Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Du lịch châu Á cố xoay xở dịp Tết, nhưng trông chờ chiến lược dài hơi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch châu Á cố xoay xở dịp Tết, nhưng trông chờ chiến lược dài hơi

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Lần đầu tiên, Thái Lan công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ chính thức và đồng thời kéo dài các dịp nghỉ lễ khác trong năm.  Singapore cấp mỗi cá nhân trên 18 tuổi một voucher 100 đô la Singapore để chi tiêu cho du lịch trong nước. Khách sạn Indonesia thực hiện chương trình “trả trước, ở sau” đến năm 2022. Riêng đảo Jeju ở Hàn Quốc lại than vãn về số khách “bùng nổ” trong Tết này.

Du lịch châu Á cố xoay xở dịp Tết, nhưng trông chờ chiến lược dài hơi
Múa lân ở khu Yaowarat thuộc Bangkok trong Tết 2019. Các lễ hội ở khu Chinatown này bị hủy vào giờ chót. Ảnh: Reuters

Vắng bóng du khách Trung Quốc vốn chiếm đến 50-80% lượng du khách quốc tế, ngành du lịch Đông Nam Á và Đông Bắc Á đang cố gắng trở mình bằng cách thúc đẩy du lịch trong nước và tiêu dùng. Nhưng điều các doanh nghiệp trông chờ nhất là chính sách nhất quán trong phòng dịch, bên cạnh các hỗ trợ tài chính, để ngành du lịch vượt khó.

Tết Nguyên đán đầu tiên ở Thái Lan

Năm nay, chính phủ Thái Lan lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán là ngày lễ chính thức ở quốc gia này. Tết té nước Songkran vào tháng 4, và các dịp lễ tháng 7 và tháng 9 đều được thêm ngày nghỉ với hy vọng người dân có thời gian nhiều hơn để du lịch.

“Có sự thay đổi lớn từ sau Covid-19 xuất hiện. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy bãi biển và miền quê giờ đây được chuộng hơn các thành phố lớn hay các điểm du lịch đông người”, Phó chủ tịch phát triển kinh doanh Agoda Timothy Hughes phát biểu.

Dịp Tết, trang mạng của các khách sạn và các trang đặt phòng luôn có giảm giá. Chẳng hạn, trên Agoda, một căn hộ có cảnh núi non ở khách sạn 5 sao Courtyard Khaoyai by Paka trong một khu bảo tồn quốc gia ở Thái Lan có giá 6.493 baht, khoảng 217 đô la, cho hai đêm. Giá này chưa đến 50% giá thông thường của khách sạn sang này.

Trong chương trình “We Travel Together” bắt đầu từ tháng 7-2020, du khách chỉ trả 60% cho tiền phòng và tiền vé máy bay, phần còn lại chính phủ sẽ trợ cấp. Trong sáu tháng qua, chính phủ đã chi 22,4 tỉ baht, khoảng 750 triệu đô la. Bộ trưởng Tài chính Arkhom Termpittaypaisith đã cam kết rằng chương trình sẽ có đủ tài chính để tiếp tục trong năm 2021.

Những nỗ lực như vậy đã không thể bù đắp cho sự vắng bóng của du khách Trung Quốc. Theo số liệu của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC), chi tiêu trong dịp Tết này giảm 22% xuống còn 44,9 tỉ baht so với Tết 2020. Đợt bùng phát dịch giữa tháng 12 năm ngoái khiến tâm lý tụ tập đám đông biến mất.

Bên cạnh đó, chính quyền các nơi và các nhà điều hành du lịch, hãng lữ hành đã không thể tổ chức các sự kiện để kích cầu du lịch. Chính quyền Bangkok đã hủy các lễ hội mừng năm mới ở Yaowarat, khu Chinatown của thủ đô.

Hiếm hoi như gã bán lẻ khổng lồ The Mall Group vẫn chi 120 triệu baht cho các chiến dịch khuyến mãi dịp Tết, con số này không đổi so với năm trước. Cái khác là tập đoàn này đã không thuê các ngôi sao nhạc pop vì nguy cơ của tụ tập đám đông. Chuỗi siêu thị Tesco Lotus thì nhắm vào những người đón Tết lặng lẽ cùng gia đình với việc miễn phí giao hàng cho mua sắm từ 100 baht trở lên.

Tết staycation, khách sạn sang cũng bán takeaway

Singapore cũng cố gắng thu hút sức chi của nhiều người dân không thể du lịch nước ngoài trong Tết này với các gói nghỉ ngơi ở khách sạn staycation và các chương trình “takeaway” các món ăn từ các nhà hàng danh tiếng để đảm bảo giãn cách xã hội.

Khu phức hợp Marina Bay Sands có gói nghỉ khách sạn cùng với buổi ăn trưa chủ đề Tết. Các khách sạn hạng sang đều có dịch vụ mua mang về hay giao tận nhà cho những khách không muốn đến nơi đông người.

Nhiều nơi cũng tận dụng các gói kích cầu du lịch của chính phủ tung ra hồi tháng 12. Trong chương trình này, tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên sẽ nhận được voucher 100 đô la Singapore để chi dùng ở khách sạn, các điểm du lịch và ăn uống khác.

Các hãng du lịch lớn trong khu vực như trang Trip.com của Trung Quốc và ứng dụng Traveloka của Indonesia cũng hợp tác với Cục Du lịch Singapore (STB) trong chương trình này. STB nói đến nay đã có 300.000 người thụ hưởng và sẽ kéo dài đến tháng 6 này.

Indonesia là nước có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất Đông Nam Á và du lịch cũng là ngành chịu nhiều tổn thất khi biên giới đóng cửa hoàn toàn trong năm qua. Lượng khách nước ngoài giảm 75% trong năm 2020.

Nhiều khách sạn đã thực hiện các gói “trả trước, ở sau” với giá phòng giảm mạnh. “Chương trình ban đầu được thiết lúc dịch mới bùng phát, với hy vọng là Covid-19 sẽ kết thúc cuối năm rồi. Tuy nhiên, hiện các hội viên của chúng tôi phải kéo dài chiến dịch này đến năm 2022. Một vài khách sạn còn có gói giá vé máy bay và khách sạn giá rẻ cho khách”, Chủ tiệp Hiệp hội nhà hàng và khách sạn Indonesia (IHRA) Hariyadi Sukamdani nói.

Cũng giống như nhiều khách sạn, chuỗi Tauzi Hotel có hơn 60 khách sạn ở Indonesia  thực hiện chiến dịch “trả trước, ở sau”. Giám đốc tiếp thị Irene Janti nói rằng chương trình này sẽ tiếp tục đến hết tháng 3. “Nhưng sau đó, chúng tôi chưa quyết định là sẽ tiếp tục hay không. Một mặt, mọi người hy vọng rằng chiến dịch tiêm chủng sẽ làm mọi người tự tin hơn mà du lịch. Mặt khác, khó mà tiên liệu được các chính sách của chính phủ để đề sách lược thích hợp của ngành”, cô nói.

Khu phức hợp Marina Bay Sands cùng nhiều khách sạn và nhà hàng hạng sang khác khai thác các gói staycation, mở dịch vụ bán đồ mang đi và giao tận nhà. Ảnh: Reuters

Jeju bắt du khách vô trách nhiệm bồi thường

Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc trong ngày 30 Tết lên đến 504, đỉnh cao mới trong vòng hai tuần qua sau khi giảm từ mức 559 của ngày 27-1.

Chính phủ đã thực hiện các chính sách không khuyến khích người dân đi du lịch trong dịp Tết từ ngày 11 đến 14-2. Lệnh cấm các buổi tụ tập bị giới hạn không quá bốn người được áp dụng toàn quốc. Xe lửa chỉ được phép bán các vé sát cửa sổ. Phí cao tốc áp dụng trong dịp lễ, không miễn như các năm trước.

Trong khi các nơi khác đang âu sầu vì không có khách, các quan chức và cư dân đảo Jeju lo ngại về tình trạng quá tải. Theo Korea Times, Hiệp hội Du lịch Jeju (JTA) ước đoán sẽ có đến 143.000 người đến hòn đảo này trong dịp Tết. Tuy thấp hơn 30% so với năm trước, nhưng giới lãnh đạo JTA vẫn nói rằng con số này quá lớn trong cuộc khủng hoảng y tế đang kéo dài.

Giới chức Jeju cũng e ngại du khách đến đông sẽ làm bùng phát đợt dịch mới. Số ca nhiễm mới ở hòn đảo chỉ giảm từ đầu tháng 2 sau làn sóng dịch nổ ra từ tháng 11 năm ngoái đến cuối tháng 1 rồi.

Con số du khách “khổng lồ” đến Jeju cũng chia rẽ dư luận Hàn Quốc. Một số đã chỉ trích những du khách vô trách nhiệm vì không tuân thủ khuyến nghị “không thực hiện các chuyến đi không cần thiết”.

Trong buổi họp báo cuối cùng của năm cũ, Thống đốc Won Hee-ryong của Jeju cảnh báo rằng chính quyền hòn đảo sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm khắt, bao gồm truy tố và bắt bồi thường du khách vô trách nhiệm đến Jeju.
“Chúng tôi cần giảm thiểu tiếp xúc và đi lại trong ngày lễ để đề phòng dịch tái bùng. Chúng tôi sẽ không khoan nhượng đối với những ai vi phạm các biện pháp phòng dịch trong kỳ nghỉ của họ ở Jeju”, Thống đốc Won phát biểu.

Jeju đã áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt để phòng dịch từ năm ngoái, bao gồm cách ly tạm thời du khách đến bằng đường không và đường biển và chỉ cho phép ở lại đảo sau khi có xét nghiệm âm tính.

Trong dịp Tết này, Jeju sẽ cho du khách trình kết quả âm tính được tham quan miễn phí 29 điểm du lịch trên hòn đảo, bao gồm cả Đỉnh Mặt trời mọc (Seongsan Ilchunbong) được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới từ năm 2007.

Tổ chức Du lịch Quốc tế Liên Hiệp Quốc (UNWTO) nói lượng khách nước ngoài đến châu Á – Thái Bình Dương giảm 300 triệu lượt trong năm ngoái, tức 84% so với năm trước đó. Đây là tỷ lệ suy giảm lớn nhất so với bất cứ khu vực nào trên thế giới. Những đợt bùng phát mới ở Đông Nam Á đẩy sức chịu đựng của ngành du lịch đến một ngưỡng mới.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới