Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự án tiền “ảo” của Facebook sụp đổ như thế nào

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Giây phút đánh dấu sự kết thúc của dự án đồng tiền mã hóa mà Facebook từng dồn hết công sức theo đuổi có lẽ là vào ngày 24-6-2021. Ngày đó, theo tường thuật của Financial Times, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed), Jay Powell ngồi ăn sáng tại trụ sở Bộ Tài chính Mỹ chỉ để bàn một chuyện duy nhất: Họ có nên bật đèn xanh cho tiền mã hóa mang tên “Diem” của Facebook?

Quan điểm của Powell là sẵn sàng cho phép Facebook cùng một số đối tác thử nghiệm đồng tiền mã hóa này dù ông biết Bộ Tài chính có nhiều quan ngại, nhất là khả năng đồng “Diem” bị biến tướng thành công cụ rửa tiền hay ngược lại, nó quá thành công đến nỗi đe dọa sự thống trị của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế. Nhưng bộ phận tham mưu cho ông bảo “Diem” được thiết kế để tránh những rủi ro này trong khi có thể giúp xây dựng nền tảng cho các đồng tiền mã hóa.

Lúc đó Facebook là kẻ mang nhiều tai tiếng, từ chuyện để lộ thông tin riêng tư của người dùng đến tràn ngập tin giả, thuyết âm mưu. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố ông chưa bao giờ “ưa” Mark Zuckerberg rồi hàng loạt nghị sĩ Mỹ đăng đàn phê phán Facebook và dự án tiền mã hóa của nó. Bà Yellen bảo với Powell bà không theo ông; rằng nếu ông đồng ý thì sau này bà sẽ không lên tiếng bảo vệ cho quyết định của ông đâu. Và thế là coi như xong số phận đồng “Diem” của Facebook; bảy tháng sau đó, Mark Zuckerberg tuyên bố từ bỏ dự án này, cơ sở hạ tầng xây dựng bấy lâu nay bán rẻ cho một ngân hàng lấy 182 triệu đô la, giấc mơ làm ra một đồng tiền “ảo” cho thế giới đa vũ trụ Facebook xem như tan vỡ.

***

Financial Times kể họ bỏ ra nhiều tháng, phỏng vấn chừng 30 nhân vật có liên quan để vẽ lại số phận của đồng tiền mã hóa này. Đầu tiên phải kể đến David Marcus, 48 tuổi, từng là nhân vật thân cận với Zuckerberg, đứng đầu bộ phận xây dựng ứng dụng Messenger. Mùa đông năm 2017, Marcus bỗng nảy sinh ý nghĩ xây dựng một đồng tiền mã hóa sử dụng toàn cầu, gắn nó với hệ sinh thái Facebook, giá trị của đồng tiền này sẽ gắn chặt với đô la Mỹ để tránh biến động giá cả. Cứ nghĩ 2 tỉ người dùng Facebook với 2 tỉ ví tiền, mua đi bán lại trên Facebook thì còn sức mạnh nào sánh nổi.

Có lẽ điều dự án đồng tiền mã hóa của Facebook làm được là đánh động cho giới chính trị gia và những người làm chính sách trong chính phủ Mỹ về đồng tiền mã hóa nói chung và tiền stablecoin nói riêng. Bởi Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký sắc lệnh yêu cầu các cơ quan hữu quan của Mỹ nhanh chóng nghiên cứu để có chính sách thích hợp với tiền mã hóa, kể cả một đồng tiền số quốc gia.

David Marcus là một nhân vật đáng nể, 27 tuổi đã bán công ty khởi nghiệp đầu tiên rồi năm 2011 bán một công ty thanh toán di động cho PayPal lấy 240 triệu đô la. Năm 2014 Facebook mời Marcus về phụ trách bộ phận làm ra Messenger, một ứng dụng sau đó có đến 1,3 tỉ người dùng. Ý tưởng của Marcus được Zuckerburg tán thành, cho phép tiếp tục nghiên cứu. Nay nghĩ lại, có thể thất bại của đồng tiền mã hóa “Diem” có lẽ do nó gắn với tên tuổi Facebook ngay từ đầu; bằng không, nếu “Diem” do bất kỳ một công ty nào khác khai sinh ra, ắt số phận đã khác.

Đầu năm 2018, Marcus thành lập bộ phận nghiên cứu tiền mã hóa, lúc đó được đặt tên Libra. Dự án được che phủ dưới một tấm màn bí mật, rất ít người trong Facebook được phép tiếp cận thông tin. Marcus ngay từ lúc đó cũng hiểu nếu chỉ để một mình Facebook làm chủ dự án sẽ không có được sự đồng thuận của dư luận. Thế là họ lập ra một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Libra trong đó Facebook chỉ là một trong nhiều thành viên sáng lập. Cũng để tránh tiếng, họ cho Libra đặt trụ sở ở Switzerland để có tiếng trung lập. Đến giữa năm 2019 họ tập hợp được 28 công ty làm thành viên sáng lập trong đó có những tên tuổi như Uber, Vodaphone, Spotify, Visa và Mastercard…

Với Facebook, dự án Libra sẽ là một cơ hội trị giá nhiều tỉ đô la nhờ khai thác dữ liệu mua bán bằng đồng tiền mã hóa, người dùng sẽ ở trên Facebook lâu hơn, sẽ có nhiều cửa hàng mua bán hơn trên Facebook, thương mại điện tử sẽ bùng nổ… Chính vì thế Marcus giữ lại cho Facebook quyền xây dựng ví tiền Libra, đặt tên là Calibra. Cũng cùng lúc đó, xì căng đan Cambridge Analytica nổ ra, đâu đâu cũng vang lên tiếng cáo buộc Facebook lạm dụng thông tin người dùng để kinh doanh. Cho nên vào giữa tháng 6-2019 khi Marcus chính thức giới thiệu dự án Libra ra công chúng, ấn tượng của nhiều người là lo ngại: Facebook từng đánh cắp dữ liệu người dùng nay không lẽ để họ đánh cắp ví tiền của chúng ta nữa.

Giới chính trị gia dường như bắt đầu nghiêng về dư luận bất thuận cho Facebook. Tổng thống Mỹ Donald Trump lúc đó viết trên Twitter: “Tôi không phải là người hâm mộ bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác, chúng không phải là tiền, giá trị của chúng rất bấp bênh vì chỉ dựa vào không khí”. Bộ trưởng Tài chính bấy giờ là Steven Mnuchin cũng nói Libra không làm cho ông thấy thoải mái. Tại buổi điều trần trước Ủy ban ngân hàng của Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown phát biểu: “Facebook như một đứa trẻ trên tay cầm hộp diêm. Facebook cứ đốt căn nhà này đến căn nhà khác mà sau mỗi căn cứ nói đó là một kinh nghiệm học hỏi”. Thượng nghị sĩ Martha McSally nói thẳng: “Tôi không tin các bạn. Thay vì dọn dẹp lại nhà cửa, các bạn lại đòi tung ra một mô hình kinh doanh mới”.

Đến cuối năm 2019 những thành viên “sáng lập” Libra bắt đầu suy nghĩ lại. Đầu tiên là PayPal tuyên bố rút lui vì Facebook đã không làm được gì để thuyết phục các cơ quan quản lý. Sau đó lần lượt Visa, Mastercard rồi Stripe và eBay cũng rút tên khỏi dự án sau khi thấy khả năng bị săm soi nhiều hơn nếu cứ tham gia vào Libra. Lợi đâu chưa thấy mà sứt mẻ uy tín vì Libra là đã rõ.

***

Đây là giai đoạn Facebook tìm cách ẩn mình kỹ hơn nữa để cứu vãn dự án Libra. David Marcus bước lui vào hậu trường; tháng 5-2020 Stuart Levey, một cựu quan chức Bộ Tài chính được mời làm Tổng giám đốc Libra và Steve Bunnell một cựu quan chức khác của Bộ Tư pháp được mời làm luật sư chính. Libra được đổi tên thành Diem và ví Calibra nay thành ví Novi. Dự án được thu hẹp quy mô, đồng Diem thay vì được bảo chứng bởi một rổ gồm nhiều ngoại tệ nay chỉ gắn với đô la Mỹ. Nhóm phát triển tập trung xây dựng một hệ thống giám sát để bảo đảm không bỏ sót các hoạt động rửa tiền hay lẩn tránh các lệnh cấm vận.

Lúc này đại dịch Covid-19 làm toàn thế giới như bị tê liệt. Các cuộc hội họp đều thực hiện qua Zoom. Nhóm Levey nghĩ họ đã sẵn sàng bắt đầu thử nghiệm phát hành một lượng nhỏ đồng Diem và ví Novi. Nhưng như thế phải được cơ quan quản lý thị trường tài chính Thụy Sỹ, Finma, cấp phép. Đơn nộp lên, Finma tổ chức họp trực tuyến để lấy ý kiến hơn 20 cơ quan quản lý tài chính khắp thế giới, trong đó phải có ý kiến đồng thuận của Bộ Tài chính Mỹ. Bộ này từ chối bởi chính phủ Biden chỉ vừa nhậm chức, cần có thời gian xem xét dự án.

Levey quyết định di chuyển dự án từ Thụy Sỹ về lại Mỹ và làm việc với ngân hàng Mỹ Silvergate để phát hành đồng Diem nhằm để đồng tiền này nằm dưới sự giám sát trực tiếp của Mỹ chứ không còn là của Thụy Sỹ nữa. Ngày phát hành dự kiến vào 29-6-2021 lại bị đổ vỡ sau ý kiến bất thuận của bà Yellen như đã kể ở đầu bài. Fed thông báo cho Levey biết Chính phủ Mỹ chưa sẵn sàng cho một dự án như thế chừng nào chưa có khung pháp lý cho các đồng tiền stablecoin, nhất là với quy mô cực lớn như Diem.

Chưa biết sự lạnh nhạt của Chính phủ Mỹ đối với đồng Diem là điều tốt hay đã bỏ lỡ một cơ hội cho công nghệ Mỹ dẫn dắt thế giới, nhất là hiện nay các đồng stablecoin khác gắn giá trị với đô la Mỹ đang tung hoành ngang dọc, thu hút hàng ngàn tỉ đô la của thị trường. Chỉ biết những tháng sau đó Facebook nỗ lực trong vô vọng để cứu dự án Diem kể cả trông cậy vào sự hỗ trợ của anh em nhà Winkelvoss, người từng kiện Mark Zuckerberg với cáo buộc anh này đánh cắp ý tưởng làm ra Facebook khi được họ thuê thiết kế một dự án tương tự. Hai anh em này sau khi nhận 65 triệu tiền dàn xếp của Zuckerberg bèn thành lập Gemini, một sàn giao dịch tiền mã hóa. Nước cờ cuối của Facebook là nhờ sàn Gemini phát hành đồng Diem cho họ!

Có lẽ điều dự án đồng tiền mã hóa của Facebook làm được là đánh động cho giới chính trị gia và những người làm chính sách trong Chính phủ Mỹ về đồng tiền mã hóa nói chung và tiền stablecoin nói riêng. Bởi Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký sắc lệnh yêu cầu các cơ quan hữu quan của Mỹ nhanh chóng nghiên cứu để có chính sách thích hợp với tiền mã hóa, kể cả một đồng tiền số quốc gia. Trong khi đó Mark Zuckerberg đang say sưa với một dự án mới: xây dựng một thế giới đa vũ trụ cho Facebook nhưng chưa biết thế giới metaverse này sẽ dùng đồng tiền gì.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới