Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự án chậm tiến độ, vốn tăng cao, kẹt xe kéo dài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự án chậm tiến độ, vốn tăng cao, kẹt xe kéo dài

Lê Anh

Dự án chậm tiến độ, vốn tăng cao, kẹt xe kéo dài
Do dự án cầu đường Bình Triệu 2 chậm tiến độ nên hệ quả là thường xuyên xảy ra kẹt xe ở khu vực cầu Bình Triệu – Ảnh: Anh Quân

(TBKTSG Online) – Nhiều dự án giao thông tại TPHCM đã và đang chậm tiến độ nhiều năm. Hệ quả kéo theo của việc chậm tiến độ là tổng mức đầu tư của dự án tăng và không giúp giải quyết được kẹt xe tại một số khu vực tại thành phố.

Metro ì ạch

Mới đây, dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) lại có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ khi TPHCM chưa được bố trí vốn ODA cho dự án, dẫn đến thành phố nợ nhà thầu hơn 1.300 tỉ đồng và nguy cơ nhà thầu tạm dừng thi công dự án là rất lớn.

Dự án metro số 1 đã được nghiên cứu từ năm 2001, đến năm 2012 mới chính thức khởi công sau nhiều năm chậm tiến độ và thời hạn hoàn thành được đưa ra là năm 2020.

Hệ quả của việc chậm tiến độ ở tuyến metro số 1 là tổng mức đầu tư tăng từ hơn 1 tỉ đô la Mỹ lên 2,49 tỉ đô la. Với những diễn biến gần đây về việc bố trí vốn cho dự án thì khả năng dự án tiếp tục chậm tiến độ là rất lớn.

Một tuyến metro khác cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu là tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương). Theo tiến độ dự kiến trước đây, tuyến metro số 2 sẽ hoàn thành và khai thác vào năm 2018. Sau đó dự án phải điều chỉnh thiết kế và tiến độ đưa ra là năm 2019. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể khởi công do điều chỉnh thiết kế và tổng mức đầu tư.

Dự án này cũng có nguy cơ tăng tổng mức đầu tư từ 1,3 tỉ đô la Mỹ lên 2,1 tỉ đô la do trượt giá và tăng khối lượng trong các hạng mục thiết kế.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, đến nay tiến độ dự án đã bị chậm. Nếu trong năm 2017 giải phóng được mặt bằng, thì thời gian thi công phải mất 4,5-5 năm. Như vậy, nếu có mặt bằng trong năm nay thì phải đến năm 2023 hoặc năm 2024 thì tuyến metro số 2 mới hoàn thành.

Đường bộ chậm 5-10 năm

Không chỉ các tuyến đường sắt đô thị chậm tiến độ, các dự án đường bộ cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Trong số các dự án chậm tiến độ thì dự án cầu, đường Bình Triệu 2 là dự án chậm tiến độ nhiều nhất. Dự án này mặc dù đã xây xong cầu Bình Triệu 2 nhưng việc mở rộng đường hai đầu cầu và xây dựng một số nút giao vẫn bị tắc lại từ năm 2004 đến nay do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 không đủ vốn để thực hiện tiếp.

Trước đây, dự án có tổng mức đầu tư 341 tỉ đồng, sau đó do điều chỉnh việc mở rộng quốc lộ 13 nên tổng mức đầu tư tăng lên 1.600 tỉ đồng và đến nay tổng mức đầu tư tạm tính đã lên đến gần 2.000 tỉ đồng.

Dự án cầu đường Bình Triệu 2, hiện tại đã được chính quyền thành phố chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) làm chủ đầu tư thực hiện dự án này. Dự án được chia thành 3 tiểu dự án, gồm cầu Ông Dầu (quận Thủ Đức); nút giao Ngã năm Đài liệt sĩ (gần Bến xe miền Đông, quận Bình Thạnh) và nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh). Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thi công được.

Một dự án quan trọng khác ở cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố là dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội đến nay cũng chậm tiến độ. Dự án được khởi công từ tháng 4-2010 do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, toàn bộ dự án nâng cấp và mở rộng Xa lộ Hà Nội hoàn thành vào năm 2013, tuy nhiên do vướng giải phóng mặt bằng nên đến nay công trình này vẫn chưa thể hoàn thành.

Ở khu vực phía Tây Nam của thành phố, dự án cầu Bình Tiên băng qua đại lộ Đông Tây và kênh Tàu Hủ cũng chậm tiến độ nhiều năm. Năm 2011, chính quyền TPHCM đã phê duyệt dự án xây cầu, đường Bình Tiên, với tổng mức đầu tư gần 2.400 tỉ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng công trình). Theo kế hoạch, dự án cầu đường Bình Tiên khởi công năm 2011 và hoàn thành năm 2014.

Tuy nhiên, do khó khăn trong việc bố trí vốn ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án và tạo quỹ đất sạch để thanh toán cho nhà đầu tư nên dự án chưa thể khởi công theo kế hoạch. Sau 6 năm trễ hẹn, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 3.500 tỉ đồng, và đến nay vẫn chưa khởi công được.

Đối với đường sắt, dự án cầu đường sắt Bình Lợi đến nay cũng đã chậm tiến độ so với kế hoạch. Dự án này đã động thổ ngày 28-4-2015 và dự kiến hoàn thành sau 16 tháng thi công. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm dự án mới thi công được một phần ở hai đầu cầu.

Ngoài các dự án nêu trên, một số dự án như mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý thuộc địa bàn quận Tân Bình, Tân Phú, một số đoạn của dự án đường vành đai 2, đường D3 dẫn vào cảng Hiệp Phước cũng bị chậm tiến độ.

Việc chậm tiến độ của nhiều dự án giao thông kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó đáng ngại nhất là tổng mức đầu tư của dự án tăng cao và quan trọng hơn là người dân vẫn phải chịu cảnh kẹt xe do dự án chậm đưa vào sử dụng.

Mời xem thêm:

>> TPHCM: Nhiều dự án giao thông chậm tiến độ

>> Tiến độ dự án giao thông trọng điểm vẫn chậm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới