Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự án BOT đường bộ đầu tiên bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự án BOT đường bộ đầu tiên bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại

Lan Nhi

Dự án BOT đường bộ đầu tiên bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại
Dự án BOT Nam Cầu Giẽ đã có 20% vốn của nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Công ty cổ phần FECON đã bán 20% số cổ phần của mình tại dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý cho hai đối tác Nhật Bản là NEXCO và JEXWAY. Đây là dự án BOT đầu tiên mà một doanh nghiệp Việt Nam chính thức bán lại cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản đang diễn ra, hôm 5-6. Công ty cổ phần FECON đã ký hợp đồng bán 20% trong tổng số 40% cổ phần doanh nghiệp này đang nắm tại dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) tuyến tránh thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Giá trị của đợt chuyển nhượng này không được công bố. Tuy nhiên, đây là dự án đầu tiên chính thức bán được cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, sau nhiều cam kết của doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài khác ở nhiều dự án BOT song đến nay chưa hoàn tất.

Phía Công ty đường cao tốc quốc tế Nhật Bản (JEXWAY) nhận chuyển nhượng 3,92 triệu cổ phần, tương ứng 14% vốn điều lệ và Công ty đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (NEXCO) nhận chuyển nhượng 1,68 triệu cổ phần, tương ứng 6%.

Dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý được khởi công năm 2014 và hoàn thành năm 2016, chính thức thu phí từ cuối tháng 11-2016. Với tổng mức đầu tư 2.046 tỉ đồng, dự án có chiều dài hơn 43 km, do liên doanh FECON (40%), COTECCONS (35%) và CIENCO 1 (25%) là chủ đầu tư.

Đây là dự án có mức thu phí thấp nhất trong các dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 1 với mức thu thấp hơn 30%. Đối với xe dưới 12 chỗ, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng qua trạm Nam Cầu Giẽ này là 25.000 đồng/vé/lượt.

Ngoài việc mua 20% cổ phần, NEXCO và JEXWAY còn tham gia vào việc quản lý và vận hành dự án, đồng thời áp dụng các kinh nghiệm và công nghệ quản lý của Nhật Bản vào đây. Sau đó, NEXCO và JEXWAY cùng hợp tác với FECON chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và năng lực quản lý của Nhật tại các dự án hạ tầng giao thông khác.

Trước FECON, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cũng từng ký hợp đồng ghi nhớ, bán 70% số cổ phần tại dự án BOT đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho nhóm đối tác đến từ Ấn Độ. Tuy nhiên, sau lễ ký từ năm 2014 đến nay các bên chưa có hợp đồng mua bán chính thức số cổ phần này.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Chính phủ đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào mua bán, thực hiện các dự án BOT giao thông tại Việt Nam. Từ năm 2007, bộ đã cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai thí điểm dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2012, Thủ tướng phê duyệt cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện dự án nhưng đến nay chưa thể triển khai. Một nguyên nhân cơ bản là các bộ ngành mất rất nhiều thời gian nhưng không thống nhất được cơ chế phân bổ rủi ro theo thông lệ quốc tế.

Bộ GTVT cũng đã thông báo mời thầu sơ tuyển các nhà đầu tư quốc tế dự án xây dựng đường vành đai 3 TPHCM, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, với cơ chế, chính sách phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Theo đánh giá của Bộ GTVT, đây là dự án hấp dẫn nhưng các nhà đầu tư quốc tế sau khi nghiên cứu hồ sơ sơ tuyển đã không tham gia do cơ chế phân bổ rủi ro hiện không hợp lý (lợi nhuận thấp, nhà đầu tư phải chịu kinh phí giải phóng mặt bằng, rủi do doanh thu không được bảo lãnh…). Do vậy, họ bắt đầu hướng tới việc mua bán sáp nhập các dự án BOT mà nhà đầu tư trong nước đã vận hành, khai thác.

Mời xem thêm:

Ký hợp đồng bán cổ phần dự án đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới