Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Du lịch 4.0 vẫn chờ cơ hội để bứt phá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch 4.0 vẫn chờ cơ hội để bứt phá

Mỹ Dung

(TBKTSG Online) – Ứng dụng các công nghệ tiên tiến và nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) để khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch đang phát triển ở nhiều thành phố lớn và lan tỏa mạnh. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) vẫn còn gặp nhiều vướng mắc và khó khăn trên hành trình phát triển; vẫn tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt chính sách lẫn nguồn lực từ xã hội.

Nhiều gương mặt khởi nghiệp đã có mặt tại cuộc hội thảo "Du lịch thông minh: Ứng dụng công nghệ và giải pháp cấu trúc ngành du lịch – dịch vụ hậu Covid-19" diễn ra tại TPHCM vào tuần qua, chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp với du lịch 4.0 không là con đường bằng phẳng, dễ dàng. Trên thực tế, có nhiều dự án được xây dựng dựa trên ý tưởng khả thi nhưng không thể đi đến cùng vì nhiều nguyên nhân.

Ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn (Songhan Incubator) – đơn vị tổ chức sự kiện, cho biết hiện tại đang là thời điểm để thúc đẩy thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân mới trong lĩnh vực du lịch thông minh, đổi mới sáng tạo.

Ban tổ chức sự kiện cho biết, du lịch thông minh đang phát triển ở nhiều thành phố lớn và lan tỏa mạnh, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19 cần ngành du lịch càng cần ứng dụng công nghệ và giải pháp tái cấu trúc. Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp du lịch vẫn gặp một số điểm vướng mắc.

Ông Quân kể qua 5 năm làm việc tại Songhan Incubator ông hiểu được những vướng mắc mà startup gặp phải, trong đó, có việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực, theo ông Quân, các cơ quan quản lý chuyên ngành đã dám làm mới, tạo sân chơi cho các startup trong lĩnh vực này. Còn nếu startup mong mỏi cơ chế vay vốn hay sự quan tâm hỗ trợ tài chính thì cần có khoảng thời gian cho việc thay đổi chính sách, và điều này cần từ 5-10 năm.

Ông Quân cũng cho biết, sắp tới, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia sẽ được thành lập tại địa chỉ 1196 đường 3-2 (quận 11, TPHCM) để hỗ trợ các startup giải quyết phần nào khó khăn.

Du lịch 4.0 vẫn chờ cơ hội để bứt phá
Một startup công nghệ đang chia sẻ về cách vận hành phần mềm quản lý dữ liệu du lịch trên nền tảng số. Ảnh: Mỹ Dung

Chờ đợi xu hướng số hóa du lịch

Ông Đồng Hoàng Thịnh, Chủ tịch HĐQT Enet, một công ty công nghệ chuyên về công cụ đặt phòng và tiếp thị kỹ thuật số, cho biết nhiều đơn vị kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng vẫn chưa mặn mà với việc đầu tư cho số hóa dịch vụ. Đơn cử, để ứng dụng giải pháp công nghệ số, cụ thể gói dịch vụ cho trang web đặt phòng khách sạn, chi phí đầu tư khoảng 200-300 triệu đồng, không phải là khoản kinh phí quá lớn đối với một khách sạn loại 3 sao trở lên, nhưng nhiều khách sạn chưa quan tâm.

“Tiếp cận nhóm khách hàng doanh nghiệp trong ngành du lịch không đơn giản, phải nhận định được rằng họ mong muốn và quyết tâm số hóa kinh doanh thì mới triển khai giải pháp được", anh Thịnh cho hay.

Hiện nay, Enet đang cung cấp giải pháp cho khách sạn Central Luxury Hạ Long trong hệ  thống Enet, trong vòng một tuần kể từ khi ứng dụng giải pháp tiếp thị số lượng khách đã lấp đầy tất cả các phòng.

Ông Đào Quang Thuận, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc (CEO) BedLinker cũng cho biết hiện các khách sạn, khu nghỉ dưỡng chủ yếu vẫn áp dụng thủ tục đặt phòng theo phương pháp truyền thống (60% offline), còn rườm rà, tốn kém thời gian và chi phí. Ứng dụng BedLinker giúp doanh nghiệp thu hút khách từ thị trường khách inbound (đưa khách nước ngoài về Việt Nam) và outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài) bằng công nghệ phân phối tự động (kết nối API XML), cùng với thị trường ngách đã chọn (kết nối B2B), giúp dịch vụ của doanh nghiệp có sự khác biệt và tạo lợi thế cạnh tranh.

Ông Trần Duy Hào Star Global chia sẻ, sắp tới Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sẽ là bảo tàng số hóa 3D đầu tiên tại Việt Nam. Ứng dụng 3D có thể áp dụng cho rất nhiều lĩnh vực từ du lịch di sản bảo tàng, cho đến khu công nghiệp, nhà máy với mức chi phí đầu tư khoảng 100-200 triệu đồng.

Ghi nhận từ các nhà cung cấp giải pháp du lịch thông minh cho thấy, mặc dù giải pháp CNTT giúp doanh thu của doanh nghiệp du lịch tăng lên và tạo ra nhiều tính năng tiện ích nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không dám đầu tư trọn đời. Một doanh nghiệp đưa ra lý do chưa mặn mà là vì lo ngại sự thiếu hụt đội ngũ vận hành chưa có và sợ phải đập bỏ cái cũ để làm lại cái mới. Ngoài ra, hiện nay nhiều startup công nghệ cung cấp cho doanh nghiệp khách hàng giải pháp nhưng lại không lắng nghe xem giải pháp đã thực sự giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn hay chưa.

Các doanh nghiệp trao đổi tại Hội thảo "Du lịch thông minh: Ứng dụng công nghệ và giải pháp cấu trúc ngành du lịch-dịch vụ hậu Covid-19" vào ngày 12-6 tại TPHCM. Ảnh: Mỹ Dung

Ứng dụng Việt chưa “hot”

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng dịch vụ của các ứng dụng du lịch thông minh nội địa như VNtrip, Hotel84, Chudu24, Mytour, iVIVU … đang lọt thỏm giữa vòng vây dịch vụ của những nền tảng nước ngoài như Agoda, Booking, AirBnb hay Trivago.

Sự thua thiệt đó xuất phát từ sự sơ sài trong hệ thống thông tin khi các ứng dụng nội địa chưa có chính sách thích hợp để lôi kéo sự tham gia từ các cơ sở cung ứng dịch vụ nghỉ dưỡng, vận chuyển hành khách, ẩm thực tại các địa phương, các điểm tham quan, giải trí…

Hơn nữa, giao diện của nhiều ứng dụng Việt vẫn còn khó sử dụng, khó truy cập đối với chính du khách trong nước. Ðó là chưa kể việc xây dựng kho dữ liệu lớn (big data) về bản đồ, địa điểm tham quan, các lễ hội cổ truyền, nghệ thuật đặc sắc, các cơ sở y tế, khám, chữa bệnh, cơ quan chức năng về an ninh, trật tự tại địa phương cũng là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp du lịch, đòi hỏi chính quyền và các nguồn lực xã hội hóa cùng chung tay thực hiện.

Mặc dù nhiều năm nay, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã tiến hành xây dựng dữ liệu thống kê về lượng khách du lịch trong và ngoài nước, các thị trường tiềm năng… Tuy nhiên, các thông số quan trọng như thói quen du lịch, nhu cầu tham quan giải trí, khả năng chi tiêu,… chưa được khảo sát rộng rãi để tìm ra các giải pháp kích thích tiêu dùng cho doanh nghiệp lữ hành, vận tải, dịch vụ, khách hàng tiềm năng.

Ông Chu Quang Thái, Phụ trách truyền thông và Phát triển Hệ sinh thái Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia nhận định, các startup công nghệ cần có liên kết với nhau và theo một chuẩn nhất định như API Reference Google (lập trình sử dụng nền tảng bản đồ trên các ứng dụng trang web và ứng dụng cho thiết bị di động), Facebook…, và kết nối tất cả những dữ liệu, tránh việc người sử dụng phải tải (download) quá nhiều ứng dụng (app) trên cùng một chiếc điện thoại, trong khi công nghệ chuyển khối (Blockchain) có thể hỗ trợ tốt cho việc này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới