Thứ Tư, 27/09/2023, 17:57
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Du khách Trung Quốc, “vũ khí” của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du khách Trung Quốc, “vũ khí” của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Trong những tháng gần đây, lượng khách du lịch, học sinh, sinh viên và các lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đến Mỹ đột nhiên giảm hẳn. Đây là một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh có thể lan rộng một cách khó lường và tốn kém.

Thị trường du lịch ngày càng nghiêng về Trung Quốc, Hàn Quốc

Trung Quốc chi 258 tỉ đô đi du lịch nước ngoài, nhiều nhất thế giới

Du khách Trung Quốc, “vũ khí” của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại
Du khách Trung Quốc chi tiêu trung bình 6.900 đô la/người trong mỗi chuyến thăm Mỹ. Ảnh: Getty

Lượng công dân Trung Quốc đến Mỹ giảm

Theo tờ The Washington Post, sự suy giảm mới xuất hiện này có thể thấy được ở số lượng công dân Trung Quốc được cấp thị thực và đặt vé máy bay sang Mỹ. Đây có thể không phải là kết quả của một hành động trả đũa thương mại chính thức của Bắc Kinh song cho thấy Trung Quốc sở hữu một “vũ khí đầy sức mạnh”, có thể được sử dụng nếu chiến tranh thương mại kéo dài, đó là hạn chế sức chi tiêu của người dân trong nước dành cho các dịch vụ của Mỹ trị giá 60 tỉ đô la bao gồm dịch vụ du lịch và lữ hành.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong khoảng thời gian từ tháng 5-9 năm nay, lượng công dân Trung Quốc được cấp thị thực sang Mỹ cho các mục đích công tác, du lịch giải trí và học hành giảm 102.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, tức giảm 13%.

Lượng đặt vé máy bay từ Trung Quốc sang các thành phố của Mỹ cũng giảm mạnh 42% trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần ở Trung Quốc vào hồi đầu tháng 10, theo dữ liệu của trang web tìm kiếm du lịch toàn cầu Skyscanner. Thông thường, lượng du khách Trung Quốc sang Mỹ sẽ tăng vào dịp này.

Hồi tháng 7, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cảnh báo công dân Trung Quốc về các rủi ro khi thăm viếng Mỹ bao gồm chi phí y tế cao, bạo lực súng đạn và tội phạm đường phố. Cảnh báo này đã góp phần khiến Mỹ tụt 5 bậc xuống vị trí thứ 10 trong danh sách các điểm đến nước ngoài được du khách Trung Quốc yêu chuộng nhất trong kỳ nghỉ Quốc khánh, theo bảng xếp hạng của hãng lữ hàng lớn nhất Trung Quốc Ctrip.

Trong cuộc tranh cãi ngoại giao liên quan đến việc Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Seoul, chính phủ Trung Quốc đã cấm các hãng lữ hành bán các gói tour đến thăm Seoul và đảo Jeju cho người dân Trung Quốc. Hành động tẩy chay này khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc thất thu gần 7 tỉ đô la chỉ trong vòng vài tháng.

Lệnh hạn chế công dân du lịch sang Mỹ của Bắc Kinh có thể khiến ngành du lịch của Mỹ mất đi một trong những nhóm du khách “ngon ăn” nhất vì du khách Trung Quốc chi tiêu trung bình 6.900 đô la cho mỗi chuyến thăm Mỹ. Hoặc quyết định hạn chế công dân Trung Quốc sang Mỹ du học cũng gây tổn thương cho các trường đại học Mỹ vốn có lượng du học sinh Trung Quốc tăng vọt trong những năm gần đây. Năm ngoái Trung Quốc gửi hơn 350.000 học sinh, sinh viên đến Mỹ.

Kể từ năm 2011, thương mại dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ nhanh gấp ba lần so với trước đây. Hiện nay, du lịch và lữ hành là hạng mục lớn nhất trong giao thương dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc, mang về cho các hãng hàng không, khách sạn và các hãng lữ hành Mỹ 32 tỉ đô la vào năm ngoái, gấp đôi doanh thu bán máy bay Mỹ cho Trung Quốc, theo Bộ Thương mại Mỹ.

Khi Trung Quốc ngày càng thịnh vượng, lượng du khách Trung Quốc thăm viếng nước ngoài tăng vọt. Gần 3 triệu du khách Trung Quốc đến Mỹ trong năm 2016, tăng mạnh so với con số 525.000 vào năm 2009.

Xung đột thương mại có thể lan sang du lịch

Không giống như lĩnh vực thương mại hàng hóa, vốn bị Tổng thống Donald Trump thường xuyên phàn nàn vì mức thâm hụt kim ngạch quá lớn với Trung Quốc, Mỹ có mức thặng dư thương mại dịch vụ với Trung Quốc ở mức khá lớn. Chính điều này khiến lĩnh vực thương mại dịch vụ của Mỹ có thể trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương trong cuộc chiến thương mại kéo dài với Trung Quốc.

Nếu Bắc Kinh chọn cách gia tăng đối đầu thương mại bằng cách hạn chế công dân chi tiêu cho các dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính hay tư vấn hợp đồng của Mỹ, Washington sẽ cảm nhận tác động nhanh hơn so với việc Bắc Kinh áp thuế trả đũa nhằm vào thêm nhiều hàng hóa Mỹ, theo Joy Dantong Ma, một nhà nghiên cứu ở Viện Paulson tại thành phố Chicago (Mỹ). Ông nói: “Nếu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc leo thang, bạn sẽ thấy nó lan rộng sang các lĩnh vực khác như du lịch”.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Trung Quốc có thể không sẵn sàng khuyến khích người dân tẩy chay sang Mỹ du lịch và du học vì sợ gây bất mãn cho tầng lớp trung lưu Trung Quốc, những người khao khát tấm bằng đại học ở Mỹ cho con cái họ hoặc chỉ muốn đến Mỹ để chiêm ngưỡng những địa danh nổi tiếng chẳng hạn phim trường Hollywood.

Cho đến nay, cuộc đấu thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới chủ yếu gói gọn trong tổng kim ngạch thương mại hàng hóa song phương trị giá 635 tỉ đô la mỗi năm. Chính quyền Donald Trump đã áp thuế nhập khẩu lên gần phân nửa giá trị hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm và Trung Quốc đáp trả với mức thuế nhập khẩu tương tự vào lượng hàng hóa Mỹ có giá trị thấp hơn.

Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ với tổng giá trị thấp hơn nhiều so với giá trị hàng hóa mà Trung Quốc bán sang Mỹ hàng năm, vì vậy, nước này không thể đáp trả các đòn thuế nhằm vào lượng hàng hóa Mỹ có giá trị tương ứng. Giờ đây, Bắc Kinh không muốn leo thang xung đột thương mại với Washington và hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận  thông qua đàm phán sau cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Song lập trường này của Bắc Kinh có thể thay đổi nếu đàm phán bế tắc, đẩy hai nước lún sâu vào cuộc chiến thương mại. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang lên kế hoạch gặp nhau bên lề hội nghị cấp cao của nhóm các nền kinh tế lớn G20 tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) vào cuối tháng 11 tới nhưng ít nhà phân tích kỳ vọng hai bên sẽ đạt được kết quả đột phá về ngoại giao tại cuộc gặp này. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới