Thứ Sáu, 24/03/2023, 09:37
28 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Dự án “ treo”, dân lâm cảnh nợ nần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự án “ treo”, dân lâm cảnh nợ nần

Vũ Lê

Một ngôi nhà vừa được xây để chờ quy hoạch đền bù. Ảnh: Vũ Lê.

(TBKTSG) – Gần hai năm nay hàng trăm hộ dân nằm trong khu quy hoạch dự án nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam ở trong tình trạng “sống dở chết dở” vì nợ nần chồng chất.

Dự án nằm trên địa phận hai ấp Phú Thạnh và Phú Đông, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đã được khởi công khá lâu.

Vào giữa tháng 7-2007, đơn vị giải phóng mặt bằng báo là trong khoảng sáu tháng sẽ có kết quả thu hồi đất hay trả lại cho dân nhưng từ đó đến nay vẫn không thấy ai đả động gì.

Không tiến cũng chẳng thể lùi…

Theo con số thống kê của chính quyền ấp Phú Đông, có 163 hộ dân nằm trong khu quy hoạch của nhà máy Giấy Lee & Man (Hồng Kông). Hiện nay đã bồi hoàn cho 63 hộ, còn 100 hộ thì vẫn chờ đợi.

Theo ông Trần Văn Ru Y, Trưởng ấp Phú Đông, đơn vị giải phóng mặt bằng công bố không cho dân trồng cây, xây dựng các công trình phụ nhưng đã gần hai năm nay vẫn không thấy họ nói bỏ hay lấy mà cứ “treo” như vậy khiến cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Quá, một người dân ở ấp Phú Đông, bức xúc: “Người dân chúng tôi ở đây đều sống bằng nghề làm vườn trồng cây ăn trái nhưng từ lúc công bố quy hoạch thì cây trồng cũng không dám bón phân”.

Ông giải thích, nếu bón phân cho vườn cây thì ít nhất cũng tốn vài triệu đồng nhưng lỡ như họ đến lấy bất ngờ thì công sức, tiền bạc coi như đổ sông đổ biển, dù có bồi hoàn người dân vẫn bị thiệt hại nặng.

Ngay như ngôi nhà ông Quá đang ở, trước ngày 20-7-2007 đang cho sửa lại nửa chừng thì đơn vị giải phóng mặt bằng đến công bố thuộc khu quy hoạch nên yêu cầu ngưng sửa nhà. Từ đó đến nay, phần trên ngôi nhà của ông trống trơn, mùa mưa bị tạt nước khiến cuộc sống của gia đình ông rất khó khăn. Ông Quá cũng cho biết thêm, do cuộc sống gặp khó khăn nên nhiều người định vay tiền để tìm cách mưu sinh khác nhưng cũng chẳng được chính quyền đồng ý.

Ngôi nhà ông đang ở cũng từ tiền vay nóng ở bên ngoài, khi có dự án, chính quyền không cho xây tiếp khiến gia đình ông ôm số nợ lên tới 80 triệu đồng. Ba đứa con của ông đang đi học vì không có tiền đóng học phí nên cũng buộc phải nghỉ học. Ông Quá nói trong nghẹn ngào nước mắt: “Tình cảnh như vậy không thể tiến mà cũng chẳng thể lùi, gia đình chúng tôi sống dựa vào cây trái trong vườn quanh năm. Nay cây trái như cam xanh, bưởi, mít, cam… đã chết khô hết gần phân nửa”.

Theo phản ánh của nhiều người dân ở khu vực này, hơn một năm qua ngành chức năng đến từng nhà lập danh sách các loại cây trong vườn và cho giá bồi thường rồi bảo người dân không nên chăm sóc nữa. Nhưng tình trạng như trường hợp của ông Quá cứ kéo dài khiến hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh bế tắc.

Mất cả chì lẫn chài

Ở ấp Phú Đông thời điểm này có rất nhiều cây nhỏ như cam, bưởi, mãng cầu… được trồng san sát hai bên đường cũng như trong các vườn cây ăn trái. Nguyên nhân người dân trồng cây khít nhau như thế là để chờ được đền bù. Như hộ ông Hồ Văn Nghị có vườn cây ăn trái mỗi năm cũng cho thu hoạch cả trăm triệu đồng. Từ khi có quy hoạch nhà máy giấy thì ông Nghị đã cho trồng thêm nhiều cây con khác bên cạnh những cây lớn. Tuy nhiên, do thời gian chờ thu hồi đất quá lâu nên giờ cây trong vườn bắt đầu chết, thu hoạch bị giảm đáng kể.

Hộ ông Võ Văn Công, ông Lê Văn Quỳnh cũng đều nằm trong quy hoạch. Hai hộ này ký hợp đồng với cửa hàng vật liệu xây dựng mua vật liệu về cất nhà và hẹn sáu tháng sau sẽ trả tiền. Mỗi căn nhà cũng khoảng 60-70 triệu đồng, nhưng do quy hoạch bị “treo” nên hiện nay cả hai gia đình đều mất ăn mất ngủ vì ngày nào cửa hàng vật liệu xây dựng cũng đến đòi nợ.

Ông Ru Y xác nhận rằng khi vừa có thông tin quy hoạch, nhiều người dân đã trồng cây để chờ đền bù. Tuy nhiên, dự án tiến không tiến mà lùi chẳng lùi và người dân chỉ biết câm lặng. Ông Ru Y giải thích thêm, sở dĩ chính quyền địa phương không can thiệp vào chuyện trồng cây, cất nhà chờ đền bù là do người dân làm việc này trước khi công bố quy hoạch. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã cưỡng chế sáu căn nhà, trong đó đập ba cái vì chủ hộ xây dựng sau quy hoạch.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Quang, Chủ tịch UBND xã Phú Hữu A, cho biết toàn xã có năm ấp đều nằm trong quy hoạch của các dự án như nhà máy Giấy Lee & Man (96 héc ta), dự án Nam Châu (32,5 héc ta), dự án Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (31,8 héc ta), dự án Đức Huy (15 héc ta), dự án nhà máy nước (18 héc ta). Trước tình hình đó, xã cũng đã thành lập đoàn kiểm tra và thường xuyên vận động bà con không nên trồng cây, cất nhà, làm hàng rào để chờ đền bù. Một số bà con chấp hành nhưng một số khác vẫn làm lén lút vào ban đêm nên xã cũng đành chịu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới