Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đốt tiền cho tham vọng toàn cầu, startup chuỗi khách sạn Oyo ‘bỏng tay’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đốt tiền cho tham vọng toàn cầu, startup chuỗi khách sạn Oyo ‘bỏng tay’

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Từng được định giá đến 10 tỉ đô la Mỹ và trở thành chuỗi khách sạn lớn thứ hai toàn cầu, công ty khởi nghiệp (startup) Oyo Hotels & Homes của Ấn Độ giờ đây đối mặt với khó khăn do ‘đốt tiền’ để mở rộng mạng lưới quá nhanh.

Đốt tiền cho tham vọng toàn cầu, startup chuỗi khách sạn Oyo ‘bỏng tay’
Đà thua lỗ triền miền đe dọa tham vọng toàn cầu của Oyo. Ảnh: Bloomberg/WSJ

Hàng ngàn khách sạn đã rời bỏ mạng lưới của Oyo Hotels & Homes (gọi tắt là Oyo) ngay từ khi trước lúc đại dịch Covid-19 ập tới cộng với đà thua lỗ triền miên đang đe dọa tham vọng toàn cầu của Oyo.

Lỗ triền miên vì vung tiền mở rộng mạng lưới

Chỉ mới cách đây hơn một năm, Oyo là một trong những startup nóng bỏng nhất thế giới và là chuỗi khách sạn lớn thứ hai toàn cầu nếu tính về số phòng, chỉ đứng sau Marriott International. Oyo đã mở rộng mạng lưới ra 79 nước khác bên ngoài Ấn Độ. Công ty này nhận được hàng tỉ đô la vốn đầu tư từ Quỹ Tầm nhìn của Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) và được định giá gấp đôi trong vòng một năm, lên đến 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2019.

Hồi đầu năm 2019, Giám đốc điều hành là cũng là người sáng lập Oyo, Ritesh Agarwal, thậm chí đặt mục tiêu đưa Oyo trở thành chuỗi khách san lớn nhất toàn cầu vào năm 2023 với 2,3 triệu phòng nằm dưới sự quản lý của Oyo.

Song đại dịch Covid-19 và đòn giáng của nó lên ngành du lịch đã thổi bay phần lớn mức định giá cao ngất ngưỡng của Oyo. Các vấn đề của Oyo đã tồn tại trước khi dịch bệnh ập đến và không thể giải quyết triệt để ngay cả khi du lịch phục hồi nhờ vaccine Covid-19 được triển khai tiêm chủng rộng rãi trên toàn cầu.

Tầm nhìn lớn của Oyo là chiêu mộ các khách sạn nhỏ lẻ tham gia mạng lưới của công ty này, yêu cầu họ tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu dưới cùng một thương hiệu, nhường quyền kiểm soát đặt phòng và định giá phòng cho Oyo để tăng tỷ lệ lấp đầy phòng và doanh thu. Oyo sẽ thu phí sử dụng thương hiệu và hoa hồng dựa trên doanh thu của họ.

Mô hình kinh doanh này đã chứng tỏ hiệu quả ở Ấn Độ, nơi các chuỗi khách sạn lớn chưa có sự hiện diện phổ biến nhưng không thành công ở Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, những nước có những thương hiệu khách sạn bình dân lâu đời.

Oyo chứng kiến hàng ngàn khách sạn rời bỏ mạng lưới của công ty này giữa lúc có nhiều chủ khách sạn phàn nàn rằng họ không được đối xử công bằng.

Oyo cam kết mức doanh thu tối thiểu hằng tháng cho nhiều khách sạn tham gia mạng lưới Oyo và sẵn sàng chi tiền túi để bù đắp nếu doanh thu của họ bị hụt so với mức cam kết. Chính sách bảo đảm doanh thu tối thiểu đã giúp Oyo thu hút hàng chục ngàn khách sạn ở Trung Quốc gia nhập Oyo nhưng cũng khiến hoạt động kinh doanh của Oyo ở nước này thua lỗ lớn.

Doanh thu ở nhiều khách sạn Oyo không tăng như dự kiến ngay cả ở thời điểm trước đại dịch. Sau bảy năm đi vào hoạt động, Oyo vẫn chưa có lợi nhuận. Oyo lỗ ròng tổng cộng 335 triệu đô la trong niên độ tài chính 2018-2019, cao gấp 6,4 lần so với mức lỗ của năm trước đó.

Đại dịch Covid-19 ập tới khiến tình hình kinh doanh của Oyo càng khó khăn hơn. Để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19, Oyo đã cắt giảm lượng nhân sự trên toàn cầu từ 30.000 xuống còn 10.000. Tại Trung Quốc, nhân sự của Oyo giảm chỉ còn 1.500 so với 10.000 trước đây.

Oyo vẫn đang thua lỗ với mức khoảng 15 triệu đô la mỗi tháng, ngay cả sau khi đã cắt giảm 70% chi phí so với năm ngoái, theo một nguồn tin nắm rõ số liệu kinh doanh của Oyo. Trong khi đó, Quỹ Tầm nhìn của SoftBank đã bút toán giảm giá trị cổ phần ở Oyo hơn một nửa. Đó thực sự là tổn thất lớn sau khi quỹ này đã đầu tư 2 tỉ đô la để nắm giữ gần 50% cổ phần của Oyo.

Các chủ khách sạn ở Trung Quốc ồ ạt rời bỏ Oyo

Trong khi đó, người phát ngôn Oyo nói lượng phòng giảm 16% so với với năm 2019 và đang ở mức hơn một triệu phòng, bao gồm cả phòng ở mảng kinh doanh nhà nghỉ dưỡng (vacation home). Khi Oyo hủy chính sách bảo đảm doanh thu tối thiểu vào cuối năm 2019, hàng loạt chủ khách sạn ở Trung Quốc đã nộp đơn kiện và biểu tình phản đối ở các văn phòng của Oyo.

Số phòng khách sạn ở mạng lưới của Oyo trên toàn thế giới đã giảm hơn 50% trong năm qua, về con số 530.000 phòng, theo phân tích của tờ The Wall Street Journal. Mức suy giảm mạnh khiến Oyo rơi về vị trí thứ 7 trong danh sách những chuỗi khách sạn lớn nhất toàn cầu.

Quan Zhangyue, chủ một khách sạn ở TP. Tây An, Trung Quốc, cho biết anh đồng ý gia nhập Oyo vào tháng 7-2019. Ít tháng sau đó, Oyo từ chối thanh toán cho anh gần 6.000 đô la tiền nợ.

Vì vậy, anh đã rút khỏi Oyo và đến tận văn phòng của Oyo ở Trung Quốc để phản đối. Anh nói: “Chắc chắn 100% tôi sẽ không hợp tác với họ nữa”. Nhiều chủ khách sạn ở các nước khác cũng trải qua câu chuyện tương tự.

Oyo cho biết đã cắt hợp tác với một số khách sạn không tuân thủ hợp đồng và các tranh chấp về tiền nong chỉ là con số tương tối nhỏ so với tổng lượng khách sạn đang hiện diện trong mạng lưới Oyo.
Ritesh Agarwal, Giám đốc điều hành Oyo,  27 tuổi, nói rằng việc tiến vào các thị trường mới là một quá trình vừa làm vừa học hỏi đối với mọi công ty và Oyo không phải là ngoại lệ. Anh nói: “Chúng tôi có phạm sai lầm… và đã cải thiện mọi khía cạnh nhanh chóng”.

Theo ước tính của Wall Street Joural, vào giai đoạn đỉnh điểm trong năm 2019, Oyo có khoảng 1,2 triệu phòng khách sạn. Cũng vào năm đó, Oyo cho biết có 780.000 phòng khách sạn tại Trung Quốc, biến nước này trở thành thị trường lớn nhất của Oyo. “Oyo đã cố sức tăng tốc và vấn đề nảy sinh từ đó”,  Mitch Presnick, Giám đốc điều hành của một startup khách sạn nhỏ, nói.

Giờ đây, Oyo cho biết lượng phòng nằm dưới sự quản lý của công ty này ở Trung Quốc chỉ còn 70.000 phòng, giảm hơn 90% sau khi nhiều chủ khách sạn bất mãn và rời khỏi mạng lưới và Oyo rút khỏi một số thành phố ở Trung Quốc.

Oyo cũng lên kế hoạch trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất ở Nhật Bản với mục tiêu quản lý 75.000 phòng khách sạn ở nước này vào tháng 3-2020. Nhưng đến cuối năm 2019, Oyo mới chỉ có 5.762 phòng tại Nhật Bản. Điểm sáng đối với Oyo là mảng kinh doanh cho thuê nhà nghỉ dưỡng của công ty này vẫn đang phát triển. Oyo cho biết nhu cầu thuê nhà nghỉ dưỡng ở một số nước châu Âu tăng mạnh trong thời kỳ dịch bệnh.

Một khách sạn gắn thương hiệu Oyo tại Trung Quốc. Hiện nay, lượng phòng nằm dưới sự quản lý của Oyo tại Trung Quốc chỉ còn 70.000 phòng, giảm hơn 90% so với mức đỉnh điểm. Ảnh: Caixing

Vướng kiện tụng tại Mỹ

Theo các nhân viên của Oyo, mục tiêu nội bộ của công ty này là chiêu mộ gần 2.000 khách sạn ở Mỹ tham gia mạng lưới Oyo vào cuối năm 2019. Trong khi đó, người phát ngôn của Oyo nói rằng mục tiêu chính thức của công ty là thu hút 250 khách sạn ở Mỹ gia nhập Oyo và đến cuối năm 2019, con số này đạt gần 300.

Tuy nhiên, cũng như ở Trung Quốc, Oyo đối mặt với những khiếu nại về tiền nong. Trong một đơn kiện tập thể nộp ra tòa án ở bang Texas hôm 28-10, hai công ty khách sạn cáo buộc Oyo hủy bỏ hợp đồng cam kết mức doanh thu hàng tháng tối thiểu với 50-70 chủ khách sạn trong mạng lưới. Họ nói rằng Oyo lấy cớ dịch bệnh để biện hộ cho thất bại về mục tiêu doanh thu tối thiểu. Oyo đã nộp đơn kiện ngược, cho rằng các chủ khách sạn này còn nợ Oyo phí hủy hợp đồng và yêu cầu tòa bác đơn kiện của họ.

Chiến lược kinh doanh của Oyo là giảm mạnh giá phòng khách sạn để tăng tỷ lệ lấp đầy phòng. Các lãnh đạo của Oyo nói rằng chiến lược này, được sự hỗ trợ của các thuật toán máy học, sẽ tạo ra doanh thu cao hơn cho các chủ khách sạn trong dài hạn. Chẳng hạn, một khách sạn ở TP Dallas, Mỹ thường tính giá phòng 70 đô la/ đêm. Chỉ trong vòng một ngày khi gia nhập Oyo, tỷ lệ lấp đầy phòng của khách sạn tăng gấp đôi lên mức 60%.

Sau đó, Oyo hạ giá phòng của khách sạn này về thấp đến mức 20 đô la/đêm, giúp lượng đặt phòng tăng đột biến và khách kéo đến đứng chật sảnh của khách sạn,  bao gồm một số người vô gia cư. Ken Masters, chủ khách sạn này, nói: “Chúng tôi không kiểm soát được việc định giá phòng. Họ (Oyo) kiểm soát tất cả, khiến chúng tôi bất lực”.

Sau đó, Masters quyết định không gia hạn hợp đồng với Oyo ngay cả khi doanh thu khách sạn của ông tăng. Kể từ đó, Oyo triển khai hệ thống thiết lập giá phòng tối thiểu ở Mỹ là 30 đô la/đêm và cho phép các chủ khách sạn nâng giá phòng tối đa 10%.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới