Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Du lịch đem về 400.000 tỉ đồng trong năm 2016

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Du lịch đem về 400.000 tỉ đồng trong năm 2016

Đào Loan

Du lịch đem về 400.000 tỉ đồng trong năm 2016
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nhộn nhịp trong những ngày cuối năm 2016 – Ảnh: Đào Loan

(TBKTSG Online) – Năm nay, ngành du lịch có một năm thành công với tổng thu từ khách du lịch ước đạt 400.000 tỉ đồng. Lượng khách quốc tế đến ước đạt trên 10 triệu lượt và 62 triệu lượt khách nội địa.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết đây là năm ngành du lịch đạt nhiều kỷ lục. Trong đó, lượng khách quốc tế tăng trưởng ấn tượng nhất, tăng đến 2 triệu lượt so với năm ngoái. Tổng thu từ khách du lịch cũng tăng đến 62.000 tỉ đồng. Lượng khách và tổng thu từ khách du lịch đã về đích trước 4 năm so với mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

"Chúng tôi đã về đích trước 4 năm so với kỳ vọng. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ này, chúng tôi đã đặt mục tiêu mới là đến năm 2020 sẽ đón 18-20 triệu lượt khách quốc tế và 82 triệu lượt khách nội địa", ông nói với TBKTSG Online chiều nay (22-12) qua điện thoại, sau buổi họp báo tại Hà Nội để giới thiệu về chương trình vị khách quốc tế thứ 10 triệu tại Phú Quốc vào ngày Chủ nhật này (25-12) cũng như mục tiêu của ngành du lịch vào năm mới 2017.

Quan chức này nhận định, thị trường đang tăng trưởng rất tốt. Dự kiến, đến năm sau lượng khách quốc tế có thể đạt 11,5 triệu lượt, khách nội địa đạt 66,7 triệu lượt, tổng thu từ du lịch lên đến 460.000 tỉ đồng nhờ vào những chính sách hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của ngành.  

Trong đó, chính sách lớn nhất được kỳ vọng là nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, dự kiến sẽ được Bộ Chính trị ban hành trong vài ngày tới. "Đây sẽ là một sự đột phá về tư duy làm du lịch. Thông qua nghị quyết này, chúng tôi sẽ tái cấu trúc ngành du lịch, hướng đến sự phát triển đột phá nhưng bền vững trong những năm tiếp theo", ông Tuấn nói.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, đây là năm tăng trưởng tốt của ngành du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch đang đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có hai vấn đề lớn là phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sự phát triển nguồn nhân lực chưa tương xứng với sự phát triển của lượng khách. Doanh nghiệp đang rất thiếu nguồn nhân lực có chất lượng để làm việc và nguy cơ nguồn nhân lực trong khu vực ASEAN sẽ tham gia thị trường, tạo sự cạnh tranh gay gắt cho người lao động trong nước đang đến rất gần.

"Một khách sạn ở Phú Quốc mà tôi không muốn nêu tên đang thuê tiếp tân người Philippines với mức lương 12 triệu đồng/tháng, chỉ cao hơn 2 triệu đồng so với lương của người Việt ở cùng vị trí nhưng kỹ năng làm việc của nhân viên người Philippines lại tốt hơn nhiều. Thực tế này đã đặt ra một bài toán rất lớn về phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành", ông nói.

Cũng theo ông Thọ, phát triển sản phẩm cũng là một vấn đề cần quan tâm của ngành du lịch. Du lịch phải tạo thêm sự kiện cho du khách và nên đi theo hướng phát triển chất lượng cao, không nên chạy theo số lượng khách. Dẫn chứng thực tế từ kinh nghiệm phát triển du lịch ở một số nước lân cận như Thái Lan đã cho thấy điều này.

"Thái Lan đã đón hàng chục triệu lượt khách quốc tế nhưng họ đã thay đổi, tập trung vào chất lượng khách. Cứ xem cách ngành du lịch nước này tạo sản phẩm chất lượng cao, quản lý những thị trường lớn như Trung Quốc sẽ thấy những kinh nghiệm hay", ông nói.

Trong khi ngành du lịch cả nước chuẩn bị đón vị khách quốc tế thứ 10 triệu thì TPHCM cũng đang lên kế hoạch tổ chức lễ đón vị khách quốc tế thứ 5 triệu đến thành phố. Dự kiến, vị khách đặc biệt này sẽ đến vào thứ Bảy này (24-12).

 

HSBC: Du lịch sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu

(TBKTSG Online)- Du lịch và lữ hành được kỳ vọng đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng của lĩnh vực thương mại dịch vụ, đồng thời đóng góp lớn vào tổng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm tới, theo báo cáo về dự báo thương mại toàn cầu được Khối Dịch vụ tài chính doanh nghiệp của HSBC phát hành hôm 22-12.

Theo báo cáo, mặc dù thương mại hàng hóa Việt Nam chiếm ưu thế so với thương mại dịch vụ, nhưng tăng trưởng thương mại dịch vụ lại được dự báo có tiềm năng phát triển đáng kể.

Thương mại dịch vụ tại Việt Nam tập trung vào lĩnh vực dịch vụ du lịch và lữ hành. Với vị trí địa lý thuận lợi, nhiều điểm du lịch thu hút, hấp dẫn và chi phí tương đối thấp, Việt Nam trở thành điểm đến ưa chuộng của nhiều du khách.

Du lịch và lữ hành được kỳ vọng đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng thương mại dịch vụ của Việt Nam, dự báo đóng góp 65% vào tổng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 và 66% trong giai đoạn 2021-2030.

Theo sau là vận tải và phân phối (các lĩnh vực gắn liền với du lịch và thương mại hàng hóa) kỳ vọng sẽ đóng góp gần 20% vào tăng trưởng trong cùng giai đoạn. Xuất khẩu của một số lĩnh vực cụ thể như hậu cần, vận chuyển, và bảo hiểm… được hưởng lợi khi thương mại hàng hóa được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, khi du lịch được kỳ vọng duy trì vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu dịch vụ vào năm 2030, sự thiếu hụt các hoạt động tiếp thị và đầu tư phát triển sẽ hạn chế tiềm năng phát triển của lĩnh vực này trở thành yếu tố đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ.

Ngoài ra, cũng theo báo cáo này, khi những khó khăn về kinh tế và chính trị làm giảm thương mại toàn cầu đối với hàng hóa và sản phẩm, những doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp thúc đẩy doanh số thông qua xuất khẩu cần tìm hiểu các cơ hội gắn liền với mảng dịch vụ.

T.Thu

Đọc thêm:

Du lịch chờ vị khách quốc tế thứ 10 triệu

Nhân lực du lịch: đào tạo không kịp

Tour càng giảm giá, khách càng mua nhiều

Cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài vào Việt Nam

Doanh nghiệp nôn nóng chờ trang web làm thị thực điện tử

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới