Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dư âm mùa thi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dư âm mùa thi

BS. Lê Hùng

minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Việc cha mẹ quá kỳ vọng vào việc học hành, thi cử của con cái, bắt các em học quá sức có thể khiến các em rơi vào trạng thái tuyệt vọng, dẫn đến những bệnh lý về tâm thần kinh.

Mùa thi tuyển sinh đã qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn đó. Tôi còn nhớ sau kỳ thi, nhiều phụ huynh đã dẫn con em đến khám bệnh trong trạng thái lo âu căng thẳng, còn các em thì xanh xao, gầy mòn.

Trước kỳ thi các em đã ốm yếu xanh xao, gần kỳ thi lại xanh xao hơn, sau khi thi một số em hớn hở còn một số lại u buồn và chán nản do làm bài thi không được. Cuối cùng, khi các trường đã công bố điểm chuẩn, những thí sinh bị rớt, không vào được đại học hay phải vào bằng nguyện vọng 2 hoặc 3 lại buồn hơn nữa; thậm chí có em rơi vào trạng thái tuyệt vọng, đi ra đi vào trong nhà như một cái bóng vô hồn. Nếu không được khuyên bảo, chăm sóc, tư vấn hoặc điều trị kịp thời, những em này sẽ bị rơi vào vòng xoáy bệnh lý, đặc biệt là những bệnh tâm thần kinh như suy nhược thần kinh, trầm cảm, hưng trầm cảm…

Tại sao chuyện thi cử, chuyện thi hỏng đại học khiến một số thí sinh phải buồn đến mức chán chường tuyệt vọng, có nguy cơ dẫn đến việc tự tử?! Chúng ta hãy lắng lòng và nhìn lại xem mình đã đối xử hợp lý và công bằng với con em, với những thí sinh hay chưa.

Đối với phụ huynh, sống trong một xã hội mà mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con, sự kỳ vọng của cha mẹ về tương lai của các con rất lớn. Điều đầu tiên là cha mẹ luôn muốn con mình không thua kém người khác, xem con mình như một món đồ trang sức; để đi đâu cũng có thể khoe rằng con mình học giỏi, con mình thi vào những trường danh tiếng hoặc “trả hận” về những gì bản thân mình đã không làm được trước kia… Điều này tạo nên một áp lực rất lớn cho các em, vì để đậu vào những trường này phải học thật giỏi.

Bên cạnh đó, muốn thi vào những ngành này, các em phải có niềm đam mê thật sự thì học mới giỏi, mới thành công khi ra trường. Nếu các em ham thích, đam mê một chuyên ngành khác thì việc phải học để thi vào những ngành mà mình không thích là một sự tra tấn. Các em thường không học nổi, không đủ điểm để đậu, thế rồi mang nỗi thất vọng ê chề cho mình, cho cha mẹ, người thân.

Có những trường hợp có sự ảo tưởng về việc học giỏi của chính bản thân các em và cha mẹ. Bởi hiện nay các trường đều chạy theo thành tích, trường nào cũng thi để xếp lớp, cũng có những lớp chuyên, lớp chọn nhưng không thực chất. Do đó khi học sinh được xếp loại giỏi nhưng không giỏi thật sự, lại nghĩ rằng mình giỏi và có thể thi vào những trường đại học có điểm chuẩn cao. Khi không đủ điểm trúng tuyển, những em này sẽ rơi vào trạng thái buồn rầu thất vọng. Nếu các em tự lượng sức mình để thi vào những trường vừa với khả năng, mọi chuyện có thể sẽ tốt đẹp hơn.

Khuynh hướng của hầu hết các gia đình hiện nay là không chấp nhận chuyện thi rớt đại học, xem đó là dấu chấm hết. Đó là quan niệm sai lầm. Nếu không đậu đại học, các em có thể thi vào cao đẳng, vì bậc học này hiện nay có thể học liên thông lên đại học một cách dễ dàng. Các em cũng có thể đi học nghề. Học nghề để trở thành một công nhân giỏi cũng có thể đảm bảo cuộc sống tốt đẹp.

Có những thí sinh nhà nghèo, phải lao động vất vả, bán cá, bán chuối chiên… đã trở thành những thủ khoa, á khoa của những trường danh tiếng như một lời giải thích cho việc đi thi đại học không có áp lực. Bởi vì đối với những thí sinh này (dĩ nhiên phải học giỏi), “chỉ tiêu” khi đi thi là chỉ cần vào được đại học là đã thỏa nguyện. Với những áp lực như đã nói ở trên, cộng với chương trình học rất nặng nề, đôi khi bất hợp lý, như trước kỳ thi phổ thông trung học, nhiều trường bắt các em thi thử nhiều lần trong lớp, sau đó là một kỳ thi thử chung toàn trường, rồi đến kỳ thi chính thức với rất nhiều môn phải học bài… nếu các em không biết cách học, cách phân chia thời khóa biểu học hợp lý thì sẽ không thể học hết các môn thi.

Đặc biệt, đối với các em có sức học không tốt, lại thêm sức khỏe kém mà phải vừa học ở nhà, học ở trường, vừa đi học thêm ở các trung tâm… thì không thể chịu nổi, bệnh tật tất yếu sẽ xảy đến. Khi bệnh tật xuất hiện sẽ làm cho các em đã lo lắng lại càng lo lắng thêm, nên sức khỏe dễ dàng suy sụp với nhiều triệu chứng như nhức đầu, mất ngủ, lo âu, căng thẳng, chán ăn, đôi khi có cảm giác đầu óc trống rỗng, không thể học thêm gì được, chán chường mọi thứ dù kỳ thi gần kề. Những trường hợp này cần phải có chế độ điều trị thích hợp và sự động viên của gia đình, giúp các em ngủ, nghỉ, thư giãn và học một cách hợp lý.

Khi các em đã có những biểu hiện sức khỏe bị suy sụp, nhưng nếu cha mẹ, thầy cô vì lo sợ các em không thi đậu nên luôn theo dõi bắt các em phải thức đêm để học; không cho nghỉ ngơi thư giãn vì sợ học không hết bài, gây áp lực, hù dọa các em… thì sẽ đẩy các em vào bước đường cùng. Các em sẽ cảm thấy cô đơn, sợ hãi và bất lực vì thấy mình không còn sức để học.

Và hệ quả là thi hỏng sẽ trở thành một stress quá lớn trên những cơ thể mà sức lực đã cạn kiệt như vậy nên sự thất vọng sẽ biến thành tuyệt vọng. Các em sẽ rơi vào trạng thái suy nhược sức khỏe, suy nhược thần kinh, trầm cảm… nặng nề và đôi khi chúng ta sẽ không thể lường trước được những phản ứng nông nổi dại dột của các em, để lại sự ân hận suốt đời cho cha mẹ.

Vì thế cha mẹ, người thân và thầy cô không được tạo áp lực thi cử mà phải là những người đồng hành, hỗ trợ, thương yêu và động viên các em trong suốt thời gian trước, trong, và sau kỳ thi đại học cho dù kết quả thi cử có như thế nào đi nữa thì mới tránh được những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới