Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam giảm mạnh giữa dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam giảm mạnh giữa dịch

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Dù vượt qua Nhật Bản để lọt vào Top 3 các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thế nhưng lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào nền kinh tế cũng bị sụt giảm mạnh do dịch Covid-19.

Dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam giảm mạnh giữa dịch
Dây chuyền sản xuất nguyên liệu để chế tạo pin mặt trời tại một nhà máy có vốn đầu tư của Trung Quốc tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Ảnh: TTXVN

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) cho thấy, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 28,53 tỉ đô la Mỹ, giảm 25% so với kết quả của năm 2019. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư quốc tế sụt giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 mà Việt Nam đạt được khoản đầu tư cam kết như trên theo giới phân tích là tương đối chấp nhận.

Nguồn vốn này của các nhà đầu tư đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9 tỉ đô la Mỹ, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỉ đô la, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,46 tỉ đô la, chiếm 8.6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là đầu tư từ Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông….

Tuy nhiên, theo MPI, nếu xét theo số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới và dự án FDI đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn trong năm qua thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 1.063 dự án. Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 476 dự án (gồm 343 dự án mới và 134 dự án tăng vốn); Nhật Bản đứng thứ ba với 427 dự án và Hồng Kông đứng thứ tư với 313 dự án.

Như vậy, nếu xét về số dự án FDI mới từ Trung Quốc vào Việt Nam trong năm 2020 thì chỉ bằng khoảng phân nửa của năm 2019, số vốn bị sụt giảm đến hơn 791 triệu đô la.

Nếu tính luôn hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước, thì trong năm vừa qua nhà đầu tư từ Trung Quốc có 804 lượt dự án với tổng vốn góp gần 390 triệu đô la. So với kết quả của năm 2019, con số của năm 2020 chưa bằng một nửa lượt góp vốn – mua cổ phần và chỉ bằng 1/3 vốn góp. 

Trong năm 2019, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh so với năm trước đó do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Cụ thể đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần so với cùng kỳ 2018, đạt khoảng 4,1 tỉ đô la thì năm 2020 giảm khoảng một nửa, chỉ còn hơn 2 tỉ đô la.

Theo giới quan sát, sự sụt giảm về dự án và vốn đầu tư vào Việt Nam của nhà đầu tư Trung Quốc cũng không ngoài tác động mạnh do đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại xu hướng này.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị giảm đã khiến cho không chỉ dòng vốn Trung Quốc vào Việt Nam mà từ các quốc gia khác cũng giảm.

Nhờ gia tăng mạnh mẽ đầu tư vào Việt Nam trong 3-4 năm qua, luỹ kế đến cuối năm 2020, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 7 đầu tư nhiều vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 18,46 tỉ đô la thông qua 3.123 dự án còn hiệu lực. Tốp ba dẫn đầu các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là Hàn Quốc (70,645 tỉ đô la), Nhật Bản (60,2 tỉ đô la) và Singapore (56.55 tỉ đô la).

Theo đánh giá của MPI, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng.

Mặc dù số dự án mới, điều chỉnh vốn và cả số lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2020 đều giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên mức độ giảm cũng đang được cải thiện. Cùng với việc kiểm soát tốt đại dịch Covid ở Việt Nam, số dự án cấp mới và điều chỉnh vốn đều tăng lên trong các tháng cuối năm (Số dự án cấp mới trong quí IV năm 2020 tăng 9% so với quí III năm 2020.

Số dự án điều chỉnh vốn cũng tăng lần lượt 26%, 18% và 45% tương ứng với các quí 3, quí 2 và quí 1 năm 2020. Xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới