Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dragon Capital có thể thoái vốn khỏi ACB?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dragon Capital có thể thoái vốn khỏi ACB?

Hải Lý

Dragon Capital có thể thoái vốn khỏi ACB?
ACB đã có một số phiên giao dịch ấn tượng.

(TBKTSG) – Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) đã có một phiên giao dịch ấn tượng vào ngày 19-2-2021 khi khớp lệnh trên 31 triệu đơn vị và đóng cửa sát giá trần 31.400 đồng/cổ phiếu. Thông thường khối lượng khớp lệnh của ACB ở tầm 5-6 triệu đơn vị/ngày và trong vòng một năm qua, chỉ có hai lần ACB đạt giá trị khớp lệnh 23-24 triệu đơn vị/ngày, một lần trong tháng 10 và lần khác trong tháng 12-2020.

Đầu tuần này bất chấp giao dịch giằng co của thị trường nói chung, lực mua ở vùng giá cao của ACB vẫn rất mạnh. Phiên ngày 22-2-2021 ACB đóng cửa ở 31.600 đồng/cổ phiếu, sau khi đã từng bật lên 32.200 đồng/cổ phiếu trong phiên, đúng bằng đỉnh giá cao nhất khi VN-Index chạm ngưỡng 1.202 điểm trước khi điều chỉnh mạnh đợt giữa tháng 1 vừa qua.

Thông tin nào đang hỗ trợ giá cổ phiếu ACB? Một số công ty chứng khoán nhận định đó là nhờ kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 dự tính khả quan với việc có thể hoàn nhập dự phòng rủi ro do xử lý nợ xấu, hạch toán một phần khoản bán bảo hiểm độc quyền ký với nước ngoài năm ngoái, chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu 25-30%… Thậm chí Công ty chứng khoán Bản Việt còn phát hành báo cáo phân tích, khuyến nghị khách hàng gia tăng tỷ trọng cổ phiếu ACB trong danh mục với giá mục tiêu 34.000 đồng.

Tuy nhiên, thông tin đáng quan tâm, theo nguồn tin đáng tin cậy của người viết bài này, đó là việc nhà đầu tư nước ngoài có thể thoái vốn ở ACB. Trong số các cổ đông nước ngoài, một số quỹ do Dragon Capital quản lý đã nắm giữ cổ phiếu ACB từ năm 1996, đến nay tròn 25 năm. ACB là khoản đầu tư thâm niên nhất của Dragon Capital, đồng thời là một trong những khoản đầu tư dài hơi nhất được ghi nhận trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho đến lúc này.

Có nhiều động thái từ phía Dragon Capital gần đây cho thấy các quỹ của họ đang dịch chuyển sang một danh mục thiên về tăng trưởng chứ không chỉ hoàn toàn mang tính căn bản và lâu dài như trước. Điều này là hợp lý trong một thị trường tài chính toàn cầu đang biến chuyển nhanh và xuất hiện những bước ngoặt như sự hiện diện của bitcoin (tiền kỹ thuật số) và sự bành trướng ngày một sâu rộng trong đời sống của các “ông lớn” công nghệ thế giới.

Như vậy Dragon Capital có lý do riêng để thoái vốn. Nhưng liệu sự thoái vốn này có đúng thời điểm và việc chốt lãi có mang lại tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng như mong muốn? Nhìn lại trong quá khứ, sau khi Dragon Capital thoái vốn các khoản đầu tư của họ, cổ phiếu của những doanh nghiệp này đều tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Cổ phiếu REE là một thí dụ điển hình. Hay trường hợp họ thoái vốn khỏi TCB, DIG trong năm ngoái cũng tương tự.

Có thể cổ phiếu ngân hàng là thứ hàng hóa cũ đối với những tổ chức như Dragon Capital. Đánh giá thị trường dưới con mắt của nhà đầu tư mới lại đưa ra góc nhìn khác. Lĩnh vực đang có lợi thế về tăng trưởng cả ngắn và trung hạn, được kiểm soát tốt và minh bạch hơn cả trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam chính là ngân hàng.

Cổ phiếu ngân hàng đang ở chân của một “con sóng” lớn và việc thu hút dòng tiền vào nhóm này cần một thời gian nhất định. Lý do khá đơn giản: tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên sàn quá lớn. Cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng áp đảo trong rổ VN30, rổ VNDiamonds, rổ tài chính hay cả nhóm vốn hóa lớn trên sàn. Hiện có 24 tổ chức tín dụng niêm yết, theo đó thị giá cao nhất là VCB trên 100.000 đồng/cổ phiếu và thấp nhất là Vietbank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín) nhỉnh hơn 12.000 đồng/cổ phiếu.

“Khẩu vị” của nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa tương đối rõ nét không chỉ về quy mô, mà còn cả về tăng trưởng lợi nhuận, đột phá trong ngân hàng số, phát triển nhanh số lượng khách hàng, khai thác và tạo ra dung lượng khách hàng mới. Các cuộc mua bán và sáp nhập ngân hàng, vì thế, luôn sôi động. Khi thị trường trầm lắng, các cuộc thâu tóm, hợp nhất ngân hàng diễn ra lặng lẽ, còn khi thị trường nhộn nhịp như hiện tại, mức độ của chúng dường như đang loang rộng hơn.

ACB sau thời gian sáu tháng niêm yết trên sàn Hose có thể sẽ được cất nhắc vào rổ VN30, rổ nhóm cổ phiếu tài chính và danh mục của các quỹ giao dịch phỏng theo chỉ số ETF. Đặt trong mối tương quan với các cổ phiếu ngân hàng khác, rõ ràng vẫn còn dư địa cho ACB bứt phá. TCB đang gần 39.000 đồng/cổ phiếu; VPB đã qua mốc 40.000 đồng/cổ phiếu; VIB gần 38.000 đồng/cổ phiếu. Ba ngân hàng VPB, TCB và ACB đang tạo khoảng cách với tốp phía sau và tạo vị thế cách biệt với những tổ chức tín dụng cổ phần còn lại. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới