"Đột quỵ" cuối năm
![]() |
Giao thông tắt nghẽn dễ dẫn đến nguy cơ “đột quỵ” - Ảnh: Lê Toàn. |
Bạn đọc thân mến, rất tiếc chúng ta đang trải qua một ngày cuối năm với tin buồn. Thảm họa đã xảy ra ở sông Gianh (Quảng Bình): chìm đò ngang, đến trưa nay (25-1) đã xác định 40 người chết và còn khoảng 30 người mất tích.
Đa số người xấu số là những người đi phiên chợ cuối năm để chuẩn bị mâm cúng đón chào năm mới. Đây là một tai nạn khủng khiếp và có thể là nhiều người trong chúng ta cũng vì đang bận rộn đi mua sắm, dọn dẹp nhà cửa và cúng rước ông bà cuối năm mà chưa cảm nhận đầy đủ.
Chuyện giao thông với những điệp khúc kẹt xe, bị bắt chẹt, tai nạn… đã trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên với mỗi chúng ta.
Tai nạn này làm tôi nhớ đến vụ chìm đò ở Sóc Trăng làm 5 học sinh chết, vụ chìm đò ở Chôm Lôm (Nghệ An) làm thiệt mạng 19 học sinh, rồi vụ tai nạn xe đưa rước học sinh ở Đồng Nai làm gần chục học sinh ra đi vĩnh viễn…
Không lâu trước khi thảm họa sông Gianh xảy ra, phóng viên Thu Hiền của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đang chu du ở vùng đất Nghệ An, Thanh Hóa cũng đã có một ghi nhận ngắn về chuyến xe tết cuối năm:
“Đi từ Nghệ An ra Thanh Hóa khoảng 150 cây số, ngày thường xe chạy khoảng 3 tiếng đồng hồ. Vậy mà ngày cận tết này, xe chạy phải hơn 4 tiếng. Chiếc xe chở tôi rời bến xe Vinh (Nghệ An) từ 7 giờ sáng, lòng vòng bắt khách. Anh lơ xe luôn miệng chèo kéo, quát mắng những vị thượng đế không chịu lên xe bằng những lời khó nghe khi họ còn kì kèo trả giá.
Ngày tết, giá vé lên đến 80.000 đồng, gấp đôi ngày thường. Ngày thường khách hàng có thể là thượng đế. Ngày tết, họ biến thành nô lệ của những chuyến xe, nén nỗi bực dọc lên xe với cái giá cắt cổ và bị nhồi nhét ngồi chồm hổm dưới sàn xe.
Chiếc xe lao nhanh về phía trước, giành đường và vượt ẩu khiến người ngồi trong xe bao phen kinh hãi. Chỉ 150 cây số mà sao dài thế! Chỉ một cung đường mà 3 vụ tai nạn chết người xảy ra. Hành khách trên xe lòng chỉ mong hai chữ an bình. Người phụ nữ cạnh tôi thở dài: “Năm nay, chắc nhiều gia đình không có tết khi người thân “không về”.
Chợt nhớ đến bộ phim “Chuyến xe bão táp” của thời kỳ nền kinh tế bao cấp. Tôi tự hỏi biết bao giờ mình mới là thượng đế thực sự, ngày thường cũng như ngày tết. Tết đến rồi sao vẫn thoáng buồn”.
Mỗi khi có chuyện xảy ra chúng ta rất dễ dàng kết tội cho sự vô trách nhiệm của tài xế, của lái đò, của những nhà quản lý trực tiếp phương tiện giao thông. Tất nhiên lỗi của họ đã rành rành. Nhưng chuyện có lẽ không chỉ đơn giản là vậy.
Thật ra với hệ thống hạ tầng giao thông, liên lạc còn yếu như hiện nay, việc chấp nhận ở chứng mực nào đó những phương tiện vận tải, chuyên chở không hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn gần như là điều bắt buộc. Và những phương tiện đó cũng đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân.
Tôi vừa đọc trên báo điện tử Vietnamnet bài của một độc giả viết sau thảm họa chìm đò trên sông Gianh như sau:
“Giao thông duy nhất để nối hai bờ sông Gianh chính là những chuyến đò ngang và đò dọc. Những phương tiện giao thông bằng thuyền máy đơn giản, phương tiện cứu hộ sơ sài.
Tôi là một người con của quê hương đã xa quê lập nghiệp từ nhiều năm nay, nhưng cứ mỗi lần về thăm nhà đều phải "lụy" vào những chuyến đò "mạo hiểm" này”
Tôi chợt nghĩ ngày nào mà qua đôi bờ sông Gianh chưa xuất hiện nhiều những cây cầu bê tông lớn, chưa xuất hiện nhiều những chiếc phà hiện đại... thì độc giả này nếu muốn về nhà sẽ còn tiếp tục lụy vào những con đò “mạo hiểm” thôi và có khi còn phải “cám ơn” những con đò “mạo hiểm” đó.
Nguyên nhân của thảm họa? Rất đơn giản: hệ thống hạ tầng giao thông còn yếu kém. Biết bao nhiêu bài báo phản ánh dư luận bức xúc về chuyện này. Và câu trả lời của những người có trách nhiệm cũng đơn giản mà bạn đọc cũng đã rõ: thiếu vốn.
Tôi không nghĩ chuyện đi tìm nguyên nhân thảm họa đến đây là kết thúc.
Chúng ta sống trong một xã hội như cơ thể đang phát triển. Dân số tăng, hàng hóa của cải tăng, nhu cầu giao tiếp tăng… tất cả như là một dòng máu theo những mạch máu lan tỏa khắp cơ thể.
Mạng lưới hạ tầng giao thông liên lạc không khác gì hệ thống mạch máu. Khi nó không đủ sức vận chuyển máu thì không thể “ép” cho máu chảy chậm lại, lúc đó sẽ là thảm họa cho cơ thể, dẫn đến đột quỵ.
Tôi có cảm giác không phải tất cả chúng ta đều đã suy gẫm một cách thấu đáo hệ quả nguy hiểm đó. Những quyết đinh như kiểu: chống kẹt xe thì hạn chế đầu xe, chống tai nạn thì hạn chế tốc độ… mà cầu đường thì được xây dựng với tốc độ quá chậm không chỉ đơn giản chỉ làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế trong một vài năm mà có thể dẫn đến nguy cơ xã hội bị "đột quỵ".
Chỉ còn vài giờ nữa là chúng ta bước qua năm mới, hãy thấp một nén hương vì những người xấu số qua thảm họa đò ngang sông Gianh và hãy cầu mong rằng sẽ không có những vụ "đột quỵ" kiểu như vậy nữa xảy ra trong năm tới, dù rằng rất khó.
THUẬN HOA