nhiều nền kinh tế, từ Mỹ đến Anh, rơi vào suy thoái vào đầu năm tới. Dù Singapore không tránh được ảnh hưởng từ sự sụt giảm thương mại toàn cầu, nền kinh tế của nước này được dự báo sẽ đạt được một trong những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á trong quí 3, ở mức 3,9%. Theo Bloomberg Intelligence, tăng trưởng của Singapore dự kiến chậm lại ở mức 2,9% trong năm tới do các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Giá nhà ở, xe cộ tăng nhanh

Tuy nhiên, sức bật kinh tế mạnh mẽ của Singapore cũng gây ra những áp lực khác. Singapore đang trải qua cuộc khủng hoảng thiếu nhân lực nước ngoài tồi tệ nhất trong hơn một thập niên, một phần là do người nước ngoài trở về quê nhà trong thời kỳ đại dịch, cùng với các quy định nghiêm ngặt hơn trong việc đưa nhân viên nước ngoài trở lại Singapore.

Để giải quyết vấn đề này, hồi tháng 8, Bộ Nhân lực Singapore đã nới lỏng các quy định về thị thực, cho phép người nước ngoài có thu nhập ít nhất 30.000 đô la Singapore (20.912 đô la Mỹ)/tháng đến Singapore làm việc theo diện thị thực lao động có thời hạn 5 năm. Các ứng viên nổi bật trong lĩnh vực thể thao, nghệ thuật và giáo dục có thể được cấp thị thực này mà không cần phải đáp ứng tiêu chí về mức lương.

Thị thực mới đặt ra nhiều câu hỏi trong nước về việc nó sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho người dân Singapore. Không phải ai cũng tin rằng điều này sẽ tạo một sân chơi bình đẳng cho người lao động Singapore.

Marcus Kong, một nhà tư vấn 27 tuổi, nói: “Nhiều vị trí cấp cao hơn dường như chỉ dành cho người nước ngoài. Chỉ những vai trò cấp thấp hơn mới giao cho người Singapore đảm nhận”.

Cơn bùng nổ đầu tư và làn sóng di cư của người nước ngoài đến Singapore có thể đẩy tăng lương và tạo ra nhiều việc làm nhưng bên cạnh đó, cũng khiến giá cả mọi thứ, từ nhà ở cho đến xe hơi trên hòn đảo 5,6 triệu dân, tăng nhanh.

Khách hàng ở Singapore giờ đây phải bỏ ra 100.000 đô la Singapore chỉ để mua một chiếc xe hơi bình thường, cao hơn gấp đôi so với cuối năm 2019. Giá nhà cũng đang tăng, một phần do làn sóng mua bất động sản cao cấp của những khách hàng giàu có đến từ Trung Quốc.

Ngay cả các căn hộ xã hội trên thị trường thứ cấp cũng bị cuốn vào cơn sốt với đà tăng giá trong 27 tháng liên tiếp. Trong khi đó, các chủ nhà đang tăng giá thuê với mức cao gấp đôi khi gia hạn hợp đồng thuê. Điều đó làm cho Singapore trở nên nổi trội hơn trong lĩnh vực bất động sản toàn cầu. Các thị trường bất động sản đã sốt hầm hập một thời ở Úc, Thụy Điển và Canada, đang đối mặt với mức giảm giá hai con số, trong khi đó, Hồng Kông có thể chứng kiến giá bất động sản giảm 30% trong hai năm tới, theo dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs.

Bất chấp những thách thức đó, một số người dân hài lòng khi Singapore leo lên vị trí số một ở châu Á và số 3 thế giới trong Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu công bố hồi tháng 9. Darren Teo, một nhân viên chăm sóc sức khỏe 26 tuổi ở Singapore, cho biết sự trỗi dậy của đất nước mang lại một cảm giác tự hào dân tộc và anh hy vọng điều đó sẽ lan tỏa hiệu ứng tích cực đến mọi người dân Singapore.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới