Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự án điện hạt nhân Hinkley Point và quan hệ Anh-TQ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự án điện hạt nhân Hinkley Point và quan hệ Anh-TQ

Phúc Minh

Dự án điện hạt nhân Hinkley Point và quan hệ Anh-TQ
Dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point. Ảnh: FTChinese

(TBKTSG Online) – Trong bài viết gửi báo Financial Times ngày 8-8, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục triển khai dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân gây nhiều tranh cãi Hinkley Point.

Ông Lưu cho rằng quan hệ giữa hai nước đang ở "ngã rẽ lịch sử quan trọng" sau khi chính phủ Anh quyết định trì hoãn dự án trị giá 18 tỉ bảng Anh (khoảng 24,5 tỉ đô la Mỹ) mà Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) góp 1/3 vốn. Trung Quốc mong muốn dự án Hinkley Point được thúc đẩy càng sớm càng tốt vì tương lai mối quan hệ song phương Anh – Trung Quốc.

Trong phần ý kiến bình luận trên Financial Times, ông Lưu phác họa ra những gì mà ông tin là những lợi ích của một nhà máy điện hạt nhân mới tại Anh và thế mạnh chuyên môn của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Trong phần kết luận, ông Lưu ca ngợi quan hệ hợp tác thương mại Anh – Trung Quốc nhưng nói thêm: "Nếu sự cởi mở của Anh là điều kiện cho hợp tác song phương thì tin tưởng lẫn nhau phải là nền móng. Ngay bây giờ, mối quan hệ Trung Quốc – Anh đang ở thời điểm lịch sử quan trọng và sự tin tưởng lẫn nhau nên được trân trọng hơn nữa. Tôi hy vọng Anh sẽ tiếp tục mở cửa với Trung Quốc và và đi đến quyết định càng sớm càng tốt để dự án có thể triển khai thuận lợi".

Lo ngại về an ninh

Vào tháng trước, tập đoàn năng lượng EDF (Pháp) – đầu tư phần lớn dự án Hinkley Point tại Anh – quyết định triển khai dự án. Nhưng trong một động thái bất ngờ, chính phủ Anh cho biết muốn rà soát lại dự án này vào đầu mùa thu. Giải thích quyết định bất ngờ này, chính phủ Anh cho hay họ cần thời gian để xem xét lại thỏa thuận.

Trong khi đó, báo chí Anh đưa tin các quan ngại của Thủ tướng May về sự tham gia của Trung Quốc là lý do chính để trì hoãn thỏa thuận này. Theo cựu Bộ trưởng kinh doanh Vince Cable, Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ của bà May, đã dấy lên quan ngại về vấn đề an ninh quốc gia của thỏa thuận nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point. Ông Cable mô tả Thủ tướng May "không hài lòng về cách tiếp cận khá sốt sắng đối với việc đầu tư của Trung Quốc mà chính phủ thời ông Cameron đã thúc đẩy".

Cố vấn lâu năm của bà May, ông Nick Timothy, cũng từng bày tỏ quan ngại về thỏa thuận Hinkley Point. Viết trên trang web của đảng Bảo thủ, ông nói tình báo Anh (MI5) tin rằng việc tham gia vào dự án Hinkley Point sẽ tạo điều kiện cho các tổ tình báo của Trung Quốc tiếp tục hoạt động chống lại lợi ích của Anh không chỉ ở nước ngoài mà cả tại Anh".

Điều chỉnh chính sách với Trung Quốc?

Báo The Guardian (Anh) cho rằng việc chính phủ Anh bất ngờ hoãn việc ký kết thỏa thuận đối với dự án Hinkley Point khiến dư luận không khỏi hoài nghi về "kỷ nguyên vàng" trong mối quan hệ Anh – Trung Quốc, được nhắc đến nhiều sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10-2015. Trong chuyến thăm này của ông Tập, hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác và đầu tư với tổng số vốn lên đến 40 tỉ bảng Anh. Thỏa thuận dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point là điểm đáng chú ý nhất trong chuyến thăm của ông Tập, biểu tượng của "kỷ nguyên vàng" trong mối quan hệ mà 2 chính phủ hy vọng sẽ khởi đầu.

Trung Quốc có hơn 30 nhà máy điện hạt nhân trong nước và gần như hầu hết số nhà máy là tự xây dựng. Xuất khẩu công nghệ hạt nhân được xem là ưu tiên hiện nay của Trung Quốc. Mặc dù đã có khách hàng trong nhóm nước đang phát triển như Pakistan, nhưng với một dự án hạt nhân tại nước phát triển như Anh và chế độ an toàn được quốc tế thừa nhận sẽ giúp Trung Quốc chứng minh năng lực hạt nhân to lớn của nước này.

Giới chức Trung Quốc cho rằng bất cứ quyết định trì hoãn nào đối với Hinkley Point cũng đồng nghĩa với nguy cơ suy giảm vốn đầu tư của Trung Quốc vào thị trường Anh.

Quyết định hoãn dự án Hinkley Point đánh dấu những điều chỉnh về chính sách của chính phủ Anh đối với Trung Quốc. Việc Thủ tướng May biểu thị ít thái độ "sốt sắng" về Trung Quốc cho thấy một cách suy nghĩ khác và dưới thời bà May, có lẽ thế giới sẽ chứng kiến chính sách "nhiều sắc thái hơn" đối với Trung Quốc.

Trước đó, dưới thời Thủ tướng David Cameron, việc Anh tìm cách xích lại gần hơn với Trung Quốc nhằm thu hút vốn đầu tư đã gây thất vọng cho các đồng minh, đặc biệt là Mỹ. Anh đã cho phép công ty Huawei (Trung Quốc) hoạt động dù Mỹ và một số nước phương Tây khác đã cấm Huawei tham gia vào các hệ thống mạng viễn thông quan trọng do những lý do liên quan đến an ninh quốc gia. Hơn nữa, không có nền kinh tế phát triển lớn nào ngoài Anh mời Trung Quốc tham gia một dự án năng lượng hạt nhân.

Thế khó cho chính phủ Anh

Bà May lên làm thủ tướng do những người ủng hộ Brexit – Anh rời Liên minh châu Âu (EU) – chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6 và Anh đang muốn xem xét kỹ mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Nếu Thủ tướng May quay lưng lại với dự án hạt nhân Hinkley Point có thể khiến Trung Quốc giận dữ, gây rắc rối cho mục tiêu của chính phủ mới, theo báo The Guardian.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã đến Bắc Kinh (Trung Quốc) và nêu ra khả năng cho một hiệp định thương mại tự do song phương. Nếu Trung Quốc nổi giận về việc trì hoãn dự án Hinkley Point, hiệp định thương mại tự do song phương này có thể bị đóng băng và chính phủ mới của Anh phải đối diện với làn sóng phản đối từ cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ hiện thực hóa "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc mà cựu Bộ trưởng George Osborne nêu ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới