Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Du lịch châu Á không thể trở về vinh quang ngày trước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch châu Á không thể trở về vinh quang ngày trước

Lê Hiếu – Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Du lịch từng là cỗ máy cái tạo đến 20% GDP cho nhiều nền kinh tế trong khu vực Châu Á như Thái Lan hay Campuchia. Nhưng giờ đây, cỗ máy lại bị hư hỏng và chạy ngược. Ngành du lịch châu Á khó trở lại thời xưa cũ đầy vinh quang…

Du lịch châu Á không thể trở về vinh quang ngày trước
a

CEO khách sạn 5 sao làm “quản giáo”

Có lẽ ông Bruno Huber là giám đốc khách sạn hạnh phúc nhất Bangkok bởi cơ sở sang trọng 293 phòng luôn có khách. Ông đã rất tài tình trong việc thiết kế lại Movenpick BDMS Wellness Resort Hotel, tổ hợp khách sạn 4 sao rưỡi, thành một cơ sở cách ly hiện đại và thu hút nhất thế giới.

“Mọi người có thể gọi tôi là một quản giáo”, Huber đùa. Nhưng sau đó, CEO có 34 năm làm việc trong ngành khách sạn tại Thái Lan nghiêm túc nhấn mạnh: “Nhưng có lẽ đây là cách duy nhất trong thời điểm này, khi tôi có thể tiếp tục thuê nhân viên và giữ cho khách sạn tiếp tục hoạt động”.

Khách lưu trú tại Movenpick chủ yếu là các du học sinh nhà giàu hay giới doanh nhân Thái từ nước ngoài trở về. Họ buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần và phải trả 60.000 baht (vào khoảng 1.900 đô la Mỹ), cho hai tuần cách ly trong phòng hạng sang deluxe.

Gói phòng này bao gồm ba bữa ăn và hai lần khám y tế mỗi ngày, cùng với đó là các xét nghiệm bắt buộc từ phòng khám kế bên. Các khách lưu trú sẽ được phục vụ với mọi thứ, từ những món ăn của Thái Lan đến hệ thống chiếu sáng bổ sung năng lượng đặc biệt, đến hơn 7.000 ấn phẩm giải trí trực tuyến trên PressReader. Tuy nhiên, khách lưu trú sẽ không được phục vụ đồ uống có cồn và đón tiếp người ngoài đến thăm.

Movenpick Wellness Resort Bangkok là một trong những khách sạn hiếm hoi có khách ở Bangkok khi trở thành nơi cách ly thu tiền. Ảnh: Nikkei Asian Review

Rạp xiếc chỉ vài người xem

Giữa tháng 7, các nghệ sĩ nhào lộn của rạp xiếc Campuchia lại lên sàn diễn lần đầu tiên khi ngành giải trí cả nước đóng cửa vào từ tháng 3-2020.  Nếu trước mỗi buổi diễn cuối tuần của đoàn xiếc thành lập từ năm 1994 này có khoảng 600 khách nước ngoài, thì trong buổi diễn đầu tiên mở lại, các khán đài gần như trống không. Srey Bandual, một trong những người đồng sáng lập của trường nghệ thuật Phare Ponleu Selpak, nơi điều hành rạp xiếc này, ta thán: “Chỉ có khoảng 4-5 người trên khán đài tối đó. Nếu điều này tiếp tục thì chúng tôi sẽ không thể hoạt động”.

Campuchia đặt tham vọng phát triển du lịch thành cỗ máy cái của nền kinh tế từ những năm 1990. Được sự giúp đỡ của nước ngoài, ngành du lịch của quốc gia này đã phát triển nhanh chóng và ghi nhận gần 5 tỉ đô la cho doanh thu từ du lịch quốc tế vào năm ngoái, tương đương khoảng 20% trong GDP. Thêm vào đó, các báo cáo đã cho thấy rằng lực lượng lao động của ngành dao động từ 600.000 đến 800.000; gián tiếp hỗ trợ hàng triệu người có việc làm.

Nhưng tình hình năm nay trở nên bi đát. Khách nước ngoài hầu như biến mất. Gần 3.000 cơ sở kinh doanh liên quan đến du lịch đã phải đóng cửa, dẫn đến hơn 45.000 người lao động đã mất việc làm. Bandual cho biết trường nghệ thuật Phare đã bắt đầu giảm lương và sa thải một số nhân viên. Ông cũng thêm rằng nếu không có sự hỗ trợ nào từ bên ngoài, thì tổ chức này chỉ có thể tồn tại thêm được 6 tháng nữa. Phare hiện điều hành hai rạp xiếc, một ở Siem Reap và một ở Battambang, và một trường nghệ thuật, với tổng cộng khoảng 200 nhân viên.

Trước dịch Covid-19, mỗi đêm cuối tuần đoàn xiếc của trường nghệ thuật Phare Ponleu Sepak có khoảng 600 khách xem. Ảnh: Getty Images

Cỗ máy chủ lực chạy ngược

Sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ và chính sách thị thực visa nới lỏng đã khiến Thái Lan và châu Á trở thành đia điểm du lịch phát triển nhanh nhất trên thế giới. Lượng khách du lịch quốc tế tăng trung bình hàng năm khoảng 6,4% từ năm 2000 đến 2018, theo dữ liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTC).

Ngành du lịch là cỗ máy tạo việc làm chính tại châu Á với việc Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) ước tính rằng 1/3 việc làm mới trong 5 năm qua đã được tạo ra nhờ vào ngành này. Thêm vào đó, lĩnh vực này có giá trị rất lớn vì tác động cấp số nhân lên đối với nền kinh tế quốc gia, chẳng hạn, mỗi đồng đô la chi tiêu cho đi du lịch sẽ tạo ra thêm nhiều số chi tiêu khác như mua sắm, mua quà lưu niệm hay đi ăn tại nhà hàng.

Nhưng, sự xuất hiện của dịch Covid-19 khiến cỗ máy chủ lực của nhiều nền kinh tế bị chững lại hoặc nói cách khác là “hư hỏng hoàn toàn”. Theo nhà cung cấp dữ liệu khách sạn STR, tỷ lệ đặt phòng tại các khách sạn châu Á giảm xuống còn 38% trong tháng 6 vừa rồi, so với con số 43% của cùng kỳ năm trước.

Giờ đây, hệ thống tác động cấp số nhân của ngành du lịch lại đang hoạt động theo hướng ngược lại. Nói cách khác là cứ 1 triệu đô la bị mất trong doanh thu của ngành du lịch quốc tế, thì thu nhập tổng thể của một quốc gia có thể bị suy giảm từ 2 đến 3 triệu đô la, do các tác động gián tiếp đến các lĩnh vực kinh tế khác, như cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho du khách khi họ đếm thăm một địa điểm nào đó.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ước tính rằng: Sự sụp đổ bất ngờ của ngành du lịch toàn cầu có thể gây thiệt hại lên tới 3.300 tỉ đô la trong năm nay khi tính đến các lĩnh vực bị ảnh hưởng khác. Và đó là chỉ tính thời gian suy thoái kéo dài trong vòng 12 tháng.

Bãi biển tại Bali vắng khách. Ảnh: Reuters

Cố gắng cựa quậy…

Các doanh nghiệp du lịch ở hầu hết các quốc gia đang cố gắng vượt qua khủng hoảng này với sự hỗ trợ từ chính phủ và sự đổi mới trong phương thức hoạt động. Chẳng hạn, các nhà hàng chuẩn sao Michelin ở Bangkok hiện đã cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi. Bên cạnh đó, chính phủ Thái Lan đã sắp xếp lại và tăng các ngày nghỉ lễ để khuyến khích lĩnh vực du lịch nội địa. Chính phủ cũng đã công bố các khoản trợ cấp cho khách sạn với 720 triệu đô la từ ngân sách nhà nước vào tháng 7-2020 vừa rồi. Đây là một phần trong chiến dịch "Chúng ta cùng nhau du lịch”.

Các thảo luận về mô hình "bong bóng du lịch" giữa các quốc gia láng giềng với nhau đã có ít kết quả, ngoài trừ việc Malaysia và Singapore đã mở lại biên giới trong tháng 8 này.  Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một chiến lược mới, "An toàn và khép kín", bao gồm việc mở lại dần một số địa điểm cụ thể vào ngày 1-10-2020 ở đảo du lịch nổi tiếng Phuket. Tuy nhiên, các khách du lịch vẫn sẽ bị cách ly trong 14 ngày khi nhập cảnh và bị hạn chế trong việc đi lại.

Thực tế rất phũ phàng đang chờ đợi mọi người: Việc mở cửa đón khách trở lại vẫn kèm theo nguy cơ nhập khẩu khá cao các ca bệnh Covid-19.

Bali, một trong những bãi biển nổi tiếng nhất ở châu Á, đang nỗ lực để kết hợp hai mục tiêu khó khăn lại với nhau: ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch, nhưng cũng đồng thời tránh được sự sụp đổ của nền kinh tế. Trong tháng 6, duy nhất chỉ có 10 du khách nước ngoài quá cảnh qua sân bay Ngurah Rai, sân bay chính của Bali, so với 527.000 khách vào tháng 1. Các khu nghỉ dưỡng resort gần như là vắng tanh, mặc dù mùa cao điểm ở Bali là vào tháng 7 và 8.

Nhận thấy nguy cơ sụp đổ kinh tế, Thống đốc Bali, Wayan Koster, vào đầu tháng Bảy đã tuyên bố sẽ mở cửa lại dần hòn đảo nghỉ dưỡng này. Vào ngày 9-7, một số địa điểm du lịch đã bắt đầu mở cửa trở lại cho người dân Bali và vào ngày 31-7, thì toàn bộ hòn đảo đã bắt đầu đón chào du khách trở lại, nhưng chỉ những du khách nội địa từ các khu vực của Indonesia. Trong tuần này, kế hoạch này bị Thống đốc Koster hủy bỏ bởi “Indonesia vẫn có nguy cơ là vùng báo động đỏ”.

Máy bay đậu ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok. Bầu trời của thủ đô Thái Lan trở nên trong xanh và quang đãng vào mùa dịch. Ảnh: Nikkei Asian Review

Malaysia và Philippines cũng mong muốn mở cửa du lịch trở lại, nhưng sự bùng nổ các ca dịch mới khiến mọi ước vọng mở cửa chỉ có thể thực hiện từ đầu năm 2021.

Đến giờ, điểm đến du lịch duy nhất ở châu Á được hưởng lợi từ việc chuyển sang tập trung cho mảng du lịch nội địa là Trung Quốc. Tầng lớp trung lưu không ra được nước ngoài chuyển sang đi trong nước khiến du lịch ở Hải Nam bùng nổ trong mùa hè này.

Các khách sạn Marriott ở Hải Nam trong tháng 7 thậm chí còn vượt qua doanh số đặt phòng so với cùng tháng vào năm ngoái, trong khi các chi nhánh ở các địa điểm khác như Thành Đô và Trịnh Châu đã ghi nhận lượng đặt phòng lên tới 80%.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhận định rằng ngay cả sau khi đại dịch kết thúc, ngành du lịch vẫn khó có thể quay trở lại đà tăng trưởng như trước. Cũng giống như nhân viên văn phòng có thể sẽ cảm thấy khó chịu khi phải đi làm trở lại, nhiều khách du lịch đang khám phá những niềm vui khi đi du lịch gần nhà hơn.
Thiên nhiên có lẽ là đối tượng duy nhất được hưởng lợi từ việc du lịch thoái trào.

Sự vắng bóng con người ở những điểm nóng du lịch trước đây tạo điều kiện cho động thực vật hoang dã quay lại và phát triển mạnh. Chẳng hạn ở Thái Lan, hoạt động du lịch đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các hệ sinh thái và động vật hoang dã ở địa phương. Với việc ô nhiễm không khí từ tắc nghẽn giao thông và khí thải công nghiệp đã giảm tải đáng kể. Trong thời gian giãn cách xã hội, một số người dân Thái Lan có thể tận hưởng bầu không khí sạch hơn và bầu trời trong xanh, quang đãng hơn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới