Du lịch Hậu Giang mở đường vượt qua đại dịch
Thu Thảo
(TBKTSG Online) – Được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch nông nghiệp, Hậu Giang đang làm gì để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để vượt qua thiệt hại từ đại dịch Covid-19?
Tỉnh Hậu Giang hiện có 13 điểm du lịch, 200 điểm dịch vụ lưu trú, nhà hàng khách sạn, với hơn 1.000 lao động hoạt động toàn thời gian và bán thời gian trong lĩnh vực du lịch. Trong thời điểm thực hiện các biện pháp khẩn cấp về phòng chống dịch Covid-19 trong tháng 4 vừa qua, tất cả các địa điểm nói trên đã tạm dừng hoạt động, khiến nguồn thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, quí 1-2020, lượng khách đến Hậu Giang giảm 29% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế chỉ có trên 5.000 lượt, giảm 20%; khách nội địa trên 80.000 lượt, giảm 30%.
Tính an toàn là yếu tố tiên quyết
Những tác động tiêu cực của Covid-19 buộc ngành du lịch Hậu Giang phải thay đổi kế hoạch, xây dựng điểm đến an toàn không có dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu.
Sau khoảng thời gian giãn cách xã hội, tâm lý nhiều du khách chọn những nơi còn hoang sơ để nghỉ dưỡng, hưởng thụ không khí trong lành từ thiên nhiên. Việc tập trung đông người cũng không còn mà đa phần là khách gia đình, bạn bè tạo thành nhóm từ 6-8 người.
Các điểm tham quan du lịch trong bàn tỉnh đã hoạt động trở lại, dù còn sụt giảm về doanh số, nhưng chất lượng dần được cải thiện, giá cả của các dịch vụ nhìn chung vẫn giữ nguyên và thêm vào đó có nhiều dịch vụ trải nghiệm.
Mở cửa đón khách từ ngày 30-4, mỗi ngày vườn dâu Thiên Ân tại thành phố Ngã Bảy thu hút từ 100 – 200 khách. Tuy ở vùng quê, khách đến các nhà vườn vẫn có nước rửa tay khử khuẩn để sử dụng.
Ông Lê Minh Tâm, chủ vườn dâu Thiên Ân, chia sẻ: “Sự trở lại lần này, ngoài ưu thế là vườn dâu sai cành trĩu quả, tôi bố trí thêm một số hoạt cảnh để thu hút các bạn trẻ như như cối xay gạo, giếng trời ma thuật, cây dâu trăm kí… Đan xen với không gian rộng là không khí gia đình vui vẻ với món bánh xèo dân dã từ các loại rau nhà lá vườn. Tuy vậy, lượng khách so với mọi năm đã giảm hơn phân nửa”.
![]() |
Vườn dâu Thiên Ân thu hút khoảng 200 khách mỗi ngày vào dịp cuối tuần. Ảnh: Thu Thảo |
Ở vườn chôm chôm Chín Hùng tại xã Tân Thành, thành phố Ngã Bảy thì đang được ráo riết cải tạo và xử lý ra hoa để kịp mở cửa của đón khách vào tháng 8 tới.
Với vườn trái rộng trên 3 héc-ta, ông Chín Hùng cho biết: “Thời điểm nghỉ dịch, tôi tập trung sửa sang lối đi, nuôi thêm cá để phục vụ nhu cầu chế biến tại chỗ và chất thêm chà để mở dịch dụ mới, bắt cá trong vườn, sẵn sàng phục vụ khách vào mùa này”.
Sản phẩm du lịch ở Hậu Giang không chỉ tập trung ở các vườn cây trái, mà người nông dân còn mở sang hướng khai thác từ nghề chăn nuôi. Mới nổi gần đây là trang trại nuôi dê của anh Nguyễn Văn Đua ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, đang tập trung nhân giống tạo ra nhiều dê con và dê bố mẹ để tăng thêm sản lượng sữa.
Ngoài phục vụ nhu cầu thưởng thức tại chỗ của khách, tới đây trang trại sẽ đưa vào menu món phô-mai sữa dê và mở rộng diện tích để có thêm gói sản phẩm “một ngày làm nông dân”. Anh Nguyễn Văn Đua cho biết, cuối năm sau, anh sẽ dành ưu tiên cho học sinh mầm non của Hậu Giang và Cần Thơ khi các cháu cùng thầy cô đến tham quan nghề nuôi dê của trang trại.
Kích cầu từ Mekong Delta Marathon
Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc do Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa phát động tại Cần Thơ và chọn ĐBSCL là điểm khởi đầu, ngành du lịch Hậu Giang chọn Giải quốc tế Mekong Delta Marathon Hậu Giang 2020 để kích cầu du lịch.
6 tour du lịch mới ở Hậu Giang
Tour 1: Vị Thanh – Trải nghiệm thú vị: Di tích Chiến thắng Chương Thiện – Di tích Chiến thắng Vàm Cái Sình – Vùng du lịch cộng đồng Khóm Cầu Đúc; Tour 6: Hậu Giang – Trải nghiệm những sắc màu: Trại dê Ngọc Đào – Công viên giải trí Kittyd & Minnie – Cơ sở chế biến cá thát lát Kỳ Như – Thiền viện Trúc Lâm. |
Cuộc thi này tổ chức vào ngày 30-8 tới, với khẩu hiệu“Save Mekong Delta, mỗi vận động viện chạy – một cây xanh được trồng” nhắm đến việc rèn luyện sức khỏe gắn với góp phần thay đổi nhận thức về biến đổi khí hậu và quảng bá du lịch Hậu Giang.
Sẽ có chuỗi hoạt động lần đầu tiên được tổ chức từ 6 tour du lịch được thiết kế linh hoạt với nhiều sản phẩm du trải nghiệm văn hóa – ẩm thực – thiên nhiên Hậu Giang thân thiện bên cạnh ngày hội trái cây, cuộc thi đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL, lễ hội bánh dân gian… diễn từ ngày 28 đến 30-8.
Theo Ban Tổ chức, đến nay, đã có trên 1.000 vận động viên đăng ký trực tuyến thông qua website 123.go.vn. Dự kiến sẽ có trên 6.000 vận động viên tham gia. Đồng thời, để tạo sức hút du lịch, dự kiến trong tháng 7 sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về thể thao gắn với du lịch, với sự tham gia của các cơ quan đầu ngành và báo đài.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, cho biết hiện nay ngành đã xong kịch bản phục hồi và kích cầu du lịch, với khẩu hiệu (slogan) là “Trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên”.
Đặt biệt, nhân giải Mekong Delta Marathon Hậu Giang 2020, ngành du lịch tỉnh sẽ kết nối tour tuyến với cả 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các tỉnh miền Trung, Tây Bắc.
"Những hoạt động này sẽ góp phần rất lớn để kích cầu lại du lịch sau đại dịch Covid-19, đồng thời thông qua đây để Hậu Giang xúc tiến và quảng bá du lịch đến bạn bè gần xa", ông Hòa hy vọng.
Ngoài ra, để đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch đang phối hợp với các ngành khác lên phương án hỗ trợ trực tiếp về chính sách như giảm thuế, điện và chính sách hỗ trợ cho người lao động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.
"Đặc biệt, sở sẽ tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn. Bằng những hành động này, du lịch Hậu Giang muốn khẳng định là điểm đến an toàn không dịch bệnh vì Covid-19", người đứng đầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chia sẻ.
Hậu Giang kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch Dự án Khu du lịch hồ Sen ở Khu vực 1, phường 7, thành phố Vị thanh, tỉnh Hậu Giang. Quy mô: 15 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến: 5 triệu đô la Mỹ; Dự án Khu du lịch sinh thái kênh lầu ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Quy mô 15,4 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến: 4 triệu đô la; Dự án Khu du lịch Hồ Tam Giác ở Khu vực 1, phường 1, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Quy mô: 7 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến: 500.000 đô la; Dự ánKhu du lịch căn cứ thị xã ủy Vị Thanh ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Quy mô: 18,74 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến: 500.000 đô la; Dự ánKhu du lịch cộng đồng quýt đường Long Trị ở xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Quy mô: 104 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến 5 triệu đô la; Dự án Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Quy mô: 50 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến: 15 triệu đô la. |