Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự án bệnh viện 70 triệu đô la: chưa hề có giấy phép!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự án bệnh viện 70 triệu đô la: chưa hề có giấy phép!

Tu sĩ Thích Minh Tâm trả lời chất vấn của TBKTSG Online, trưa 25-2. 

(TBKTSG Online) – Cuối tuần qua (hôm 21-2), một dự án mang tên khu y tế công nghệ cao đã được tổ chức lễ động thổ khá rầm rộ tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Nhưng ngay sau đó, các cơ quan quản lý đã phát hiện dự án này chưa được cấp giấy phép.

Dự án do tập đoàn Quản lý bệnh viện nhân đạo Hải Thượng Y Viện làm chủ đầu tư với 100% vốn nước ngoài. Theo tài liệu do tập đoàn này cung cấp cho báo chí thì khu y tế công nghệ cao nói trên sẽ được xây dựng trên diện tích 19,5 héc ta, vốn đầu tư giai đoạn 1 (2009-2012) là 70 triệu đô la Mỹ; quy mô 600 giường bệnh, trong đó có 400 giường bệnh miễn phí cho người nghèo.

Theo lời quảng bá của chủ đầu tư: “Đây là mô hình quản lý y tế cao cấp. Phương pháp khám chữa bệnh mới nhất trên thế giới như việc theo dõi bệnh nhân, hội chẩn với các chuyên gia hàng đầu thế giới, cung cấp bệnh án qua hệ thống internet. Đội ngũ bác sĩ khoảng 900 người là những chuyên gia đầu ngành đã trải qua nhiều năm công tác tại các bệnh viện lớn trên thế giới…”.

Dự án vẫn còn trên… giấy

Sáng thứ Hai (23-2), để kiểm tra lại thông tin về việc dự án chưa được các cơ quan chức năng cấp phép, phóng viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã liên lạc với đại diện cơ quan quản lý cũng như cơ quan chuyên môn. 

Theo PSG-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, sở chưa bao giờ tiếp xúc với những người triển khai dự án bệnh viện nhân đạo cho nên rất bất ngờ khi được nhận giấy mời. Bà Lan cho biết đã cử một cán bộ cấp trưởng phòng đến dự lễ động thổ để ghi nhận lại tình hình.

Về phía Sở Kế hoạch- Đầu tư TPHCM cũng khẳng định là chưa bao giờ cấp phép cho dự án Khu y tế công nghệ cao Hải Thượng Y Viện này.  

Liên lạc với bác sĩ Trương Thìn, Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, Giám đốc Trung tâm Y học cổ truyền hiện đại, ông  cho biết chưa hề tiếp xúc với những người sáng lập Hải Thượng Y Viện. “Lẽ ra họ (tập đoàn Quản lý bệnh viện nhân đạo Hải Thượng Y Viện) phải liên lạc với chúng tôi trước khi tổ chức lễ động thổ dự án để được tư vấn về công tác chuyên môn vì hoạt động của họ có liên quan đến y học cổ truyền”, bác sĩ Trương Thìn nói.

Phóng viên cũng đã tiếp xúc trở lại với những người đại diện chủ đầu tư của dự án. Trưa 25-2, tại một quán cà phê nằm ở khu vực trung tâm thành phố, tu sĩ Thích Minh Tâm, thế danh Nguyễn Thiếu Văn (Tu viện Hoa Nghiêm – HwaYen Buddhist Institute, Sydney, Úc), một trong ba thành viên sáng lập dự án Khu y tế công nghệ cao Hải Thượng Y Viện, cũng là người chịu trách nhiệm vận động tài chính và đối ngoại đã trả lời các câu hỏi của báo giới về dự án.

Vị tu sĩ này thừa nhận, đến nay dự án vẫn chưa được cấp phép.

Cũng trong thời gian qua, trong quá trình đi vận động các đối tác, giới chuyên môn, trí thức tham gia vào dự án, tu sĩ Thích Minh Tâm đã được khá nhiều người ủng hộ và sẵn sàng đóng góp vật chất, tinh thần. Tuy nhiên một điều khá bất ngờ là hầu hết mọi người đều chưa từng được xem qua một văn bản nào mang tính pháp lý do các cơ quan quản lý ở Việt Nam cấp cho cái được gọi là dự án Hải Thượng Y Viện.

Một tài liệu được tu sĩ Thích Minh Tâm sử dụng nhiều nhất trong quá trình quảng bá dự án, đó là công văn đồng ý việc xin thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài do Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Nguyễn Quang Ân ký ngày 26-10-2007.

Theo tinh thần của công văn, Bộ Y tế ủng hộ chủ trương của Ban chuẩn bị thành lập Bệnh viện quốc tế công nghệ cao Hải Thượng Y Viện phù hợp với chủ trương xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình y tế nhà nước. Đồng thời, công văn còn lưu ý bệnh viện này chỉ được phép hoạt động khi đã được thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám chữa bệnh thuộc quy định của pháp luật Việt Nam và chủ đầu tư phải thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam về đầu tư xây dựng cơ bản.

Động thổ để đối phó, thực sự chưa có đất xây

Trong một diễn tiến khác của sự việc, chiều 25-2, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online  đã gặp bà Nguyễn Thị Hồng, phụ trách đối nội dự án Khu y tế công nghệ cao Hải Thượng Y Viện, tại địa chỉ được gọi là Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Chiến lược phát triển đô thị ở quận 4. Nơi làm việc của bà Hồng là tầng hai của một công ty kinh doanh địa ốc và không hề có tấm bảng nào ghi rằng đây là văn phòng hoạt động của viện. Trong phòng làm việc khá ngổn ngang và bề bộn giấy tờ, vẻ mặt bà Hồng khá mệt mỏi vì liên tục nhận điện thoại của phóng viên các báo đài.

Tại đây, bà Hồng lại đưa cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online một danh thiếp khác in chức danh Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Chiến lược phát triển đô thị, địa chỉ tại 17 Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3 và kèm theo lời giải thích: “Quận 4 chỉ là văn phòng làm việc tạm, mọi giấy tờ liên quan đến dự án để hết ở quận 3 rồi!”.

Từ các câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online , bà Hồng mới tiết lộ bà tham gia vào dự án với tư cách là tư vấn, thiết kế cho dự án. “Mấy năm nay, chúng tôi chạy khắp nơi nhưng có ai cấp đất đâu mà xây bệnh viện. Khu đất ở huyện Bình Chánh là của một đơn vị khác được chúng tôi mượn làm lễ thôi. Hiện nay dự án đang được chuyển sang tìm vị trí khác ở quận 2 để xây bệnh viện và cũng chưa biết là ở đâu”, bà Hồng nói.

Tuy nhiên khi Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đề nghị được xem tất cả giấy tờ liên quan đến các dự án ở huyện Bình Chánh và ở quận 2 như tu sĩ Thích Minh Tâm đã đề cập, bà Hồng lại không đưa ra được bất cứ tài liệu, văn bản nào chính thức có giá trị về mặt pháp lý do các cấp quản lý thành phố cấp.

Mặt khác, bà Hồng cũng thừa nhận buổi lễ động thổ Hải Thượng Y Viện chỉ là hình thức để kích hoạt dự án để các nhà đầu tư nước ngoài không rút các cam kết tài trợ tài chính.

Trả lời qua điện thoại với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online  tối 25-2, PSG-TS Phạm Khánh Phong Lan, cho biết bà Hồng hứa với Sở Y tế TPHCM là thứ Ba tuần sau (3-3) sẽ nộp cho sở tất cả các tài liệu liên quan đến dự án.

“Quan điểm của sở là khuyến khích những cá nhân đầu tư vào các dự án bệnh viện từ thiện. Tuy nhiên đối với dự án Hải Thượng Y Viện, nếu những người có trách nhiệm vô tình làm sai quy trình thì sở hoặc các cấp liên quan sẽ hỗ trợ, tư vấn cho họ đi đúng lộ trình; trường hợp họ cố tình làm sai nguyên tắc, các cơ quan thẩm quyền sẽ điều tra, xử lý”, bà Lan nói.

UYÊN VIỄN

Liên quan đến tính pháp lý của dự án Khu y tế kỹ thuật cao Hải Thượng Y Viện , Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn tu sĩ Thích Minh Tâm – người chịu trách nhiệm vận động tài chính cho dự án.

TBKTSG Online: Tại sao dự án Hải Thượng Y Viện chưa được cấp phép nhưng ban tổ chức lại làm lễ khởi công rất rầm rộ?

– Tu sĩ Thích Minh Tâm: Đó là lỗi của chúng tôi. Theo tôi đó chỉ là buổi lễ ra mắt dự án, mà đã là lễ ra mắt thì tổ chức ở nơi nào cũng được!  

TBKTSG Online: Lỗi ở đây nên hiểu thế nào?

– Tu sĩ Thích Minh Tâm: Lỗi thứ nhất, không công bố đầy đủ thông tin về dự án cũng như các giấy tờ liên quan nên gây ra sự hiểu nhầm trong dư luận và các cơ quan báo chí. Lỗi thứ hai, sự khác biệt về quan niệm của một lễ khởi công. Theo suy nghĩ của tôi (Việt kiều Úc – PV), người Việt có quan niệm lễ động thổ ở đâu thì xây dựng công trình ở đó, trong khi đó ở các nước phương Tây thì lễ động thổ có thể diễn ra ở nơi này nhưng nơi xây dựng là một chỗ khác!?  

TBKTSG Online: Khi nào thì chủ đầu tư cung cấp đầy đủ tất cả thông tin liên quan đến dự án Hải Thượng Y Viện?

– Tu sĩ Thích Minh Tâm: Nếu có điều kiện thì trong tuần sau chúng tôi sẽ tổ chức gặp gỡ với báo giới tại một quán cà phê nào đó ở TPHCM.  Trường hợp khác, chúng tôi sẽ gửi tất cả tài liệu từ A đến Z để báo chí tiện nắm bắt thông tin.  

TBKTSG Online: Đến thời điểm này tập đoàn Quản lý bệnh viện nhân đạo Hải Thượng Y Viện có các chức danh cụ thể chưa?

Tu sĩ Thích Minh Tâm: Chưa có! Khi nào các nhà tài trợ chuyển khoản, chúng tôi mới ra mắt thành phần nhân sự. Hơn hai năm qua, chúng tôi đã vận động các nhà đầu tư nước ngoài tài trợ khoảng 70 triệu đô la Mỹ cho dự án, do họ chờ lâu không thấy dự án khởi công nên đòi rút lại các cam kết đầu tư.

Chính vì thế, chúng tôi buộc phải làm lễ công bố dự án dưới hình thức động thổ để họ thấy dự án đã rục rịch bắt đầu, yên tâm chuyển khoản cho dự án. Khi có tiền (mở tài khoản cho dự án – PV) chúng tôi mới triển khai những bước tiếp theo: lập đồ án, bản vẽ, quy hoạch chi tiết, tuyển dụng đào tạo bác sĩ, thuê công ty kiểm toán công bố tài chính thu chi…  

TBKTSG Online: Vì sao ông lại quen biết và tín nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng để giao mảng đối nội cho dự án?

Tu sĩ Thích Minh Tâm: Trong quá trình đi tìm đất để xây Hải Thượng Y Viện, khoảng 7-8 tháng trước thông qua một người quen tôi đã gặp cô Hồng (bà Nguyễn Thị Hồng – PV). Thấy cô Hồng cũng có tâm làm việc thiện nên tôi đã giao cho cô ta phụ trách mảng đối nội, lo tất cả thủ tục pháp lý. Ngoài khu đất ở huyện Bình Chánh (điều trị bệnh nhân các tỉnh miền Tây – PV), cô Hồng còn giới thiệu cho tôi biết còn một khu đất khác ở quận 2 (điều trị bệnh nhân các tỉnh miền Đông Nam bộ- PV) đã được một phó chủ tịch UBND TPHCM phê duyệt.

UYÊN VIỄN thực hiện 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới