Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dù khó, nhưng lối ra còn nhiều

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dù khó, nhưng lối ra còn nhiều

Ngọc Lan

Một chiếc tàu nước ngoài đang “ăn hàng” ở cảng Cái Mép để vận chuyển sang thị trường Mỹ. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Tình hình xuất khẩu chín tháng đầu năm 2009 hết sức khó khăn (kim ngạch giảm 14,3 % so với cùng kỳ năm ngoái) do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Vậy, liệu khi kinh tế thế giới hồi phục, xuất khẩu có trở lại là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng?

Chuyên đề này tập trung vào phân tích thị trường Mỹ – một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và mặt hàng thủy sản – một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, để qua đó tìm thấy những hướng đi mới sau suy thoái kinh tế.

>> Đứng dậy sau “bão”

>> Nhập siêu 9 tháng là 6,5 tỉ đô la

Theo các quan chức Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), ở thị trường Mỹ còn rất nhiều lối ra mà doanh nghiệp trong nước chưa tiếp cận đầy đủ hoặc chưa khai phá hết.

Thống kê của Mỹ tăng, Việt Nam thống kê giảm

“Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sáu tháng đầu năm ước chỉ đạt 6,2 tỉ đô la Mỹ, giảm xấp xỉ 8% so với cùng kỳ năm 2009”, Vụ Thị trường châu Mỹ dẫn lại nguồn của Hải quan Việt Nam cho biết. Theo nguồn này, nguyên nhân xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm chủ yếu do nhập khẩu của Mỹ giảm và giá cũng giảm.

Trong khi đó, thống kê bốn tháng đầu năm của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) cho thấy kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ nói chung đã giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu từ các nước bạn hàng lớn đều giảm mạnh, từ 25,2-42,75%.

Tuy nhiên, cũng thời điểm này, số liệu từ USITC cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang đây vẫn tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.Trong cuộc trao đổi tuần trước với TBKTSG, ông Lê Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ, cho biết những số liệu của cơ quan thống kê phía Mỹ cho thấy hàng Việt Nam vào thị trường này sáu tháng đầu năm tiếp tục tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, chứ không giảm. Trong khi đó, nguồn từ Hải quan Việt Nam đưa ra lại cho thấy mức giảm là 8%.

Mức tăng mà phía Mỹ đưa ra với các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu qua đây cụ thể gồm: dệt may tăng 2,3%, giày dép tăng 20%, máy móc thiết bị (linh kiện, phụ kiện nghe nhìn) tăng 55,6%, cơ khí (thiết bị, phụ tùng) tăng 10,6%… Một số mặt hàng giảm kim ngạch như đồ gỗ, nông sản, thủy sản, sản phẩm nhựa.

Tại sao lại có những số liệu thống kê trái chiều này? Theo ông Dương, nguyên nhân có thể là Hải quan nước ta chỉ lấy nguồn từ các tờ khai trực tiếp xuất đi tại cảng Việt Nam vào Mỹ, còn phía Mỹ lấy nguồn từ các tờ khai xuất đi từ Việt Nam, từ các cảng Singapore, Hàn Quốc, cũng vào Mỹ, nơi đã kê khai hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và được gia công, chế biến thêm ở nước thứ ba, nên dẫn đến kết quả thống kê đưa ra khác nhau.

“Thống kê theo kết quả từ phía Mỹ hay Việt Nam dù có khác nhau và cần phải xem xét thêm nhưng cũng cho thấy một nhận định rằng: xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường lớn nhất thế giới duy trì được tốc độ như thế là rất đáng ghi nhận vì các quốc gia bạn hàng lớn xuất vào Mỹ bị sụt giảm nghiêm trọng”, ông Dương nói. Và dù thống kê theo cách nào, thì mức tăng trưởng các mặt hàng xuất khẩu chính như sản phẩm dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện vẫn được giữ vững và mở rộng thị phần, bất chấp các hàng rào kỹ thuật, kiểm soát từ phía Mỹ vẫn không ngừng được nới rộng.

Khủng hoảng kinh tế đã khiến các doanh nghiệp và nhà quản lý đứng trước tính toán về việc thay đổi và mở rộng thị trường trong khi các thị trường xuất khẩu chính bị sút giảm nghiêm trọng. Những số liệu xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nơi đang chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, cho thấy hàng hóa Việt Nam, dù ở trong thời điểm kinh tế khó khăn nhất vẫn có khả năng cạnh tranh khá tốt.

Và việc tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam ở thị trường tiêu thụ lớn nhất này (năm 2008 đạt kim ngạch 11,9 tỉ đô la) có thể mang lại những lợi nhuận bền vững hơn so với các thị trường xuất khẩu mang tính thời điểm, đột biến.

Mở rộng thị trường: không chỉ có một lối đi

Về phía cơ quan quản lý, cuối tháng 9 này, Vụ Thị trường châu Mỹ và một số doanh nghiệp sẽ đến một số bang miền Trung, miền Tây nước Mỹ, sau các chuyến đi đến Houston, Miami hồi năm ngoái. Những chuyến đi này, dù rất ngắn ngày và chủ yếu đặt quan hệ, cũng giúp ông Dương thấy rằng, xúc tiến thương mại vào thị trường Mỹ càng ngày càng không thể trông chờ vào các hội chợ xuất khẩu hoặc xúc tiến ở các bang lớn.

“Tiềm lực doanh nghiệp Việt Nam còn quá nhỏ so với các nhà xuất khẩu trên thế giới. Thay vì cạnh tranh ở các địa bàn đó, còn nhiều vùng sâu, vùng xa, các bang nhỏ ở nước Mỹ mà chúng ta có thể bán hàng Việt Nam và cơ hội sẽ lớn hơn”.

Theo ông Dương, hầu hết các bang mà đoàn Việt Nam đến, họ không biết gì nhiều về Việt Nam và hàng hóa Việt Nam mà chỉ biết đến hàng Trung Quốc, hoặc hàng Việt Nam nhưng qua trung gian của một doanh nghiệp nước khác. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vì ngại thị trường xa, điều kiện thâm nhập thị trường khắt khe nên chọn con đường vào thị trường Mỹ một cách an toàn là làm nhà gia công cho nước khác, chứ không làm các đơn hàng xuất khẩu trực tiếp.

“Chúng tôi đã tới chính quyền sở tại của một số bang ở miền Tây, miền Trung Mỹ để đặt quan hệ, khảo sát thị trường và tìm hiểu ở các phòng thương mại cấp bang. Đây là những khảo sát về vĩ mô để cung cấp cho doanh nghiệp các địa chỉ, đầu mối, cách thức, nhằm giúp họ phần nào việc gia nhập thị trường”, ông Dương nói.

Theo ông, các bang này cũng rất hướng ngoại nhưng cũng giống như doanh nghiệp Việt Nam, họ thiếu thông tin về đối tác, chẳng hạn như việc chẳng có mấy doanh nghiệp Mỹ biết đến việc Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới.

“Để gia tăng kim ngạch và thị phần vào thị trường Mỹ, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chủ động hơn, qua các kênh làm việc trực tiếp hoặc qua các đoàn khảo sát của doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam”, ông Dương nói và đề nghị doanh nghiệp nên đa dạng hóa sản phẩm, chú ý giá trị gia tăng của sản phẩm, và quan trọng là bán cái mà phía Mỹ cần chứ không bán những mặt hàng mang tính Á Đông nhưng xa lạ với đối tác. Hoặc tính toán đường xa hơn, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận được các bang như Florida thì có cơ hội mở rộng thị phần đến các quốc gia Mỹ Latinh khác vì hầu hết hàng hóa đi Mỹ Latinh đều qua cảng này.

Một gợi ý khác được Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đưa ra là doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng sang Mỹ qua kênh điện tử eBay Việt Nam, nơi cũng đang tìm kiếm các đối tác tham gia chương trình thử nghiệm bán lẻ xuyên biên giới.

Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, thực phẩm chế biến có thể rao bán qua eBay bằng cách mô tả chi tiết các mặt hàng trên website, cung cấp hình ảnh sản phẩm và giá cả. Nếu được chọn, người bán sẽ tiến hành các bước đặt cọc và thanh toán trực tuyến theo hướng dẫn của eBay.

Tuy nhiên, khi vào thị trường Mỹ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp mới, phải theo sát những điều chỉnh chính sách quan trọng từ Chính phủ Mỹ, do nó có tác động lớn đến các đơn hàng xuất khẩu trong nhiều năm tiếp theo.

Ví dụ như mặt hàng dệt may, tiểu ban thương mại thuộc Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Mỹ mới đây đã giới thiệu một đạo luật mới, theo đó cho phép hàng hóa sản xuất tại Philippines miễn thuế xuất khẩu vào Mỹ nếu các nhà sản xuất dùng vải sợi có xuất xứ từ Mỹ hoặc Philippines. Phạm vi các sản phẩm được miễn thuế khá rộng, tạo thêm những áp lực cạnh tranh rất lớn đến hàng hóa Việt Nam vào Mỹ, đặc biệt về mặt giá cả.

Hay một hàng rào lớn đang dựng lên cho mặt hàng thủy sản xuất khẩu nước ta là những quy định mới của Cục Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) về chống khủng bố sinh học. Theo đó, các nhà xuất khẩu muốn đưa thực phẩm qua Mỹ phải trực tiếp đăng ký mã số hàng hóa của doanh nghiệp mình với FDA hoặc thông qua cơ quan đại diện tại Mỹ (bên thứ ba) để có chứng nhận FDA về các vấn đề: nhãn mác, nguồn gốc, vệ sinh an toàn… trước khi được phép lưu thông trên thị trường.

Hay xuất khẩu đồ chơi trẻ em qua đây phải tuân thủ Luật Tăng cường về an toàn sản phẩm dành cho người tiêu dùng, trong đó có các quy định về nguồn gốc, chi tiết, độ an toàn… dành cho trẻ dưới 12 tuổi trở xuống (sẽ có hiệu lực từ 14-8-2010).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới