Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dòng vốn đầu tư tiếp tục đổ vào startup Đông Nam Á trong năm 2022

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo số liệu của DealStreetAsia, Đông Nam Á có thêm 25 công ty khởi nghiệp đạt giá trị 1 tỉ đô la trong năm 2021. Các startup cũng huy động số vốn kỷ lục 25,7 tỉ đô la trong năm ngoái, tăng 2,7 lần so với con số 9,4 tỉ đô la trong năm 2020. Con số này vượt qua kỷ lục 14 tỉ đô la của năm 2018.

Đông Nam Á có thêm 25 startup mới đạt quy mô “kỳ lân” trong năm 2021, cao hơn con số 21 “kỳ lân” trong cả giai đoạn 2013-2020. Ảnh: AP/Reuters

Nguồn vốn đổ vào các startup vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2022, tạo sức bật cho hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á. Nhưng đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ gần đây trên toàn cầu báo hiệu mọi thứ đang thay đổi, có khả năng ảnh hưởng đến định giá các startup.

“Sự gia tăng nguồn vốn là biểu tượng của một thị trường trẻ và đang phát triển. Đây cũng là minh chứng cho niềm tin lâu dài của các nhà đầu tư toàn cầu vào tiềm năng của Đông Nam Á, vừa là thị trường mới nổi cho kinh doanh vừa là trung tâm đổi mới công nghệ toàn cầu”, báo cáo của DealStreetAsia viết.

“Cơn sốt tìm vàng” ở Đông Nam Á

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Đông Nam Á bắt đầu phát triển vào đầu những năm 2010 – sau Trung Quốc từ 5 đến 10 năm – song song với sự thâm nhập của điện thoại thông minh trong khu vực. Cho đến ngay trước khi dịch xảy ra, các nguồn vốn đều rót vào các startup nổi bật như Grab ở Singapore hay Gojek ở Indonesia. Một trong các nhà đầu tư quan trọng là tập đoàn SoftBank của Nhật Bản, đã rót hàng tỉ đô la vào Grab và sàn thương mại điện tử Tokopedia.

Các startup này tiếp tục gọi vốn lớn trong năm 2021: GoTo – được hợp nhất từ Gojek và Tokopedia – đã huy động được 1,6 tỉ đô la, bao gồm cả số tiền mà Gojek huy động được trước thương vụ, trở thành đợt huy động vốn lớn thứ hai. Grab cũng đã huy động được 675 triệu đô la trước khi niêm yết công khai tại Mỹ vào tháng 12, mức lớn thứ tư.

Kết quả của năm 2021 cho thấy Đông Nam Á hiện có các startup đầy hứa hẹn trên nhiều lĩnh vực hơn và ở nhiều khu vực địa lý hơn. Điều này có nghĩa rằng các hệ sinh thái khởi nghiệp của khu vực đã bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Yinglan Tan, đối tác quản lý kiêm sáng lập tại quỹ Insignia Ventures của Singapore, nói rằng: “So với kỷ lục gây quỹ của năm 2018, chúng tôi cũng thấy sự phân bổ đa dạng hơn về nguồn vốn và điểm đến trên các thị trường và lĩnh vực. Điều này rất quan trọng đối với sức khỏe và sự trưởng thành của hệ sinh thái”. Trong báo cáo của DealStreetAsia, Tan mô tả tình hình các nhà đầu tư đổ vốn cho startup ASEAN giống như “cơn sốt tìm vàng” – giống như cuộc đổ xô tìm vàng từ giữa thế kỷ 19 ở California, Mỹ.

Mảng fintech (công nghệ tài chính) dẫn đầu với nguồn vốn huy động được là 5,83 tỉ đô la – tăng gấp 4 lần từ 1,46 tỉ đô la vào năm 2020 – khi Covid-19 thúc đẩy thanh toán không tiền mặt cùng các dịch vụ tài chính trực tuyến khác. Những dịch vụ đó có tác động xã hội lớn hơn ở Đông Nam Á so với các thị trường phát triển khác, bởi số người có tài khoản ngân hàng ở các thị trường mới nổi vẫn ít hơn nhiều.

Mynt của Philippines là một ví dụ. Được biết đến với ví điện tử GCash, công ty do Ant Group hậu thuẫn, đã huy động được 475 triệu đô la trong năm 2021 từ các nhà đầu tư bao gồm quỹ tư nhân Warburg Pincus của Hoa Kỳ. M-Service, công ty mẹ của ví điện tử MoMo ở Việt Nam, cũng nhận được 300 triệu đô la trong năm ngoái từ Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản và các nhà đầu tư khác. CEO Nguyễn Mạnh Tường nói rằng Covid-19 là “một cú hích rất lớn” cho sự tăng trưởng của MoMo tại Việt Nam.

Được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng thương mại điện tử khi nhu cầu giao vận tăng nhanh trong dịch, lĩnh vực hậu cần gọi được khoảng 5,56 tỉ đô la vào năm 2021, xếp thứ hai sau fintech. Theo báo cáo của DealStreetAsia, phần lớn nguồn vốn tập trung vào J&T Express của Indonesia với khoảng 4,5 tỉ đô la. Ninja Van của Singaproe gọi được 579 triệu đô la, trở thành nhà gây quỹ lớn thứ bảy trong khu vực trong năm.

Các khoản đầu tư gia tăng cũng đi kèm với việc định giá cao hơn. Cả bốn công ty trên – Mynt, MoMo, J&T Express và Ninja Van – đều đạt mức định giá 1 tỉ đô la vào năm ngoái, gia nhập danh sách ngày càng tăng của các “kỳ lân” trong khu vực.

Theo DealStreetAsia, 25 startup từ sáu quốc gia Đông Nam Á đã trở thành kỳ lân vào năm 2021, với mức định giá tổng hợp là 55,4 tỉ đô la. Con số này có ý nghĩa quan trọng bởi cả ASEAN chỉ có 21 kỳ lân trong giai đoạn 2013-2020 và phần lớn đến từ Indonesia và Singapore.

Trong số các startup đạt quy mô kỳ lân năm 2021 là hai nền tảng mua bán xe hơi cũ Carro ở Singapore và Carsome ở Malaysia, hãng hậu cần Flash Express ở Thái Lan và chuỗi quán cà phê Kopi Kenangan của Indonesia.

Dưới mức định giá 1 tỉ đô la, các startup trẻ hơn cũng thu hút các nhà đầu tư. “Các nhà đầu tư mới đang rất quan tâm. Nhiều người đặt các câu hỏi ngược kiểu như họ có nên đầu tư vào công ty chúng tôi hay không”, Lim Wai Mun, Giám đốc điều hành của ứng dụng y tế số Doctor Anywhere, nói với Nikkei Asia. Ứng dụng này đã huy động được khoảng 65 triệu đô la vào năm ngoái trong vòng gọi vốn Series C.

Trong khi đó, một số kỳ lân đầu tiên của khu vực đã lên sàn trong năm ngoái, khơi gợi đường hướng phát triển mới cho các startup Đông Nam Á. Việc Grab niêm yết vào tháng 12-2021 tại Mỹ là thương vụ SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt) lớn nhất từ ​​trước đến nay trên thế giới. Trước đó, hồi tháng 8, sàn thương mại điện tử Bukalapak của Indonesia đã niêm yết trên thị trường chứng khoán nội địa trong đợt IPO lớn nhất ở Indonesia.

Dòng vốn vẫn sẽ chảy mạnh trong năm 2022

Nhìn về tương lai, các chuyên gia cho rằng dòng vốn đầu tư cho startup Đông Nam Á sẽ tiếp tục trong năm 2022 khi nhiều quỹ bên ngoài khu vực vẫn quan tâm đến tiềm năng và tốc độ tăng trưởng ở ASEAN.

“Tôi tin rằng xu hướng gây quỹ sẽ tiếp tục mạnh mẽ. Các quỹ tư nhân và quỹ mạo hiểm vẫn còn nắm giữ nguồn tiền mặt rất lớn, và cần có kênh thoát cho dòng tiền. Ngoài ra, các quỹ còn chậm triển khai nhiều dự án trong năm 2020, bỏ lỡ sự hồi phục mạnh mẽ của các nền kinh tế trong khu vực. Họ đang tăng tốc để chạy đua với thời gian”, theo Martin Tang, đồng sáng lập và đối tác của Genesis Alternative Ventures tại Singapore.

Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm hạ nhiệt quá trình định giá các startup khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục và khi các ngân hàng trung ương chuyển sang siết chặt chính sách tiền tệ hơn. Tình trạng này đã bắt đầu ảnh hưởng đến các cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán: vốn hóa của tập đoàn công nghệ Sea của Singapore niêm yết trên sàn New York đã giảm 50% so với mức đỉnh cao vào tháng 10-2021. Trong khi đó, giá trị thị trường của Grab cũng chỉ bằng phân nửa mức Grab mong đợi trong thương vụ SPAC.

Tang nhận định: “Việc bán bớt cổ phiếu công nghệ trên thị trường đại chúng sẽ có tác dụng hạ nhiệt đối với việc định giá và mang lại sự tỉnh táo cho nhà đầu tư. Nhưng điều này lại có lợi cho thị trường về lâu dài”.

Ngoài sự dịch chuyển trong chính sách tiền tệ, DealStreetAsia cũng chỉ ra rằng nguồn vốn sẽ chảy mạnh mẽ hơn vào các lĩnh vực cũ trước đây khi lĩnh vực sản xuất tăng sản lượng để khắc phục những hạn chế về nguồn cung và các nền kinh tế tiếp tục các dự án cơ sở hạ tầng bị trì hoãn.

“Dòng vốn đầu tư vào các startup chắc chắn sẽ không cạn kiệt, nhưng sự chậm lại là điều hợp lý khi các nhà đầu tư định chế xét lại chiến lược của họ trong một môi trường thay đổi”, báo cáo của DealStreetAsia nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới