Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự báo 2009, Việt Nam tăng trưởng 6-6,5%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự báo 2009, Việt Nam tăng trưởng 6-6,5%

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát cao cùng những yêu cầu về ổn định kinh tế vĩ mô có thể đưa đến kịch bản tăng trưởng GDP chỉ từ 6 – 6,5% cho năm 2009 – Ảnh minh họa: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), năm nay Việt Nam khó đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch được điều chỉnh là 7%, và tốc độ tăng GDP của năm 2009 cũng sẽ giảm nhẹ, dự báo khoảng 6 – 6,5%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn được đánh giá là khả quan.

Theo TS. Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu hội nhập kinh tế quốc tế của CIEM, hiện kinh tế đã diễn biến tốt hơn khi thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện, cán cân thanh toán trở nên ổn định. Tuy nhiên, tình hình vẫn khá nghiêm trọng khi xét về mức độ bất ổn kinh tế vĩ mô, vì lạm phát còn cao, và lòng tin của người dân cũng như các nhà đầu tư chưa hoàn toàn ổn định.

Tại Diễn đàn kinh tế 2008 về ổn định kinh tế vĩ mô, các thách thức và giải pháp do CIEM và Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) tổ chức ngày 2-10 tại Hà Nội, TS. Thành cho biết, dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay vào khoảng 6,5 – 6,6%, và lạm phát trên dưới 25%.

Mặt khác, ông Thành cũng lưu ý, ngành xây dựng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của khó khăn kinh tế, và có thể mức tăng trưởng của ngành trong năm nay sẽ bằng 0, thậm chí tăng trưởng âm.

Hồi đầu năm, các chuyên gia của CIEM đã lên ba kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2008, trong đó với kịch bản cơ bản, mức tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) sẽ là 7,2% và lạm phát trung bình sẽ là 19,4%. Trong điều kiện kinh tế diễn biến thuận lợi, Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng khả quan 7,6% và giữ lạm phát ở 16,7%. Tuy nhiên, trong trường hợp kém thuận lợi, GDP sẽ chỉ tăng 6,6 – 6,7% và lạm phát đội lên 22,3%.

Ông Võ Trí Thành cho hay, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang nghiêng theo kịch bản thấp nhất. Kết thúc quí 1 năm nay, quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của năm từ 8,5 – 9% xuống 7%.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng nhận định, những khó khăn của năm nay sẽ tiếp diễn trong năm 2009. Mặt khác, những vẫn đề vi mô mới nảy sinh cũng trở nên nặng nề hơn, như an sinh xã hội, việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh.

Dự báo trong năm tới, Việt Nam có mức tăng trưởng từ 6 – 6,5%, lạm phát trong khoảng 12 – 13%, và kinh tế vĩ mô sẽ ổn định hơn hiện nay. “Tôi cho mức tăng trưởng này là không tồi so với khu vực và thế giới”, ông Võ Trí Thành nhận định.

Theo các chuyên gia, trong thời điểm kinh tế vĩ mô có dấu hiệu dần ổn định như hiện nay cũng là lúc việc lựa chọn chính sách rất quan trọng. Cơ quan quản lý đang đứng trước hai lựa chọn là kiềm chế lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các vấn đề xã hội.

Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) – ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, đây là thời điểm cần đảm bảo lòng tin của người dân, nhà đầu tư trong vấn đề điều hành chính sách tiền tệ.

Ông Sơn nói: “Chống lạm phát luôn có sự đánh đổi. Chúng ta cũng cần thận trọng, vì kinh tế thế giới đang có những diễn biến xấu”. Hiện sức ép nới lỏng chính sách tiền tệ đang lớn dần khi các chỉ số kinh tế vĩ mô trở nên ổn định hơn.

Trong khi đó, theo ông Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, gánh nặng kiềm chế lạm phát đang dồn vào chính sách tiền tệ. Dù biện pháp này có hiệu quả nhưng lại đang gây ra khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Thiên cho rằng: “Nên áp dụng đồng bộ các chính sách để chia sẻ gánh nặng sang phía đầu tư công, không thể để khối tư nhân gánh mãi. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng thì nên hỗ trợ”.

Các chuyên gia cho rằng, thách thức đối với nền kinh tế hiện vẫn còn nhiều, như lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, mức độ thắt chặt hay nới lỏng chính sách tiền tệ, áp lực tăng lương. Bên cạnh đó, quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng còn yếu và nợ xấu cũng có thể trở nên nặng nề hơn.

“Những thách thức này nói lên rằng, Việt Nam cần tiếp tục giữ vững kinh tế vĩ mô, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới biến động, suy thoái toàn cầu nghiêm trọng hơn. Đây là thời điểm nhạy cảm, nhưng tôi tin Việt Nam sẽ đủ sức vượt qua”, TS. Võ Trí Thành nhận định.

BẢO MINH  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới