Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự án điện khí LNG Chân Mây 6 tỉ đô la sẽ vận hành vào năm 2024

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự án điện khí LNG Chân Mây 6 tỉ đô la sẽ vận hành vào năm 2024

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Dự án Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Chân Mây có tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỉ đô la Mỹ sẽ được khởi công xây dựng vào Quí 1- 2021 và vận hành thương mại từ năm 2024 tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án điện khí LNG Chân Mây 6 tỉ đô la sẽ vận hành vào năm 2024
Quy hoạch chung Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và dự án điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có tổng vốn đầu tư 6 tỉ đô la trong tương lai. Ảnh và đồ họa: Nhân Tâm

Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) do Công ty Cổ phần Chân Mây LNG đầu tư và phát triển dự kiến đặt tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, có tổng công suất thiết kế 4.000 MW. Dự án có vốn sở hữu 60% từ các đối tác Mỹ và 40% từ các doanh nghiệp Việt Nam. Dự tính, khi đi vào hoạt động, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỉ kWh.

Nhà máy điện khí LNG Chân Mây được đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bao gồm xây dựng 3 tổ máy với tổng công suất 2.400 MW, dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2024-2026. Giai đoạn 2 bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.600 MW, dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 2026-2028. Sản lượng điện trung bình hằng năm cho 1 tổ máy là 4.800 triệu kWh.

Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của đơn vị tư vấn, dự án dự kiến được đặt ở vị trí hết sức thuận lợi về mặt hạ tầng. Có cảng biển nước sâu Chân Mây được đầu tư 3 bến cảng với độ sâu khoảng 15m và đê chắn sóng dài 450m, kết cấu nền móng vùng nước cảng biển đảm bảo cập tàu 100.000 tấn; nhà máy dự kiến được đặt giữa bến cảng nước sâu và các mạch đường dây 500 kV, trong tổng khoảng cách dưới dưới 10 km.

Các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những dự án có hiệu quả kinh tế, tính khả thi rất cao khi được phép triển khai. Ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chân Mây LNG, chia sẻ hiện công ty đã huy động đủ tài chính, công nghệ, khí và các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đầu tư vào việc thiết kế xây dựng nhà máy. “Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của tỉnh, các đối tác để tiếp tục triển khai một số công việc trong thời gian tới nhằm sớm xây dựng nhà máy tại Huế”, ông Chương nói.

Liên quan đến dự án này, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh đánh giá cao công ty đầu tư và các đối tác trong quá trình tham gia dự án. Tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực môi trường nên các dự án thân thiện với môi trường luôn được ưu tiên, ông Thọ nói và chia sẻ thêm ông đánh giá cao tính khả thi của dự án, nhất là các đối tác của dự án máy điện khí LNG Chân Mây. Đây là những đối tác rất mạnh, có kinh nghiệm trong thực hiện các dự án điện khí. Họ có sự nghiên cứu, đầu tư nghiêm túc ngay trong giai đoạn khởi đầu.

Ông Thọ cũng hy vọng bên cạnh dự án này, các nhà đầu tư có thể nghiên cứu, đầu tư vào Thừa Thiên Huế trên các lĩnh vực thế mạnh khác như cảng biển, logistics trong bối cảnh chuyển dịch đầu tư, nhằm giúp tỉnh phát triển kinh tế – xã hội khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đồng hành với dự án là các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ cho các dự án đầu tư tư nhân của các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài, cùng với đối tác hàng đầu thế giới về tài chính công nghệ, vận hành, cung cấp khí và quản trị doanh nghiệp như U.S.Development Finance Corporation (USDFC), U.S. Asia EDGE, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), U.S. Eximbank, GE Gas Power, Mitsubishi…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới