Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dự báo giá nông sản chủ chốt đầu tuần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dự báo giá nông sản chủ chốt đầu tuần

Hải Hà

Việt Nam bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mủ cao su – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Chuyên trang Nông sản Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đưa ra dự báo một số nông sản chủ chốt của Việt Nam được tác giả Hải Hà tổng hợp thông tin từ các hãng tin nước ngoài và tình hình trong nước như sau:

Hạt điều

Giá điều nhân chắc chắn sẽ duy trì ở mức cao hiện nay trong gần và trung hạn, do giá điều thô tăng cao kỷ lục trên thị trường quốc tế, và nguồn cung vẫn khan hiếm, nhất là loại chất lượng cao.

Điều thô đã tăng giá liên tiếp trong 18 tháng qua, và gần đây lên tới mức kỷ lục cao 81.000 Rupee (1.800 đô la)/tấn trên thị trường quốc tế, gấp đôi mức 900 đô la/tấn trong niên vụ 2009/10. Với tình trạng khan hiếm trầm trọng, điều thô tăng giá mạnh hơn cả điều nhân. Hiện giá điều nhân đang ở mức khoảng 475 – 500 Rupee/kg (giao tại nhà máy), thấp hơn khoảng 5% so với mức kỷ lục cao của tháng 12 năm ngoái.

Nguyên nhân do sản lượng điều thô thế giới giảm 25%, trong khi các nước xuất khẩu điều nhân lớn là Việt Nam, Ấn Độ và Brazil đang phát triển mạnh ngành chế biến trong nước nên chuyển dần thành nước nhập khẩu điều thô lớn.

Business Standard dẫn lời cựu chủ tịch Hiệp hội sản xuất điều Karnataka (Ấn Độ) cho biết Brazil chưa bao giờ nhập khẩu điều thô, vậy mà họ rất đang tích cực làm điều này, do sản lượng trong nước giảm. Sản lượng của Brazil thường đạt 300.000 tấn/năm, nhưng năm nay chỉ đạt 200.000 tấn. Nguồn hàng mà Brazil nhắm tới là Tây Phi – nơi thường cung cấp nguyên liệu cho Ấn Độ. Kết quả là ngành chế biến điều của Ấn Độ chức chắn sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn điều thô trong năm nay.

Vụ mùa điều thô của Ấn Độ năm nay kém. Mưa bất thường hồi tháng 12 năm ngoái không chỉ làm cho vụ thu hoạch này bị chậm lại, mà còn khiến sản lượng giảm xuống chỉ khoảng 500.000 tấn, tương đương 85% năm ngoái.

Xuất khẩu điều nhân Ấn Độ năm nay dự kiến sẽ chỉ đạt 100.000 tấn, so với 108.120 tấn vụ 2009/2010, mặc dù trị giá dự kiến sẽ tăng khoảng 10% lên 32 tỉ Rupee.

Bờ Biển Ngà – nơi cung cấp khoảng 400.000 tấn điều thô mỗi năm đang có năng suất điều giảm và tỷ lệ điều loại 1 cũng giảm.

Mặc dù sản xuất trong nước đạt 350.000 tấn điều thô, Việt Nam vẫn cần mua thêm trên 150.000 tấn hoặc nhiều hơn nữa trong năm nay mới đủ nguyên liệu cho ngành chế biến.

Hạt tiêu

Thị trường hạt tiêu đang biến động mạnh. Triển vọng thị trường sẽ chưa có định hướng rõ ràng trong vài phiên giao dịch tới. Nhu cầu lúc này thấp và nguồn cung cũng không dồi dào.

Hạt tiêu xuất khẩu của Ấn Độ hiện giá 6.700 đô la/tấn (C&F), còn các xuất xứ khác giá 6.200 – 6.500 đô la/tấn. Giá hiện nay thấp hơn chút ít so với mức cao kỷ lục 6.800 đô la/tấn (tiêu đen Ấn Độ) hồi đầu tháng 5, song vẫn cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường nội địa Ấn Độ, giá tiêu kỳ hạn tháng 6 hiện ở mức 29.100 Rupee/100 kg, còn tại Việt Nam, giá tiêu đen ở mức 100.000 – 105.000 đồng/kg, giảm khoảng 2.000 – 5.000 đồng/kg so với một tuần trước đây. Nhưng khả năng giá giảm mạnh khó xảy ra, khi mà cả Ấn Độ và Việt Nam đều đã kết thúc vụ thu hoạch, với năng suất không được như kỳ vọng.

Cao su

Thị trường cao su thế giới đã trồi sụt thất thường kể từ sau thảm hoạ kép ở Nhật hồi đầu tháng 3, khiến cho các nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô bị tê liệt. Và trong thời gian tới, dự báo giá cao su sẽ phụ thuộc vào sự hồi phục ở Nhật Bản.

Nguồn cung cao su năm nay được dự báo sẽ không tăng mạnh như dự kiến, do sản lượng kém ở Indonesia và Philippines. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm nay sẽ đạt 9,936 triệu tấn, thấp hơn mức 10,025 triệu tấn dự báo trước đây, mặc dù vẫn cao hơn mức 9,47 triệu tấn của năm 2010.

Trong khi đó, nhu cầu lốp xe toàn cầu đang tăng trưởng rất mạnh. Bloomberg dẫn lời chủ tịch hãng Sumitomo, Ikuji Ikeda, cho biết chỉ riêng ở Trung Quốc – thị trường ô tô lớn nhất thế giới, tiêu thụ lốp xe năm nay có thể tăng 30%, gấp 10 lần mức tăng trưởng trung bình toàn cầu. Sau khi phải cắt giảm công suất sản xuất sau động đất ở Nhật, các nhà máy sản xuất ô tô trên toàn cầu đang phải tăng tốc sản xuất để đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Gạo

Thị trường gạo thế giới tuần qua giảm giá, song có thể sẽ ngừng giảm trong tuần này, bởi Ấn Độ không dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thường như dự kiến, trong khi hạn hán có thể đẩy tăng mạnh giá gạo tại Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Lương thực Ấn Độ – K V Thomas cho biết quốc gia này đang chuẩn bị cho dự thảo luật an ninh lương thực, họ cần có đủ dự trữ và tất cả các quyết định về xuất khẩu sẽ được xem xét dựa trên cơ sở đó.

Ấn Độ đang ở giai đoạn cuối cùng của việc soạn thảo một dự luật an ninh lương thực nhằm bảo đảm cung cấp các loại ngũ cốc giá rẻ cho 70% dân số. Tuy nhiên, nguồn cung dồi dào ở hai nước xuất khẩu lớn nhất thế giới là Thái Lan và Việt Nam, cùng với việc Myanmar cho phép xuất khẩu gạo trở lại, với khối lượng khoảng 500.000 tấn trong năm nay, sẽ ngăn giá gạo tăng.

Giá lúa đông xuân tại ĐBSCL tuần qua tương đối ổn định, ở mức 5.600 – 6.500 đồng/kg. Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) dự báo giá gạo thế giới sẽ ổn định ở mức hiện nay cho tới năm 2012 bởi sản lượng cải thiện ở những nước nhập khẩu hàng đầu thế giới. IRRI cho biết sản lượng năm 2011 sẽ đạt 480 triệu tấn, tăng 3% so với năm trước, trong khi nhu cầu là 460 triệu tấn.

Ca cao

Ca cao trong nước tuần qua tăng giá nhẹ, lên mức 51.300 – 54.000 đồng/kg tại Dak Lak theo đà tăng giá thế giới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng xu hướng giá tăng sẽ không kéo dài, bởi triển vọng nguồn cung từ Tây Phi sẽ tăng mạnh.

Chỉ trong 4 phiên giao dịch cuối tuần qua, ca cao đã tăng giá 5% trên thị trường New York, từ mức thấp kỷ lục 4 tháng rơi vào ngày 24/5. Tuy nhiên, hiện giá vẫn thấp hơn 25% so với mức đỉnh cao 32 năm đạt được hồi tháng 3 năm nay.

Bờ Biển Ngà – nước sản xuất và xuất khẩu ca cao lớn nhất thế giới, đang tái xuất hiện trên thị trường sau thời gian thất thường bởi nội chiến.

Agrimoney dẫn nhận định của công ty môi giới hàng hoá Olam International ở Singapore cho biết khoảng 150.000 đến 500.000 tấn ca cao đang tồn tại ở Bờ Biển Ngà – tương đương khoảng 13% tổng sản lượng toàn cầu – và sẽ rời đây đi khắp thế giới trong tháng 5 và tháng 6.

Sản lượng của Ghana, nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới, cũng sẽ tăng mạnh trong vụ 2010/11, tăng khoảng 52% lên 960.000 tấn, đưa sản lượng toàn cầu vượt 189.000 tấn so với tiêu thụ, theo Tổ chức Cacao Quốc tế.

Nguồn: Business Standard, Agrimoney, Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới