Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự án địa ốc đình trệ nhiều năm sẽ ‘sống lại’ nhờ được giao đất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự án địa ốc đình trệ nhiều năm sẽ ‘sống lại’ nhờ được giao đất

Lê Anh

(TBKTSG Online) – Các dự án bất động sản bị ách tắc trong khoảng thời gian trên dưới 10 năm qua tại TPHCM sẽ có cơ hội “sống lại” khi việc giao đất được thực hiện sau khi dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (theo Nghị định 25/2020).

Dự án địa ốc đình trệ nhiều năm sẽ 'sống lại' nhờ được giao đất
Các dự án đình trệ nhiều năm sẽ khởi động trở lại khi được giao đất. Trong ảnh là một khu đô thị đang xây dựng ở quận 9, TPHCM. Ảnh: Lê Anh

Tại TPHCM có khá nhiều dự án bất động sản bị ách tắc nhiều năm mà chưa được giao đất để nhà đầu tư xây dựng. Điển hình như trường hợp của Công ty cổ phần Địa ốc Thảo Điền làm dự án nhà ở xã hội Nam Lý tại phường Phước Bình, quận 9 phải mất 6 năm để hoàn thành tất cả các thủ tục theo yêu cầu của cơ qua chức năng.

Tuy nhiên, khi làm xong thủ tục đến nay đã gần 10 năm, doanh nghiệp vẫn chưa được giao đất. Mới đây, Công ty cổ phần Địa ốc Thảo Điền đã có văn bản kiến nghị chính quyền TPHCM xem xét giải quyết cho doanh nghiệp được giao đất. Trong trường hợp không thể giải quyết được, thời gian đã quá lâu (gần 10 năm) thì chính quyền có văn bản trả lời để doanh nghiệp biết có thể tiếp tục hay ngưng triển khai dự án.  

Tương tự là dự án Khu nhà ở Him Lam, phường Phước Bình, quận 9, của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh Địa ốc Him Lam làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích 2,16 héc ta đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010.

Hiện nay, dự án khu nhà ở Him Lam vẫn chưa được giao đất để doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho người mua.

Đối với dự án nhà đầu tư đã trúng thầu trải qua 16 năm mà vẫn chưa được giao nhất. Điển hình nhất là trường hợp của Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long đã trúng đấu giá đất từ năm 2004 bao gồm 14 khu đất có diện tích 44,49 héc ta tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè để thực hiện dự án Dragon City.

Doanh nghiệp này đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá, hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với 14 khu đất theo đúng quy định và đã được chính quyền TPHCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án. Tuy nhiên đến nay, tại phân khu số 15 của dự án Dragon City, vẫn còn tồn tại một (01) căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay doanh nghiệp không thể triển khai dự án.

Việc chậm giao đất của chính quyền đã khiến nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng khi dự án ách tắc, lãi vay ngân hàng doanh nghiệp phải gánh. Trong buổi gặp với lãnh đạo TPHCM hồi tháng 2-2020, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cho biết, doanh nghiệp có sáu dự án đang bị ách tắc.

Trong đó, dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè có diện tích 91 héc ta, đã được chính quyền TPHCM chấp thuận đầu tư từ năm 2017 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án cũng đã được phê duyệt từ tháng 4-2017.

Bà Loan cho biết,  thời gian qua, doanh nghiệp đã nhiều lần gửi văn bản đến Sở Tài nguyên và Môi trường xin giao đất. Tuy nhiên, từ sự bất cập của các chính sách mà doanh nghiệp mất hơn 3 năm chưa làm xong thủ tục. Công ty bị thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh.

Việc chính quyền TPHCM chưa giao đất cho nhà đầu tư vì những vướng mắc về pháp lý, đặc biệt là sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Đấu thầu. Đây được coi là điểm nghẽn lớn nhất chưa được tháo gỡ khiến nhiều dự án bất động sản không xây dựng được.

Tuy nhiên, khi Nghị định 25/2020 có hiệu lực từ ngày 20-4-2020 với quy định  giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu ngay sau khi hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ giúp nhiều dự án đinh trệ được "hồi sinh".

Đặc biệt, là các dự án đã hoàn thành thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng chưa xây dựng do chưa được nhà nước giao đất sẽ được tái khởi động. Điều này sẽ tạo đà cho sự phát triển của thị trường bất động sản hiện đang suy giảm nghiêm trọng nguồn cung.

Mời xem thêm:

TPHCM đã thu hồi 209 dự án bất động sản

Dù đã sửa quy định giao đất, nhà đầu tư vẫn lo ngại

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới